Nghiên cứu mới chỉ ra miếng bọt biển – dụng cụ rửa bát không thể thiếu tại mỗi gia đình thực sự là một vũ trụ thu nhỏ với khoảng 82 tỷ vi khuẩn trong mỗi khe xốp, NY Times đưa tin

Vi khuẩn xâm nhập vào miếng bọt biển qua thực phẩm, da hay các bề mặt khác. Đây là một môi trường lý tưởng với rất nhiều không gian ấm áp, ướt và giàu chất dinh dưỡng để phát triển mạnh.

Vi khuẩn ngập tràn trong những miếng bọt biển bạn dùng rửa bát hàng ngày (Ảnh: Internet)

Vi khuẩn ở khắp mọi nơi, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một miếng bọt biển chứa không ít vi khuẩn.Nhưng những nghiên cứu trước đây dường như đã đánh giá thấp số lượng và phạm vi của chúng. Bằng cách quan sát DNA và RNA trong các mẫu lấy từ 14 miếng bọt biển đã sử dụng, Markus Egert, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Furtwangen ở Đức, và nhóm của ông đã xác định được 362 loài vi khuẩn khác nhau sống trong đó. Họ ngạc nhiên hơn khi thấy chúng cư trú với mật độ siêu dày đặc. Ước tính khoảng 82 tỷ vi khuẩn đang sống trong một khe xốp của miếng bọt biển.

Tiến sĩ Egert nói: “ Mật độ vi khuẩn này tương đương với mật độ mà bạn có thể tìm thấy trong các mẫu phân người. “Có lẽ không nơi khác trên trái đất có mật độ vi khuẩn cao như vậy.”

Trong danh sách vi khuẩn kể trên, các nhà khoa học tìm thấy một loại vi khuẩn có tên Moraxella osloensis, rất phổ biến trong tự nhiên và sống trên da người. Nó là nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi hôi cho đồ giặt bẩn, có thể gây nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch yếu, mặc dù nguy cơ gây ra bởi vi khuẩn tìm thấy trong miếng bọt biển rất khó đánh giá.

Vi khuẩn Moraxella osloensis là lý do khiến miếng bọt biển lâu ngày của bạn có mùi khó chịu (Ảnh: Internet)

Nhiều người nỗ lực khử trùng chúng bằng cách quay trong lò vi sóng, nhúng trong dấm, nấu trong nồi nước sôi hay ném vào máy giặt. Tuy nhiên, việc này dường như không mạng lại nhiều tác dụng khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rất nhiều vi khuẩn có khả năng gây bệnh như Moraxella osloensis, trên các miếng bọt biển thu được từ những người cho biết họ thường xuyên khử trùng chúng.

Theo tiến sĩ Egert, việc khử trùng chỉ có thể tiêu diệt được một số chủng vi khuẩn yếu. Những con còn lại sẽ nhanh chóng sinh sản và lấp đầy vị trí cũ. Khi các bà nội trợ cố gắng vệ sinh miếng bọt biển, chúng sẽ trở nên tồi tệ hơn, giống như cách các vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh nếu họ không tuân theo phác đồ của bác sĩ.

Nỗ lực khử trùng miếng bọt biển bằng lò vi sóng không đem lại nhiều tác dụng (Ảnh: Internet)

Ông nói nếu bạn không thể làm sạch nó hoàn hảo, tốt nhất nên thay thế nó bằng một cái mới mỗi tuần hoặc hơn. Tất nhiên, với nhiều người, điều này là một sự lãng phí. Bạn có thể dùng nó lâu hơn nhưng cũng không nên quá 1 tháng. Những miếng bọt biển cũ vẫn có thể hữu ích ở những nơi ít nhạy cảm hơn như nhà vệ sinh hay phòng tắm.

Chúng ta thường chi rất nhiều tiền bạc cho những thứ khác nhưng không nhiều cho một thứ khá rẻ tiền như miếng bọt biển. Hãy là một người tiêu dùng thông minh để luôn đảm bảo một sức khỏe tốt cho chính bạn và những người thân của mình.

Hoài Anh

Xem thêm: