Một video ghi hình hiện tượng cực quang gần đây trên bầu trời thành phố Yellowknife (Canada) đã thu hút được sự chú ý của hàng nghìn người.

“Ánh sáng bao phủ khắp nơi, rọi xuống người tôi. Đó là một đêm hoàn toàn khác biệt. Tôi cảm thấy như có một con rồng đang uốn lượn trước mặt”, anh David Yau, một cư dân ở thành phố Yellowknife, Canada, tác giả video, chia sẻ.

Yellowknife nằm ở một khu vực xuất hiện rất nhiều cực quang – tại vĩ độ địa từ thứ 67. Do đó, đây là nơi có thể chiêm ngưỡng những màn trình diễn ánh sáng mãn nhãn nhất ở Canada.

Video cho thấy một màn vũ đạo cực quang đặc biệt đẹp đến mức nghẹt thở vào tuần trước. Trong video có thể nghe thấy tiếng một vài du khách đến từ Hồng Kông, thành viên tour du lịch do công ty Aurora Ninja của ông Yau tổ chức.

Vậy nên chúng ta sẽ hỏi một chuyên gia về cực quang trên thế giới để tìm hiểu xem các dải ánh sáng kỳ ảo màu tím và màu xanh lá xoắn quyện vào nhau trong video là gì.

“Chúng ta đang chứng kiến một tình huống tương đối bất thường, khi xuất hiện các dải sáng màu tím phía bên dưới vòng cung màu xanh lá. Đây là một hiện tượng đặc biệt mạnh mẽ. Nó thật đẹp”, GS Eric Donovan từ Khoa Vật lý Thiên văn của ĐH Calgary (Canada) cho hay.

Giấy ăn, viên bi và khẩu súng

Để hiểu rõ hơn về cơ chế đằng sau hiện tượng này, hãy hình dung một chồng giấy ăn lớn, GS Donovan nói.

Đó là bầu khí quyển Trái Đất.

Bây giờ hãy tưởng tượng một viên bi – một hạt electron tràn đầy năng lượng tiến nhập bầu khí quyển dày đặc của Trái Đất từ không gian.

“Khi các electron ngừng lại, chúng lưu lại tất cả năng lượng của chúng ở đó. Vậy nên chúng sẽ để lại năng lượng tại bất kỳ độ cao nào mà chúng ngừng lại”, GS Donovan nói. Năng lượng này khi tương tác với bầu khí quyển sẽ gây nên hiện tượng Bắc cực quang.

cực quangDavid Yau cho biết đêm hôm đó có thể nhìn thấy rõ ánh sáng màu tím kỳ ảo bằng mắt thường. (Ảnh: David Yau)

Giờ hãy tưởng tượng ném viên bi vào một chồng giấy, hay bầu khí quyển.

“Nếu ném nhẹ, nó có thể thụt vào 1 cm. Nhưng nếu bắn nó ra từ một khẩu súng với tốc độ cực nhanh, nó sẽ đâm hẳn vào”, GS Donovan nói.

Viên bi tác động nhẹ lên tờ giấy là ánh sáng xanh lục, trong khi viên bi bắn ra từ khẩu súng và đâm sâu vào khí quyển Trái Đất là ánh sáng tím.

Donovan cho biết nhìn chung quá trình phản ứng với ôxy tại độ cao khoảng 100-200 km sẽ tạo ra ánh sáng xanh lục; tại độ cao lớn hơn, từ 150 km lên đến hơn 500 km, chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng đỏ. Ánh sáng tím được tạo thành nhờ phản ứng với nitơ tại độ cao 95 km (cộng trừ vài km). Dưới mức này, các electron sẽ tương tác để tạo ra “các hạt photon X-quang cực kỳ mạnh mẽ”, vô hình trước mắt thường.

“Đêm đó thật tuyệt. Tôi cảm thấy rất đặc biệt”, Yau nói.

Quý Khải (theo CBC News)

Xem thêm: