Được biết đến với cái tên “Dancing mania”, hay chứng cuồng nhảy múa, cho đến nay, hội chứng kỳ lạ này vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải…

“Dịch bệnh” nhảy múa này là một hội chứng xã hội xảy ra tại châu Âu trong khoảng thời gian từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Nó bùng phát khi một nhóm, đôi khi tới cả nghìn người, đột nhiên nhảy múa một cách cuồng loạn và không thể nào dừng lại. Những kẻ mắc bệnh, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ sẽ nhảy múa cho đến khi kiệt sức, và thậm chí là đau tim mà chết. Một trong những trường hợp bùng phát lớn đầu tiên diễn ra tại thành phố Aachen, Đức vào năm 1374, và nó đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp châu Âu.

(Ảnh: Wikipedia)
(Ảnh: Wikipedia)

1. Những triệu chứng bí ẩn

Mặc dù dịch bệnh này ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người tại châu Âu trên một vùng rộng lớn, với khá nhiều ghi chép chi tiết, nhưng cho tới ngày nay, các nhà khoa học vẫn không thể nào lý giải hay hiểu rõ chúng – họ không thể khiến những người nhiễm bệnh dừng nhảy múa.

(Ảnh: Theo Benragaberplym, YouTube)
(Ảnh: Theo Benragaberplym, YouTube)

Một điểm bí ẩn tới rùng mình là, những người mắc phải hội chứng này sẽ… nghe được âm nhạc mà mọi người xung quanh đều không thể nghe thấy. Họ không ăn, không uống, không ngủ nghỉ. Họ nhảy múa, hò hét, và thậm chí là gặp ảo giác trong nhiều ngày, nhiều tuần, hay nhiều tháng. Họ vẫn nhảy trong khi họ gục ngã, và chỉ dừng lại cho đến khi thân thể không còn chút sức lực nào mà thôi. Có người đã nhảy múa đến mức gãy xương sườn mà chết.

Theo các ghi chép về dịch bệnh này, phần lớn người mắc phải sẽ ở trong trạng thái không tự kiểm soát được bản thân mình. Ngoài ra, họ không đứng nhảy ở một chỗ nhất định, mà sẽ vừa nhảy múa vừa di chuyển, kéo theo nhiều người khác gia nhập trên đường. Ở một vài trường hợp, một số người trong đám đông sử dụng những điệu nhảy không hề có tại địa phương, đeo vào mình những thứ đồ trang sức kỳ lạ, tay cầm các miếng gỗ. Trong những lần bùng phát nghiêm trọng hơn, những người mắc bệnh sẽ nhảy múa trần truồng, và hành động biểu hiện ra không khác gì động vật chứ không còn phải là con người nữa.

(Ảnh: Theo Memolition)
(Ảnh: Theo Memolition)

Thời bấy giờ, người ta sẽ ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh này bằng cách nhờ tới các nghệ sĩ và diễn viên múa để đánh lạc hướng và áp chế hành vi của những người khác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, phương pháp ứng phó này lại phản tác dụng và khiến nhiều người hơn nữa nhiễm bệnh. Trong cuốn “Lịch sử bệnh tâm thần vào thế kỷ 16 tại Đức“, giáo sư Erik Midelfort cũng đưa ra một lưu ý đặc biệt rằng, những người mắc bệnh sẽ phản ứng với màu đỏ – họ trở nên vô cùng hung bạo khi nhìn thấy màu đỏ.

Các nhà khoa học cho rằng đây là chứng bệnh tâm thần kỳ quái với biểu hiện vật lý mà không gây ra bởi tác nhân vật lý, lây lan tới rất nhiều người dưới hình thức ảnh hưởng qua giao tiếp xã hội…

2. Những đợt bùng phát nổi tiếng

Một trong những đợt bùng phát nổi tiếng đầu tiên diễn ra tại Bernburg, Đức, vào khoảng năm 1020, khi 18 người nông dân bắt đầu nhảy múa và hát xung quanh một nhà thờ, gây rối loạn vào dịp lễ Giáng sinh.

Sau đó, vào năm 1237, một nhóm trẻ con đi từ Erfurt tới Arnstadt, Đức, đã không ngừng nhảy nhót và múa. Sự kiện này thậm chí đã trở thành một truyền thuyết về phù thủy, và xuất hiện trong các cuốn truyện cổ của Johann Wolfgang von Goethe, hay anh em nhà Grimm.

(Ảnh: Wikipedia)
Sự kiện năm 1237 đã trở thành truyện cổ tích về việc một tay phù thủy trả đũa dân làng bằng cách khiến lũ trẻ nhảy múa không ngừng, sau khi dân làng không đồng ý trả tiền cho công việc xua đuổi loài chuột đang hoành hành ở địa phương (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1278, khoảng 200 người đã nhiễm phải hội chứng cuồng nhảy múa tại cây cầu trên sông Meuse, Đức, và được “chạy chữa” hay trừ tà tại một nhà thờ nhỏ gần đó.

Tuy nhiên, đợt bùng phát lớn đầu tiên phải kể đến là vào ngày 24 tháng 6 năm 1374, tại thành phố Aachen, Đức, và lan rộng ra tới những địa phương khác như Cologne, Flanders, Franconia, Hainaut, Metz, Strasbourg, Tongeren, Utrecht. Lần bùng phát đại dịch kỳ lạ này thậm chí đã lan tới Ý và Luxembourg.

Những lần bùng phát tiếp theo diễn ra vào năm 1375, 1376 ở Pháp, Đức, Hà Lan, và tiếp theo là một loạt những trường hợp diễn ra ở Đức như năm 1381 ở Augsburg, 1418 ở Strasbourg, 1428 ở Schaffhausen.

(Ảnh: Sewerhistory.org)
(Ảnh: Sewerhistory.org)

Một đợt bùng phát vào tháng 7 năm 1518 tại Strasbourg được ghi chép lại tỉ mỉ như sau: vụ việc bắt đầu khi một người đàn bà tên là Troffea bắt đầu nhảy múa trên đường phố. Trong 4 ngày, có 33 người khác bắt đầu nhảy múa cùng cô ta, và trong 1 tháng, đã có tới 400 người. Rất nhiều y sĩ, tu sĩ nhà thờ, người dân và nhà chức trách địa phương đã chứng kiến cảnh các “con bệnh” nhảy múa tới chết. Tuy nhiên, thay vì cô lập những người bệnh, chính quyền đã cung cấp ban nhạc và sân khấu để họ nhảy múa, với niềm tin rằng họ chỉ có thể dừng lại sau khi đã kiệt quệ.

(Ảnh: Wikipedia)
(Ảnh: Wikipedia)

Một vụ việc khác được giáo sư ngành y Gregor Horst ghi chép tỉ mỉ vào thế kỷ 17 kể lại rằng: một số phụ nữ thường xuyên tới cầu nguyện tại nhà thờ St. Vitus tại Drefelhausen, Đức. Tháng 5 hàng năm, họ sẽ nhảy múa cả ngày lẫn đêm cho tới khi gục ngã trong trạng thái mơ màng không kiểm soát được. Khi tỉnh dậy, họ chẳng còn nhớ gì cả và cũng không có cảm giác mệt mỏi. Họ trở lại vào tháng 5 năm hàng năm trong trạng thái tương tự như vậy, và có người đã thực hiện điều đó trong 20, hay thậm chí là 30 năm trời…

3. Những giả thuyết mơ hồ

Những giả thuyết được đặt ra để lý giải hiện tượng này cũng rất mơ hồ, từ việc giải tỏa cuộc sống căng thẳng cho tới bị quỷ ám… Tuy nhiên, chưa có lý giải nào thực sự mang tính thuyết phục. Người ta biết chắc rằng một số người nhiễm “chứng cuồng nhảy múa” bị tâm thần, nhưng một số cũng có thể tham gia do sợ hãi trước tin đồn về một đại dịch, hoặc muốn bắt chước người khác rồi bị mắc bệnh lúc nào không hay.

(Ảnh: Theo Fine Art America)
(Ảnh: Theo Fine Art America)

Một số trường hợp hội chứng này xuất hiện do những tuyên truyền thất thiệt. Ví dụ như tại Ý vào thế kỷ 13, người ta tin rằng nếu một người bị nhện hay bọ cạp cắn thì họ sẽ phải nhảy múa trong một điệu nhạc nào đó để tách chất độc ra khỏi máu của mình. Theo đó, một số người đã tự ám ảnh bản thân về việc bị bọ cạp cắn, hay bị lây chất độc từ người khác… Tuy nhiên đây cũng chỉ là một nguyên nhân không rõ ràng dẫn tới hội chứng kỳ quái này.

Các nhà khoa học xếp “chứng cuồng nhảy múa” vào loại tâm thần tập thể và cho rằng nó có khả năng xảy ra trong những thời điểm khó khăn tại một địa phương nào đó, hoặc do một tín ngưỡng về trừ tà nào đó. Tuy nhiên điều họ cũng không thể lý giải được là, tại sao hội chứng bí ẩn này lại đột ngột kết thúc vào giữa thế kỷ 17, với một trong những lần bùng phát cuối cùng được ghi lại chi tiết vào năm 1959…

Quang Minh

Xem thêm: