Cái Chết Đen – một trong những thảm họa tồi tệ nhất được ghi lại trong lịch sử – căn bệnh gây chết người hoành hành khắp châu Âu, thay đổi mãi mãi nền kinh tế và xã hội của họ. Lúc bấy giờ nhiều người cho rằng bệnh dịch hạch này là sự “trừng phạt của Thần vì những tội lỗi của thế giới con người” và là “căn bệnh vô phương cứu chữa hay giảm nhẹ.”

Cái Chết Đen là gì?

Cái Chết Đen ngày nay được biết đến với tên bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersina pestis, được nhà sinh vật học người Pháp Alexandre Yersin phát hiện vào cuối thế kỷ 19, lây lan qua đường không khí, qua tiếp xúc hoặc qua các vết cắn của bọ hoặc chuột.

Cái Chết Đen bùng phát ở Trung Á vào năm 1339. Vì chuột mang bọ chét có nhiễm vi khuẩn này len lỏi khắp nơi, nên bệnh dịch hạch lây lan nhanh chóng. Kết quả là dân số Ấn Độ giảm đáng kể. Đông Nam Á, vùng Lưỡng Hà, Armenia, và các khu vực khác dưới sự thống trị của người Mông Cổ đều tràn ngập xác chết. Năm 1347, Cái Chết Đen lan tới Constantinople và Alexandria. Số người chết tăng vọt ở hai thành phố này trong năm sau đó. Mỗi ngày có hơn 1.000 người chết  ở Alexandria. Ở Ai Cập và Cairo mỗi ngày có hơn 7.000 người chết.

Đại dịch này lan đến châu Âu bằng đường biển vào tháng 10 năm 1347 khi 12 tàu thương mại Genoa cập cảng Sicily của Messina,  sau hành trình dài qua biển Đen. Khi mọi người ra cảng đón mừng tàu về thì chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp: gần như tất cả các thủy thủ trên tàu đã chết và chỉ còn một vài người sống sót trong tình trạng bệnh nguy kịch. Chính quyền Sicily vội vã ra lệnh cho đội tàu “tàu ma” ra khỏi bến cảng, nhưng đã quá muộn: Trong năm năm sau đó, Cái Chết Đen bí ẩn giết chết hơn 20 triệu người ở Châu Âu – gần một phần ba dân số lục địa.

Cái Chết Đen phủ bóng đen lên một số vùng của châu Á, châu Phi và hầu khắp châu Âu. (Ảnh: Internet)

Mô tả Cái Chết Đen, nhà thơ người Ý Giovanni Boccaccio viết “Đối với đàn ông và phụ nữ đều như nhau”, “vào đầu những cơn đau, một số chỗ sưng tấy, hoặc ở háng hoặc dưới nách … to dần lên như quả táo, một số khác to bằng quả trứng, có thể to hơn hoặc nhỏ hơn, và những thứ này có tên là bệnh dịch hạch. “Máu và mủ chảy ra từ những chỗ sưng tấy kỳ lạ này, tiếp theo là một loạt các triệu chứng khó chịu khác – sốt, ớn lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức khủng khiếp – và sau đó, trong thời gian ngắn, là cái chết. Boccaccio đã viết: “Chỉ có việc chạm vào quần áo thôi, có thể truyền từ người bệnh sang người tiếp xúc.” Bệnh cũng phát triển nhanh khủng khiếp. Những người khỏe mạnh khi đi ngủ vào ban đêm có thể đã chết vào buổi sáng.

Cái chết bí ẩn và đau đớn. (Ảnh: Internet)

Những con số khiến bạn rùng mình

Vào thế kỷ 14, tỷ lệ tử vong vượt quá 50% ở các thành phố đông dân cư. Xác chết bị quăng lên các xe cút kít như rác. Theo ước tính, một phần ba dân số Châu Âu chết vì dịch hạch vào thế kỷ 14. Tuy nhiên, bệnh dịch hạch không dừng lại ở đó. Cái Chết Đen tiếp tục tấn công Châu Âu theo chu kỳ mỗi 10 năm, cho đến tận thế kỷ 15. Cho đến nay con số tử vong chính xác do dịch hạch vẫn còn là một ẩn số. Một nhà sử học của Đại học Oslo ở Na Uy ước tính rằng có 8 triệu người chết trong năm 1347 và 30 triệu người trong sáu năm sau đó. Trong suốt 300 năm sau, bệnh dịch hạch vẫn tiếp tục bùng phát nhiều lần. Có thể tổng số người chết đã lên tới 200 triệu. Đại dịch bệnh này đã biến mất một cách bí ẩn sau năm 1670.

Tại sao bệnh dịch hạch lại “tấn công” con người?

Nhiều người tin rằng Cái chết Đen là một hình thức Thần trừng phạt con người do những tội lỗi như tham lam, báng bổ, dị giáo, gian dâm và các ham muốn trần tục khác. Cách duy nhất để vượt qua là xin được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Theo đó, một số người chọn cách tự vấn lương tâm và sám hối. Một số người khác thì tự hành xác để hối lỗi. 

Ngự Yên (tổng hợp theo chanhkien)

Xem thêm: