Cuối mỗi năm, trên tuyến đường từ trên rừng xuống biển để đẻ trứng, hàng triệu con cua đỏ di cư trên đảo Giáng Sinh, Australia sẽ phải đối mặt với nguy hiểm thường trực từ các phương tiện giao thông khi chúng băng qua đường.

cua do di cu 2
Cua đỏ tràn ngập mặt đường trong thời kỳ di cư từ rừng xuống biển. (Ảnh: Internet)

Từ khoảng giữa tháng 11 hàng năm, vào thời điểm bắt đầu mùa sinh sản, hàng triệu con cua đỏ lại tấp nập di cư từ các khu rừng trên đảo Giáng Sinh của Úc xuống biển để đẻ trứng trong khoảng 18 ngày. Số lượng cua đỏ quá lớn khiến mặt đất như được phủ nhuộm một lớp sơn màu đỏ. Cảnh tượng này đã hấp dẫn rất nhiều người dân trên đảo cũng như khách du lịch tới đây.

Cua di cư nhuộm đỏ các con đường trên đảo Giáng Sinh. (Ảnh: Internet)
Cua đỏ di cư nhuộm đỏ các con đường trên đảo Giáng Sinh. (Ảnh: Internet)

Để tránh tình trạng đàn cua đỏ bị nghiền nát dưới bánh xe qua lại khi băng qua đường, các kiểm lâm trên đảo đã phối hợp triển khai nhiều hình thức bảo vệ khác nhau. Đội kiểm lâm đã dựng hàng rào hai bên đường, đào 31 đường hầm bên dưới mặt đường, và xây một cây cầu cao 5 m dọc theo tuyến đường đông đúc nhất trên đảo để hỗ trợ cho loài sinh vật giáp xác sặc sỡ này. Các biện pháp đồng bộ này đã giảm thiểu đáng kể lượng cua đỏ bị xe cán.

cua do di cu 1
Rào chắn hai bên đường. (Ảnh: Internet)
cua do di cu
Đường hầm bên dưới mặt đường. (Ảnh: Internet)
Cầu dành riêng cho cua đỏ di cư tránh bị các phương tiện giao thông trên đường cán chết. (Ảnh: Max Orchard, Parks Australia)
Cầu dành riêng cho cua đỏ di cư tránh bị các phương tiện giao thông trên đường cán chết. (Ảnh: Max Orchard, Parks Australia)

Và đối với cây cầu, ngoài việc cung cấp các lợi ích hiển nhiên cho đàn cua, nó cũng đã trở thành một điểm thu hút du khách khá bất ngờ. “Sydney (Úc) có cầu cảng Harbour, San Francisco (Mỹ) có cầu Cổng Vàng, còn Cầu Cua của chúng tôi cũng đang thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới”, bà Linda Cash, giám đốc marketing của Hiệp hội Du lịch Đảo Giáng Sinh trả lời phỏng vấn kênh ABC.

Năm nay, dự kiến mùa sinh sản của cua đỏ sẽ diễn ra vào ngày 6/1, tức thời điểm bán nguyệt cuối tháng (trăng hạ huyền). Đây là thời điểm tối ưu để cua cái xuống biển để trứng, rồi quay trở lại rừng.

Đàn cua biển đến đích. (Ảnh: Internet)
Đàn cua biển tiếp cận bãi biển, nơi chúng sẽ đẻ trứng và cho ra thế hệ sau. (Ảnh: Internet)

Dù có thể vượt qua chặng đường an toàn đến bờ biển, và đẻ được trứng, nhưng đa số các ấu trùng trứng lại sẽ bị các loài cá, cá đuối, và cá mập voi ăn hết khi chúng tiếp cận vùng nước xung quanh đảo trong mùa sinh sản của cua đỏ. Những con cua con may mắn thoát nạn, sẽ nảy nở, sau đó di cư trở lại rừng để hòa nhập với đàn cua lớn. Khi đó, những cơ sở hạ tầng con người xây dựng sẽ giúp ích chúng rất nhiều trong chặng đường trở về nhà.

Quý Khải tổng hợp

Xem thêm: