Có rất nhiều tảng đá cự thạch (khối đá khổng lồ) bí ẩn trên khắp nước Nga. Một số trong chúng có thể là tạo vật của tự nhiên, nhưng cũng có những cấu trúc lớn khác dường như có mức độ “nhân tạo” quá cao để có thể được quy cho bàn tay của Mẹ Thiên Nhiên.

Phải chăng những khối đá cự thạch bí ẩn này cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của một nền văn minh cổ đại, thất lạc từng cư ngụ ở Nga?

Thật không may, chúng ta thường có xu hướng đánh giá thấp các nền văn hóa cổ đại và thành tựu của họ. Nhưng có vô số ví dụ minh chứng tổ tiên chúng ta tiên tiến hơn chúng ta tưởng. Nếu một vài công trình cổ đại khổng lồ thật sự được dựng lập bởi một nền văn minh cổ đại, thì nó cho thấy những người này đã tiếp cận được với những công nghệ phức tạp và tinh vi mà chúng ta hoàn toàn không biết.

Núi Vottovaara bí ẩn: rải rác các khối đá cự thạch khổng lồ

Nhiều nền văn minh cổ đại tin rằng linh hồn cư ngụ tại những nơi có linh tính như rừng cây, đồi núi và các tảng đá. Một nơi như vậy là Núi Vottovaara bí ẩn ở Cộng hòa Karelia (thuộc Nga) vốn rất linh thiêng với người Sami.

Có rất nhiều tảng đá lớn xung quanh Núi Vottovaara và một số chúng có nguồn gốc tự nhiên. Chúng có thể được hình thành do kết quả của một trận động đất cực mạnh, nhưng một số tảng đá thì quá hoàn hảo.

Những tảng đá này dường như đã được cắt bởi một dụng cụ vô cùng tiên tiến.

Một vài tảng đá khổng lồ tạo nên một góc vuông 90 độ hoàn hảo và một số dường như đã được cắt. Những khối đá này được xếp đặt rất ăn khớp với nhau. Trông như thế ai đó đã dùng tia laser để cắt đôi tảng đá, nhưng làm sao điều này có thể khi các nhà sử học cho rằng các nền văn minh cổ đại không thể tiếp cận với một công nghệ tiên tiến như vậy? Hay phải chăng họ có thể, nhưng chỉ là chúng ta không biết được điều này?

Một khối đá khổng lồ vuông vắn.  Ai đã tạo ra nó?

Hai bề mặt liền nhau tạo thành một góc vuông khá hoàn hảo.

Một điều chắc chắn là, các công cụ đá nguyên thủy không thể tạo nên những khối đá khổng lồ, phi thường như vậy.

Các tảng cự thạch bí ẩn ở Siberia

Có một vài tảng siêu cự thạch ở Siberia. Chúng được phát hiện và chụp ảnh lần đầu tiên vào năm 2014 bởi ông Georgy Sidorov, nhà nghiên cứu và một người ủng hộ các lý thuyết phi truyền thống về lịch sử nhân loại. Ông bắt gặp các khối siêu cự thạch trên hành trình đến vùng núi Siberia.

Những tảng siêu cự thạch này nằm gần núi Shoria ở miền nam Siberia. Trước đó không có bất kỳ ảnh chụp nào về chúng.

Bức tường đồ sộ cấu thành từ các khối đá granit khổng lồ này nằm ẩn giấu trong màn sương mù của thời viễn cổ.

Hiện mới chỉ có các phỏng đoán xoay quanh các khối xây bằng đá hộc, người xây, phương pháp kỹ thuật xây và quan trọng nhất là, mục đích và ý nghĩa thật sự của công trình này.

Một số những tảng cự thạch này có thể dễ dàng nặng 3.000 đến 4.000 tấn, và nhiều tảng được cắt thành“bề mặt phẳng, góc nhọn và các góc vuông”. Chúng là công trình của Mẹ Thiên Nhiên hay được xây bởi một nền văn minh cổ đại chưa được biết đến?

Các tảng cự thạch núi Pidan

Tọa lạc tại huyện Shkotovsky thuộc vùng Primorsky, Liên bang Nga. Pidan là một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất vùng Viễn Đông Nga.

Có một lượng lớn tảng cự thạch xung quanh ngọn núi, nhưng chúng chưa được xem xét bởi các chuyên gia. Giống với Núi Vottovaara ở Cộng hòa Karelia, khu vực bí ẩn này thu hút rất nhiều người tin vào tính linh thiêng của nó.

Các tảng cự thạch trên Núi Pidan, Nga.

Những người từng ghé thăm khu vực và nhìn thấy những khối đá khổng lồ cho biết rất nhiều khối trông giống các khối đá nhân tạo dùng để xây nhà. Một số khối đá rõ ràng được đánh bóng và có hàng trăm phiến đá nhân tạo trông giống khối hình hộp, hình chữ nhật và hình vuông. Các khối đá dường như cũng được cắt xẻ và in khắc các ký tự kỳ lạ.

Núi Pidan. Hai vết cắt “ngọt”, hoàn hảo trên khối đá cự thạch.

Hầu hết mọi người cho rằng chúng là các thành tạo địa chất, nhưng một số cho rằng chúng là sản phẩm của một nền văn minh tiền sử sở hữu trình độ công nghệ đáng kinh ngạc.

Cần phải tiến hành các phân tích khoa học chuẩn để xác định xem liệu những khối đá khổng lồ này từng là bộ phận của một công trình cự thạch hay chỉ đơn giản là các khối đá tự nhiên nằm rải rác trên một diện tích lớn.

Tất cả những tảng cự thạch này đều không nổi tiếng như di chỉ cự thạch Stonehenge ở Anh hay Ollantaytambo ở Peru, nhưng điều đó không khiến chúng kém phần thú vị.

Chúng ta chỉ đơn giản có vốn kiến thức rất hạn chế về những khối đá khổng lồ để xác định phương thức, lý do và danh tính tác giả xây dựng nên chúng. Điều không may là, dường như không nhiều học giả tỏ ra hứng thú với việc nghiên cứu những công trình cổ đại bí ẩn như thế này. Là ngẫu nhiên, hay họ ngại phải động đến những chủ đề gây tranh cãi, những sự thật bị chủ đích che giấu bởi nếu được công khai có thể buộc chúng ta phải thay đổi vốn hiểu biết về lịch sử nhân loại.

Lịch sử hành tinh chúng ta có thể khác với những gì chúng ta đã biết? Ngoài khả năng đoán biết đã tồn tại các nền văn minh với công nghệ tiên tiến, một giả thuyết sẽ là những công trình cự thạch lớn đã được tạo ra bởi một chủng tộc người đặc biệt lớn- những người khổng lồ, được nói nhiều trong các truyền thuyết và câu chuyện thần thoại.

Quý Khải

Xem thêm: