Vào ngày 14/3 vừa qua, một đàn bồ câu đã được thả ra ở thành phố London với mục đích kiểm tra chất lượng của không khí. Đàn chim này là một phần của “Đội bồ câu tuần tra không khí” (Pigeon Air Patrol Team), được trang bị khá kỹ lưỡng cho chuyến hành trình của chúng – với các túi ba lô nhỏ đựng máy cảm biến ô nhiễm và máy định vị GPS.

Theo đó, thiết bị này sẽ giám sát chất lượng không khí tại địa điểm các con chim bồ câu bay qua và truyền dữ liệu trở lại thông qua tài khoản Twitter mang tên PigeonAir.

Theo thông tin từ trang Theepochtimes, “Đội bồ câu tuần tra không khí” là một dự án được khởi xướng bởi phòng thí nghiệm Plume Labs, phối hợp với cơ quan marketing & công nghệ toàn cầu DigitasLBi và Twitter Anh quốc, trong một nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng không khí trong cộng đồng, kéo dài từ 14/3-16/3 vừa qua.

Đội tuần tra bao gồm Norbert, Coco, và Julius, vốn được nêu tên trong tài khoản Twitter của “Đội bồ câu tuần tra không khí”. Bầy chim này đến từ các khu vực khác nhau của London.

(Ảnh: Twitter)
Các cảm biến siêu nhẹ trong ba lô có thể giám sát hàm lượng Nitơ điôxít, Ôzôn, và các hợp chất dễ bay hơi. (Ảnh: Twitter)

Ô nhiễm không khí là một vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe con người; chỉ tính riêng ở London mỗi năm nó đã cướp đi mạng sống của hơn 10.000 người”, Romain Lacombe, CEO Plume Labs chia sẻ trên trang web công ty.

“Việc gắn các máy cảm biến không khí vào sau lưng những con chim bồ câu không chỉ đơn thuần giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này mà còn giúp người dân London hiểu rõ tác động của tình trạng ô nhiễm theo một cách thức dễ hiểu, rõ ràng và trực diện hơn”, Romain nói thêm.

Theo đó, người dân có thể theo dõi bầy chim thông qua một bản đồ tương tác trên trang web của dự án, và có thể yêu cầu được đo lường tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực của họ bằng cách “tweet” cho đội chim trên Twitter.

Không những vậy, Plume labs cũng mới cho ra mắt một ứng dụng điện thoại miễn phí, cho phép mọi người có thể kiểm tra tình trạng ô nhiễm không khí tại nơi mình đang ở (không chỉ giới hạn tại London, ứng dụng này đã được mở rộng ra nhiều thành phố khác nhau trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam). Tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng này đã có hơn 150.000 lượt tải về.

Kết quả đo lường chất lượng không khí vào ngày 18/3 vừa qua ở thành phố Sài Gòn. (Ảnh: Plume Labs)
Kết quả đo lường chất lượng không khí vào ngày 18/3 vừa qua ở thành phố Sài Gòn. (Ảnh: Plume Labs)

Theo kết quả đo lường chất lượng không khí từ ứng dụng này, thành phố Sài Gòn đạt mức chỉ số trung bình.

Tuy nhiên, không chỉ giới hạn trên các con chim bồ câu, công ty này còn muốn tạo ra một “mạng lưới giám sát chất lượng không khí sử dụng sức người đầu tiên trên thế giới”. Theo đó, Plume labs đã kêu gọi nhiều người mang các cảm biến này bên mình thông qua dự án Crowdsourcing.

(Ảnh: Twitter)
(Ảnh: Twitter)

(Crowdsourcing: hình thức giao công việc đó cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một “lời kêu gọi” để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó. Một ví dụ điển hình là Wikipedia. Nội dung trên trang này là do nhiều người dùng đóng góp.)

Với sự giúp đỡ từ cộng đồng, Plume Labs cho biết họ có thể đo được mức độ ô nhiễm không khí tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới theo thời gian thực, đồng thời cảnh báo người dùng khi họ đến các vùng đó thông qua smartphone.

Video giới thiệu ứng dụng smartphone của Plumes Labs:

Video kêu gọi thiết lập mạng lưới giám sát chất lượng không khí sử dụng sức người đầu tiên trên thế giới:

Tác giả: Denisse Moreno, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: