Việc phát hiện hóa thạch cổ nhất trên thế giới cho thấy sự sống có thể đã từng tồn tại trên Sao Hỏa, theo các nhà khoa học Anh.

Vi khuẩn hiển vi, nhỏ hơn chiều ngang một sợi tóc, đã được tìm thấy trong các thành tạo đá ở Quebec, Canada, nhưng khi còn sống chúng cư ngụ trong các miệng phun thủy nhiệt lên đến 60 độ C dưới đáy biển, bao phủ bề mặt Trái Đất hàng tỷ năm về trước.

Khám phá cũng chỉ ra sự sống tương tự cũng có thể từng tồn tại trên Sao Hỏa. Sao Hỏa là một hành tinh từng có đại dương và bầu khí quyển tĩnh, nhưng liên tục bị tấn công bởi sao chổi.

Khám phá mới báo hiệu Sao Hỏa có thể từng tồn tại sự sống. (Ảnh: Internet)

Sao Hỏa cổ đại có nhiều đặc điểm tương tự như Trái Đất ngày nay. (Ảnh: Internet)

Nhóm nghiên cứu từ Đại học College London, người đứng sau phát hiện này, tin rằng việc tìm kiếm các hóa thạch tương tự trên Sao Hỏa là cơ hội tốt nhất để tìm kiếm bằng chứng của sự sống ngoài hành tinh.

Nghiên cứu sinh Matthew Dodd, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết:

“Sao Hỏa và Trái Đất thời kỳ đầu rất giống nhau, vì vậy chúng tôi hy vọng có thể tìm kiếm sự sống trên cả hai hành tinh vào thời kỳ này.

“Chúng ta biết rằng sự sống đã bám trụ và phát triển nhanh chóng trên Trái Đất. Vì vậy nếu sự sống phát triển trong hệ thống miệng phun thủy nhiệt vào 4,2 tỷ năm về trước, khi cả hai hành tinh đều tồn tại nước lỏng trên bề mặt, thì chúng tôi kỳ vọng cả hai có thể phát triển sự sống đơn sơ.

“Nếu chúng tôi thu thập mẫu đá trên Sao Hỏa trong tương lai, rồi quan sát các mẫu đá cổ tương tự nhưng không tìm thấy bằng chứng của sự sống, thì Trái Đất chắc hẳn là một trường hợp cực kỳ đặc thù, và sự sống có thể chỉ xuất hiện trên Trái Đất”.

Trước khám phá này, các vi hóa thạch cổ nhất được phát hiện ở miền Tây Australia có niên đại 3,4 tỷ năm, khiến các nhà khoa học vào lúc đó ước tính sự sống trên Trái Đất có lẽ bắt đầu vào khoảng 3,7 tỷ năm về trước.

Khám phá mới nhất hiện đẩy lùi niên đại sự sống có mặt trên hành tinh thành khoảng 4,5 tỷ năm, chỉ 100 triệu năm sau khi Trái Đất được hình thành.

Các dạng thức sống vi mô đã được phát hiện tại khu vực Nuvvuagittuq Supracrustal Belt ở Quebec, Canada, bên trong chứa một trong những khối đá trầm tích cổ nhất trên thế giới, có niên đại lên đến 4,3 tỷ năm, khi khu vực này còn là một đại dương giàu chất sắt.

Hóa thạch vi sinh vật cổ được phát hiện ở Quebec, Canada. (Ảnh: Internet)

Những sinh vật này có hình ống nhỏ, với đáy hình quả bóng dính chặt vào đá biển, còn phần thân chúng lơ lửng trong nước để hấp thụ chất sắt. Chúng tương tự như vi khuẩn sắt oxy hóa được tìm thấy gần miệng phun thủy nhiệt.

TS Dominic Papineau từ Đại học College London cho biết:

“Chúng tôi tìm thấy các sợi tơ và ống nhỏ bên trong cấu trúc rộng chỉ vài centimét gọi là khối kết hạch. Bởi chúng tôi khai quật chúng từ một trong những thành tạo đá cổ nhất được biết đến, nên rất có thể chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng trực tiếp của một trong những dạng thức sống cổ nhất trên hành tinh. Khám phá này giúp chúng tôi ghép lại một bức tranh toàn cảnh về lịch sử Trái Đất và sự sống đáng ấn tượng nơi đây, đồng thời giúp nhận diện các dấu hiệu của sự sống tại nơi khác trong vũ trụ”.

Quang cảnh khu vực Nuvvuagittuq Supracrustal Belt. (Ảnh: Internet)

Nhà thiên văn học Ngài Martin Rees cho biết có khả năng sự sống hình thành trên cả hai hành tinh vào cùng một thời điểm. Ông nói:

“Thật sự có khả năng sự sống hình thành trên Sao Hỏa cùng lúc với trên Trái Đất , nhưng sau đó tan biến dần – có thể vẫn lưu lại một số vết tích để chúng ta phát hiện trong các dự án thăm dò trong tương lai. Nhưng ít khả năng, chúng ta là ‘người Sao Hỏa’ theo cách hiểu là sự sống chỉ khởi nguồn trên Sao Hỏa rồi di chuyển tới Trái Đất thông qua một thiên thạch gieo mầm – như một số người từng tuyên bố trước đây”.

sao hỏaThành tạo đá trên khu vực Vành đai Nuvvuagittuq Supracrustal Belt ở Quebec, Canada. (Ảnh: Internet)

TS Dan Brown, chuyên gia không gian từ Đại học Nottingham Trent cho biết thêm:

“Khám phá này hấp dẫn ở chỗ nó cho thấy tốc độ hình thành nhanh chóng của sự sống trong môi trường điều kiện phù hợp trên một hành tinh hay mặt trăng.

“Một điểm tôi thấy khá rõ ràng là, miễn là một ngoại hành tinh có điều kiện phù hợp cho sự sống theo cách chúng ta biết, thì khả năng tìm thấy một vài dạng thức của sự sống trên hành tinh đó là rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi đang nói đến các vi sinh vật, không phải người ngoài hành tinh.

“Môi trường sinh trưởng của những vi sinh vật cổ đại này rất tốt. Những môi trường nóng như vậy là tương đồng với miệng phun thủy nhiệt, cũng được cho là có tồn tại bên dưới lớp băng dày của vệ tinh Europa của Sao Mộc. Đây là một địa chỉ khác để săn tìm sự sống ngoài hành tinh.

“Khả năng hiện lớn hơn bao giờ hết, rằng sự sống như vậy chắc chắn từng tồn tại trên Sao Hỏa vào thời kỳ đầu”.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature.

Quý Khải

Xem thêm: