Ở Nhật Bản, bạn có thể bắt gặp những đứa trẻ tự đi tàu điện ngầm hay độc lập làm các việc mà không cần ai giám sát. Lý do cho đức tính tự lập này có lẽ phần nhiều bắt nguồn từ niềm tin trong xã hội của người Nhật Bản.

Một cảnh thường thấy trên các phương tiện công cộng ở Nhật Bản là: trẻ em đi một mình hoặc đi thành từng nhóm, tự tìm ghế ngồi.

Chúng đi những đôi giày da sáng bóng với tất dài tới gối, mặc áo váy kẻ sọc, đội mũ rộng vành có quai và vé tàu ghim vào ba lô sau lưng. Những đứa trẻ khoảng sáu hay bảy tuổi đang trên đường từ nhà đến trường mà không cần người lớn đưa đón.

Các bậc cha mẹ ở Nhật thường xuyên tập cho con cái họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài từ khi chúng còn rất nhỏ. Một chương trình truyền hình phổ biến được gọi là Hajimete no Otsukai, hoặc My First Errand (Con đã lớn khôn), có nội dung ghi lại cảnh những đứa bé 2-3 tuổi ra ngoài thực hiện một số việc vặt giúp đỡ gia đình. Khi chúng thực hiện những nhiệm vụ như tới cửa hàng rau củ hay tiệm tạp hóa, một chiếc camera bí mật sẽ đi theo bọn trẻ để ghi lại. Chương trình nổi tiếng này đã phát sóng được hơn 25 năm.

Một đoạn phụ đề tiếng Anh từ chương trình My First Errand, trong đó anh trai và em gái đi ra ngoài mua đồ tạp hóa lần đầu tiên, cả hai rơm rớm nước mắt.

Kaito, hiện đã 12 tuổi sống ở Tokyo, từ năm 9 tuổi đã tự mình lên tàu đi lại giữa nhà bố và nhà mẹ do bố mẹ ly dị. Cậu bé thừa nhận: “Lúc đầu, cháu cũng hơi lo, không biết liệu cháu có thể đi tàu một mình được không. Nhưng cháu chỉ lo một chút thôi ạ!”.

Bây giờ, cậu nói, điều đó thật đơn giản. Cha mẹ cậu lúc đầu không yên tâm, nhưng họ vẫn để cậu đi vì họ cảm thấy cậu đã đủ lớn, và nhiều đứa trẻ khác đều đã làm được một cách an toàn.

“Thực ra, khi đó tôi nghĩ rằng các chuyến tàu đều an toàn, đúng giờ và dễ đi, cháu còn là một đứa trẻ thông minh nữa”, mẹ kế của Kaito nói. (Cha mẹ của Kaito yêu cầu không công bố họ của cậu bé và tên của họ vì lý do riêng tư.)

“Hồi ở Tokyo, tôi đã tự mình đi tàu khi tôi còn nhỏ hơn cháu”, mẹ kế của cậu nhớ lại. “Chúng tôi không có điện thoại di động thời đấy, nhưng tôi vẫn đi được từ điểm A đến điểm B bằng tàu. Bây giờ, nếu cháu bị lạc, cháu có thể gọi cho chúng tôi”.

Có thể cắt nghĩa thế nào về sự tự lập đặc biệt này của trẻ em Nhật Bản? Theo ông Dwayne Dixon – một nhà nhân chủng học văn hóa từng viết luận án Tiến sĩ về giới trẻ Nhật, đó không hẳn là tự lập, mà là sự “tín nhiệm cộng đồng”. Ông cho rằng: “Trẻ em Nhật học những việc đó từ sớm, bất cứ thành viên nào của cộng đồng đều được khuyến khích phục vụ và giúp đỡ người khác” – ông nói.

Nhận định này được củng cố ở trường học, nơi các em thay phiên nhau dọn dẹp và tự phục vụ bữa trưa thay vì dựa vào đội ngũ nhân viên. Điều này không chỉ giúp “phân công lao động và phân chia trách nhiệm, mà còn dạy bọn trẻ biết cách làm nhiều việc khác nhau, chẳng hạn như cách dọn sạch nhà vệ sinh” – ông Dixon nói.

Chịu trách nhiệm về không gian chung cũng có nghĩa là trẻ em có quyền tự hào về quyền sở hữu và hiểu rõ hơn về hậu quả của việc bừa bộn, bởi chúng sẽ phải tự mình dọn dẹp. Bài học đạo đức này được áp dụng ở cả những nơi công cộng – đó cũng chính là lý do tại sao đường phố Nhật Bản lại sạch sẽ đến vậy. Một đứa trẻ khi đi ra ngoài đường đều biết rằng nó có thể nhờ mọi người giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp.

Một bé gái đi tàu điện ngầm ở Tokyo một mình (Ảnh: tokyoform/Flickr)
Một bé gái đi tàu điện ngầm ở Tokyo một mình (Ảnh: tokyoform/Flickr)

Nhật Bản có tỷ lệ phạm tội rất thấp – đây chính là lý do chính khiến các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm khi để trẻ ra ngoài đường một mình. Tuy nhiên, văn hóa đi bộ, quy hoạch không gian đô thị quy mô nhỏ để tập trung vào sự an toàn có lẽ cũng là một yếu tố quan trọng.

“Không gian công cộng được quy hoạch với tỉ lệ tốt hơn trước rất nhiều, giúp kiểm soát lưu lượng và tốc độ“, Dixon ghi nhận. Ở các thành phố của Nhật Bản, người dân quen với việc đi bộ khắp mọi nơi. Giao thông công cộng cũng rất phát triển. Ở Tokyo, một nửa số chuyến đi là bằng xe buýt hoặc tàu điện, ¼ là đi bộ. Các tài xế cũng quen với việc nhường đường cho người đi bộ và đi xe đạp.

Mẹ kế của cậu bé Kaito nói rằng bà sẽ không cho phép một đứa trẻ 9 tuổi đi tàu điện ngầm một mình ở London hay New York, mà chỉ ở Tokyo mà thôi. Điều đó không có nghĩa là tàu điện ngầm ở Tokyo hoàn toàn không nguy hiểm. Ví dụ, vào năm 2000 người ta phải thiết kế riêng các toa tàu cho phụ nữ ở 1 vài tuyến đặc biệt trước vấn đề phụ nữ và các bé gái thường hay bị sàm sỡ. Tuy vậy, nhiều trẻ em thành phố vẫn tiếp tục tới trường bằng tàu điện ngầm hay ra ngoài làm việc vặt cho gia đình mà không cần người giám sát.

Bằng việc cho trẻ được tự do, phụ huynh Nhật Bản đặt sự tin tưởng tuyệt đối không chỉ vào những đứa trẻ, mà còn vào cả cộng đồng. “Rất nhiều đứa trẻ trên thế giới này có thể tự lập” – ông Dixon quan sát. “Nhưng thứ mà tôi cho rằng người phương Tây phải ngạc nhiên ở Nhật Bản là lòng tin và sự giúp đỡ lẫn nhau, không cần phải nói ra mà luôn được làm bằng sự tự nguyện”.

Theo Citylab
Biên dịch Thu Phương

Xem thêm: