Nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking đã quyết định hợp tác với tỷ phú người Nga Yuri Milner trong một dự án trị giá 100 triệu USD nhằm gửi một hạm đội tàu vũ trụ có kích thước nano lên khám phá vũ trụ, với hy vọng tìm kiếm người ngoài hành tinh.

Dự án Breakthrough Initiative có mục tiêu chế tạo các nguyên mẫu tàu nano sử dụng sức đẩy lượng tử ánh sáng (còn gọi là sức đẩy laser) với khả năng di chuyển tại 20% mức vận tốc ánh sáng, cho phép du hành một quãng đường dài 25 nghìn tỷ dặm đến Alpha Centauri, hệ sao gần nhất với Hệ Mặt Trời, trong chỉ khoảng 20 năm.

Một số nhà thiên văn học tin rằng có thể tồn tại một hành tinh giống Trái Đất trong “khu vực có thể sống được (Goldilocks zone hay Habitable zone) [1]” của hệ sao ba này (bao gồm ba ngôi sao Alpha Centauri A, Alpha Centauri B, và Proxima Centauri).

“Trái Đất là một nơi tuyệt vời, nhưng nó có thể sẽ không tồn tại mãi mãi”, GS Hawking nói trong một tuyên bố. “Sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ phải hướng đến các ngôi sao [ngoài kia]. Dự án Breakthrough Starshot là một bước khởi đầu cực kỳ thú vị trong chuyến hành trình này”.

Dẫn đầu chương trình này là Giáo sư Pete Worden, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu AMES trực thuộc NASA, và nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg sẽ tham gia cùng với GS Hawking và doanh nhân Milner.

Alpha Centauri ( European Southern Observatory/Wikicommons) Hệ sao ba Alpha Centauri (Ảnh: Đài quan sát Nam Âu/Wikicommons)
Hệ sao ba Alpha Centauri (Ảnh: Đài quan sát Nam Âu/Wikicommons)

GS Hawking và những người khác đang dựa vào Định luật Moore để tiếp tục một cách nhanh chóng và cho phép sự phát triển của các máy camera, các máy đẩy ảnh, và các cánh buồm kim loại với độ dày chỉ khoảng vài trăm nguyên tử.

“Câu chuyện về nhân loại luôn chứa đầy những bước nhảy vọt tuyệt vời”, ông Milner nói trong một tuyên bố. “55 năm trước, Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày nay, chúng ta đang chuẩn bị cho bước nhảy vọt tiếp theo – lên các vì sao”.

Dự án Breakthrough Initiative xuất hiện đúng vào lúc sự quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực khám phá và thiết lập căn cứ ngoài không gian lên đến đỉnh điểm. Vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của các dự án như Mars One initiative, với mục tiêu thiết lập một căn cứ định cư trường tồn cho con người trên Sao Hỏa vào năm 2027.

Elon Musk, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX, đã không ngần ngại “khoe” viễn cảnh hủy diệt trên Trái Đất như một động lực để nhân loại thiết lập căn cứ trên các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, và xa hơn.

Chú thích của người dịch:

[1] Khu vực có thể sống được (còn được gọi là “vùng ở được”, “vùng sự sống”, “vùng tiện nghi”, “vành đai xanh” hay “vùng Goldilocks”) là nơi cách ngôi sao một khoảng mà những hành tinh kiểu Trái Đất có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng trên bề mặt của chúng[1] và sự sống có thể phát triển trên những hành tinh này. Vùng ở được thường nói đến hai phạm vi là: trong một hệ hành tinh và trong một thiên hà. Các hành tinh và vệ tinh tự nhiên trong những vùng này là những ứng cử viên tiềm năng cho sự sống phát triển và có khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất trên các thiên thể này giống như chúng ta. Khái niệm này nói chung không bao gồm các vệ tinh tự nhiên do vẫn chưa có đủ chứng cứ và lý thuyết nêu bật những kiểu Mặt Trăng nào có thể ở được khi tính đến hành tinh mà nó quay quanh.

Tác giả: Jonathan Zhou, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: