Bác sĩ giải phẫu thần kinh người Ý Sergio Canavero tin rằng các ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên có thể được tiến hành trước năm 2017.

Bác sĩ Canavero đến từ Nhóm nghiên cứu điều biến thần kinh cao cấp Turin ở Ý. Ông và cộng sự của mình tuyên bố rằng các bác sĩ phẫu thuật sẽ có thể cấy ghép đầu của một bệnh nhân lên một cơ thể hoàn toàn khác.

Ý tưởng này đã được ông đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013. Ông muốn tiến hành phẫu thuật loại này để kéo dài sự sống của những người có cơ và hệ thần kinh bị thoái hóa, hoặc có nội tạng bị hỏng vì bệnh ung thư. Hiện nay ông tuyên bố rằng các trở ngại trọng yếu, như việc kết nối tủy sống và ngăn ngừa hệ miễn dịch của cơ thể xuất hiện phản ứng đào thải bộ phận đầu, là có thể giải quyết được, và ca phẫu thuật này có thể sẵn sàng ngay từ năm 2017, tờ New Scientist đưa tin.

Canavero muốn công bố dự án của mình tại hội nghị y khoa thường niên của Viện Bác sĩ Thần kinh và Phẫu thuật Chỉnh hình Mỹ (AANOS) ở Maryland vào tháng 6 tới. Ông đã đăng một bản tóm tắt các kỹ thuật mà ông tin rằng sẽ cho phép các bác sĩ cấy ghép một cái đầu người vào một cơ thể mới trên tạp chí Surgical Neurology International (Phẫu thuật Thần kinh Quốc tế).

Ca cấy ghép đầu thành công đầu tiên đã được ghi nhận vào năm 1970. Với một đội ngũ dẫn đầu bởi Tiến sĩ Robert White thuộc trường Y của trường Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Ohio. Mỹ, họ đã cấy ghép đầu của một con khỉ vào thân mình của một con khỉ khác. Họ không kết nối tủy sống, nên con khỉ đó không thể cử động cơ thể, nhưng nó vẫn có thể thở bằng máy nhân tạo. Con khỉ này đã sống trong 9 ngày cho tới khi hệ miễn dịch của nó từ chối tiếp nhận cái đầu.

Chỉ xét đến các vấn đề về kỹ thuât, chứ chưa nói đến vấn đề đạo đức, liệu việc cấy ghép đầu người có thể sớm trở thành hiện thực?

Bác sĩ Canavero dự đoán rằng những người được cấy ghép đầu sẽ có thể cử động và cảm nhận gương mặt, và sẽ giữ nguyên giọng nói như trước đây. Ông nói rằng các bài tập vật lý trị liệu sẽ cho phép bệnh nhân đi lại trong vòng môt năm. Một số người đã tình nguyện đăng ký cấy ghép đầu, ông nói.

“Không có bằng chứng cho thấy việc kết nối tủy với não bộ sẽ bảo đảm chức năng cảm quan và vận động sau cuộc cấy ghép,” Giáo sư Richard Borgens nhận định. Ông là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu chứng liệt thuộc trường Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ.

Xem thêm: Kỹ thuật cổ đại tiên tiến: Phẫu thuật não từ 2.500 năm trước

Theo chu trình phẫu thuật của bác sĩ Canavero, bệnh nhân sẽ được đặt vào trạng thái bất tỉnh trong khoảng thời gian lên đến 4 tuần để tủy sống kết nối với nhau, đảm bảo nó không bị chệch khỏi vị trí trong quá trình chuyển động. Đây cũng là một vấn đề tiềm năng, theo nhận định của Harry Goldsmith, giáo sư giải phẫu thần kinh tại trường Đại học California, Davis. Hôn mê nhân tạo thường là biện pháp cuối cùng của các bác sĩ, vì nó mang theo một số nguy cơ như hình thành huyết khối (cục máu đông), nhiễm trùng , và giảm thiểu hoạt động não bộ, trang Popular Science đưa tin.

Có những bác sĩ không tin rằng quy trình này là khả thi hoặc phù hợp về mặt đạo đức. “Ông ta điên rồi. Ông không thể gắn một cái đầu vào người khác được!” trang Wired trích lời Binhai Zhang, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại trường Đại học California ở San Diego.

Có lẽ tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai. Có rất nhiều vấn đề về đạo đức đối, và chỉ cần một suy nghĩa về nó đã làm nhiều người sởn da gà.

Tác giả: Troy Oakes, Vision Times
Biên dịch: Quý Khải

Xem thêm: