Áo bằng sợi tổng hợp rất nhẹ và ấm, khiến mọi người thoải mái hơn trong thời tiết giá lạnh. Nhưng có thể bạn đang ăn nó hàng ngày.

Rất ít người biết rằng mỗi khi giặt, hàng nghìn sợi nhựa dẻo hoặc sợi nhân tạo, từ chiếc áo yêu thích của họ rơi ra môi trường. Hành trình của đám sợi này từ công viên đến các khu nông nghiệp, ra các con sông, vào bụng các loài cá. Sau đó, những con cá này trở thành món ngon trên bàn ăn của chúng ta. Theo NPR, các nhà khoa học vẫn luôn trăn trở: liệu chúng ta đang ăn các sợi tổng hợp từ chính chiếc áo của mình?

Chelsea Rochman, nhà sinh học của Trường Đại học Toronto cho biết: “Sợi tổng hợp dường như là một trong những vật thể bay phổ biến nhất được tìm thấy trong động vật và từ môi trường”. Với kích thước nhỏ hơn 1mm, các loại sợi này được phát hiện trong các gói muối tinh ở Trung Quốc, trên các dòng sông băng và trong cơ thể các con cá ở ngoài khơi California. Có vẻ như đám sợi bay này đang tìm đường len lỏi vào bữa ăn của chúng ta, đặc biệt trong các đồ hải sản.

Patagonia, một công ty may mặc nổi tiếng ở California có các kiểu áo vest, áo len, áo jacket bằng sợi tổng hợp, đã hợp tác với các tổ chức nghiên cứu để tìm hiểu cách thức loại sợi này gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.

Năm 2016, công ty này đã làm việc với nhóm nghiên cứu của giáo sư Patricia Holden, thuộc Trường Đại học California, để xác định số lượng sợi tổng hợp rơi vào máy giặt khi giặt quần áo. Nhóm này đã cho cả hai loại jacket sợi tổng hợp đủ tiêu chuẩn và chưa đủ tiêu chuẩn vào máy giặt không dùng bột giặt để tính toán lượng sợi rơi ra trong mỗi lần giặt.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2016 trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường. Kết quả cho thấy mỗi lần giặt một áo jacket làm rơi ra 2 gram sợi tổng hợp (để dễ so sánh: một chiếc ghim có trọng lượng 1,5 gram). Tương tự, mỗi chiếc áo khoác lông có lượng sợi bay ra cao gấp 7 lần khi giặt bằng máy cửa trên so với máy giặt cửa trước.

Giáo sư Holden cho biết tại khu vực sấy, một số sợi còn bị kẹt lại ở bộ lọc sơ vải. “Tuy nhiên khi ở trong nước, các sợi tổng hợp theo nước chảy xuống ống xả thải. Điểm dừng chân của chúng là tại các nhà máy xử lý nước thải, nơi có rất nhiều sợi bông không được lọc mà vẫn được ra môi trường”.

Ông Holden nhấn mạnh đây chỉ là MỘT con đường của sợi tổng hợp đi ra ngoài môi trường. Còn có nhiều “hành trình” khác của sợi vải mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra.
Và tới lúc này, một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu những sợi bông nhỏ xíu này có gây hại cho con người và động vật không? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.

Nghiên cứu cho thấy một số loài có thể bị tác động bởi tình trạng này. Hai nghiên cứu chỉ ra rằng các sợi tổng hợp bị nghẽn lại dẫn đến số lượng sinh vật chết gia tăng trong các hồ thủy sinh và khiến loài cua hấp thụ ít thức ăn hơn. Tuy nhiên vẫn chưa rõ ảnh hưởng cụ thể. Nhưng nếu có, chúng sẽ tác động tới tất cả chúng ta.

Nhà sinh học Rochman khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa, mỗi lần ăn hải sản tôi đã nuốt vào bụng ít nhất một vải sợi”. Trong khi đó, Gregg Treinish, giám đốc Tổ chức Các nhà thám hiểm và khoa học vì Bảo tồn, khẳng định: “Nếu bạn ăn cá, tức là bạn đang ăn nhựa”.

Những người như Holden, Rochman, Treinish và nhiều người khác đều nhất trí rằng chúng ta không thể biết được tất cả mọi ngóc ngách đường đi của sợi tổng hợp tới hệ sinh thái cũng như tác động của nó đối với cơ thể người và động vật.

Tuy nhiên, để giảm mức độ ô nhiễm thì có các giải pháp ngắn hạn. Chẳng hạn như Treinish, anh lắp đặt trong máy giặt của mình một bộ lọc với hy vọng lấy ra một số vải sợi trước khi nó chảy vào đường ống nước. Treinish cũng gợi ý một giải pháp đơn giản hơn: “Hãy hạn chế giặt áo sợi bông của bạn, tất nhiên trừ khi lũ trẻ làm bẩn nó. Điều quan trọng ở đây là mỗi cá nhân cần biết nên làm gì”.

Minh Bùi

Xem thêm: