Ngày lễ, nhân dân đi du lịch nhiều, đông nghẹt. Người tiêu cực thì thấy “ở nhà cho lành”. Nhưng làm sao ở nhà mãi được. Nhân tiện thấy có bản báo cáo độ cạnh tranh du lịch toàn cầu 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thử xem các chỉ số của Việt Nam.

Về con số tổng thể, Việt Nam xếp thứ 67/136 nền kinh tế du lịch toàn cầu (Với 3,8 điểm, tăng 8 hạng, nằm ở giữa bảng, so với số 1 là Tây Ban Nha và chót là Yemen), được xếp vào nhóm 8 nước có tốc độ tiến bộ về cạnh tranh du lịch cao nhất. Năm qua có 7,94 triệu khách đến Việt Nam, thu về 12,74 tỷ USD, đóng góp 6,6% GDP, tạo ra 2,78 triệu việc làm, chiếm 5,2% tổng số. Suy ra ngành này có hiệu suất kinh tế cao hơn mặt bằng chung.

Những lĩnh vực du lịch có chỉ số xếp hạng khá nhất là:

Nguồn lực văn hóa và dịch vụ các chuyến công tác: hạng 30. Ở đây ngoài các số di sản thế giới ở hạng khá (hạng 46) thì các di sản truyền khẩu và phi vật thể thứ hạng rất cao (13) làm cho mảng này được kéo lên, thì số các hội thảo quốc tế, hay nhu cầu kỹ thuật số cho du lịch văn hóa và giải trí cao (12) cũng là những cái mới so với thập kỷ trước. Điều này suy ra là Việt Nam nhanh nhạy ứng dụng các sản phẩm mềm.

Nguồn lực tự nhiên: hạng 34. Ở mảng này các chỉ số về lượng di sản thiên nhiên, số giống loài đang có, ứng dụng kỹ thuật số rất cao (20-28) thì số khu bảo tồn lại thấp và độ hấp dẫn của các cơ sở hỗ trợ lại kém, kéo con số tổng xuống mức khá. Điều này thật dễ hiểu, Việt Nam vẫn khai thác các sản phẩm tự nhiên chứ chưa hẳn là bảo vệ chăm sóc đến nơi đến chốn.

– Giá thành cạnh tranh: 35. Điều này thì hầu như có thể nhìn thấy trực quan. Trong mục này, đáng chú ý là mức trợ giá năng lượng và giá xăng dầu rẻ, hạng 25 và 35. Giá phòng khách sạn cũng tương đối rẻ, hạng 53. Giá vé máy bay và thuế sân bay trung bình, hạng 70.

Nguồn nhân lực và thị trường lao động: 37. Với điểm 4,91, thì con số này của Việt Nam không tồi, thậm chí xấp xỉ với nước hạng 1 về du lịch là Tây Ban Nha (5,00, thứ hạng nhân lực 34), cao hơn Thái Lan (4,9, hạng 40) hay thậm chí Hàn Quốc (4,89, 43). Những chỉ số khiến thứ hạng này cao là sự tham gia của lao động nữ hạng 23, tỉ lệ người lao động có trình độ giáo dục hết cấp 2 là hạng 31, quy trình thuê và thôi việc 42. Tuy nhiên mức độ định hướng cho khách hàng thì lại kém, 107.

Các chỉ số còn lại:
– An toàn và an ninh: 57.
– Hạ tầng vận tải hàng không: 61.
– Môi trường kinh doanh: 68.
– Hạ tầng đường bộ và cảng: 71.
– Độ cởi mở quốc tế: 73.
– Độ sẵn sàng cho công nghệ thông tin và truyền thông: 80.
– Hạ tầng dịch vụ du lịch: 113.
– Bền vững môi trường: 129.

Trong các chỉ số lẻ, cao nhất là số các vụ khủng bố ở hạng 1 (giúp cho chỉ số an toàn có hạng khá) và độ kịp thời cung cấp dữ liệu về du lịch và đi lại hàng tháng và quý cũng hạng 1 (kéo đỡ chỉ số mức độ ưu tiên cho du lịch cao lên. Mức chi của chính phủ cho du lịch, độ bao quát của dữ liệu, độ cạnh tranh của thương hiệu quốc gia: hạng dưới 100, trong khi độ ưu tiên của chính phủ hay sức hấp dẫn của việc quảng bá chỉ ở mức trung bình – 79, 80). Tức là dữ liệu du lịch cung cấp thì luôn sẵn sàng nhưng có khả dụng không thì còn xem xét.

Thứ hạng tồi nhất chính là mật độ hạt bụi 2.5 trong không khí, liên quan đến độ phát thải ô nhiễm. Việt Nam chiếm hạng 128. Cùng với các thứ hạng rất thấp cho các chỉ số trong nhóm Bền vững môi trường, nên thứ hạng chung bị kéo xuống. Nhóm kém thứ hai chính là hạ tầng dịch vụ du lịch. Tuy nhiên nhóm này có một thông số gây tranh cãi là độ tiện dụng của các hãng cho thuê xe hơi.

Nói chung Việt Nam đã hiện diện như một chủ đề du lịch chứ không còn là chiến tranh. Cứ nhìn vào nước ở đằng trước bảng chữ cái là Venezuela (hạng 104) hay sau là Yemen (136 – đội sổ) – cả hai đang đánh nhau và khủng hoảng be bét – thì nước ta có lẽ cần cảm ơn số phận đã không có cuộc chiến tranh nào nữa. Bảng xếp hạng nó lạnh lùng lắm, trượt đi tí là rơi vào ô mất lượt hay quay lại từ đầu là chiếc nón hết kỳ diệu ngay.

Nhà báo Trương Quý

Xem thêm: