Bộ não của chim bồ câu có kích cỡ chỉ bằng hạt đậu. Nhưng một nghiên cứu mới đây đã tiết lộ rằng chim bồ câu thông minh vượt trội trong việc nhận dạng, phân loại các vật thể và thậm chí nêu tên chúng, giống như một đứa trẻ vậy!

Có một sự tương đồng giữa cách chim bồ câu và những đứa trẻ học từ ngữ, theo phát hiện của Ed Wasserman và nhóm của ông trong một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Iowa. Nghiên cứu cho thấy những con chim bồ câu này có thể phân loại 128 bức hình dựa vào 16 phân mục.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm không hề có biện pháp cụ thể nào được tiến hành để dạy từ vựng cho chim bồ câu như đã làm với các loài động vật khác như linh trưởng, chó hay vẹt. Những con chim bồ câu này được dạy giống như những đứa trẻ đang học cách phân biệt các loại vật thể khác nhau, cùng lúc phát triển khả năng phân loại các vật thể vào phân mục tương ứng.

Chim bồ câu có thể phân biệt được 16 phân mục khác nhau.

“Khác với các nỗ lực trước đây nhằm dạy từ vựng cho các loài linh trưởng, chó, và vẹt, bây giờ chúng tôi không sử dụng các phương pháp định hình chi tiết hay các gợi ý mang tính xã hội nữa”, Wasserman nói về dự án nghiên cứu, đã được đăng online trên tạp chí Cognition (Nhận thức). “Và những con chim bồ câu của chúng tôi đã được huấn luyện đồng thời trong tất cả 16 phân mục, một điểm khá tương đồng với cách trẻ con học từ vựng và phân mục”.

Trò chơi chọn tên

Để hiểu cách thức hoạt động của bộ não chim bồ câu, các nhà khoa học đã chọn ra ba con chim bồ câu và cho chúng xem 128 bức ảnh đen trắng của các vật thể thuộc 16 phân mục cơ bản như sau: trẻ sơ sinh, vỏ chai, bánh, xe ô tô, pháo, chó, vịt, cá, hoa, mũ, chìa khóa, bút máy, điện thoại, kế hoạch, giày dép và cây cối.

Sau đó chúng phải dùng mỏ để mổ vào một trong hai biểu tượng khác nhau: biểu tượng chính xác ứng với bức ảnh đó và biểu tượng không chính xác được lựa chọn ngẫu nhiên từ một trong số 15 phân mục còn lại. Những con chim bồ câu này không những đã thành công trong việc học về trò chơi này, mà còn học tiếp được một cách đáng tin cậy 4 tấm ảnh mới trong từng 16 phân mục.

bo cau trang
Chim bồ câu nhận biết các đối tượng giống đứa trẻ học từ vựng.

Wasserman nói rằng thử nghiệm là một phiên bản biến thể của một dự án vào năm 1998, trong đó tuyên bố rằng chim bồ câu có thể nhận diện các vật thể trong các phân mục khác nhau.

Trí khôn động vật – không khác biệt với con người

Wasserman đã nghiên cứu về trí khôn của động vật trong hàng thập kỷ qua. Ông cho rằng phát hiện mới nhất chỉ chứng minh được rằng các loài động vật thông minh hơn rất nhiều so với nhận định trước đây, nhưng đối với những nhà khoa học như ông, vẫn còn có rất nhiều thứ để khám phá về động vật và cách bộ não của chúng hoạt động.

Một phụ nữ đang cho bồ câu ăn ở New York, Mỹ. (Ảnh: Vagabondjourney)
Một phụ nữ đang cho bồ câu ăn ở New York, Mỹ. (Ảnh: Vagabondjourney)

“Chắc chắn nghiên cứu về nhận thức của động vật không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nhưng, khi các phương pháp của chúng ta cải thiện, thì hiểu biết của chúng ta về trí khôn của động vật cũng tăng lên”, ông nói.

“Sự khác biệt giữa người và động vật chắc chắn là có tồn tại: nhiều điểm dị biệt đã được biết đến. Nhưng, chúng không đáng kể khi so sánh với số lượng các điểm tương đồng. Nghiên cứu của chúng ta về khả năng phân loại ở chim bồ câu đã gợi ý rằng những điểm tương đồng như vậy có thể còn mở rộng ra đến cách trẻ em học chữ”.

Chim bồ câu từ lâu đã được biết đến là một loài chim rất thông minh. Bản năng tìm đường về nhà của chúng đã được sử dụng để chuyển thư qua các thành phố và quốc gia. Chúng có thị lự tốt hơn con người và đã được lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ huấn luyện để tìm kiếm áo phao màu cam của những người bị thất lạc trên biển. Chúng mang các bức thư tín đến Quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ I và thứ II, từ đó cứu sống được rất nhiều người đồng thời cung cấp các thông tin chiến lược quan trọng.

Nghiên cứu mới nhất này đã bổ sung thêm cho kho kiến thức hiện nay, cùng lúc chứng minh rằng ngay cả khả năng học tập của loài chim cũng không quá khác biệt so với con người. Trên thực tế, trí tuệ của con người cũng không quá đặc thù như chúng ta vẫn tưởng.

Mở rộng kiến thức

Các nhà nghiên cứu của Đại học Iowa nói rằng, thí nghiệm tương tự có thể được tiến hành trên các loài động vật khác để tìm hiểu mức độ tiếp nhận thông tin và áp dụng để ghi nhớ và phân loại các vật thể.

Đây là mô hình liên kết thuần túy cho động vật lần đầu tiên, đã nắm bắt được nhân tố trọng yếu của quá trình học từ vựng – tức là việc tạo bản đồ nhiều phần giữa các tác nhân kích thích và các phản ứng trong não bộ.

“Chúng ta có một thí nghiệm được máy tính hóa, có thể được áp dụng đối với bất kỳ loài động vật nào, chứ không chỉ trên chim bồ câu”, nhà tâm lý học thuộc trường Đại học Iowa Bob McMurray, một tác giả khác của nghiên cứu, nói. “Những phương pháp này có thể được sử dụng với bất kỳ loại động vật nào có khả năng tương tác với màn hình máy tính”.

Khi các thí nghiệm ngày càng phát triển nhằm tìm hiểu cách thức bộ não của các loài động vật hoạt động, hi vọng mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận hơn ý tưởng rằng các chức năng bậc nhất của não bộ không nhất thiết là một điểm của riêng con người.

Loài chim bồ câu đã cho chúng ta thấy rằng chúng cũng có khả năng tốt ngang với trẻ con khi học tập các thứ mới.

Xem thêm:

Atula Gupta, India’s Endangered
Bài viết được đăng tải với sự cho phép. Xem bản gốc ở http://indiasendangered.com/pigeon-brains-work-just-like-children/
Biên dịch: Quý Khải; Biên tập: Phan A