Công việc hàng ngày của chị Hạnh là rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ, đi khắp Sài Gòn nhặt ve chai, rồi trở về góc phố quen thuộc nơi ngã tư Phạm Ngũ Lão – Tôn Thất Tùng để… học tiếng anh. 

Người ta vốn quen với suy nghĩ rằng, phải làm những nghề như nhặt ve chai, thu đồng nát, đều là những người thất học, không thể tìm thấy một công việc tốt hơn. Đồng thời cuộc sống của những người làm cái nghề gom nhặt ấy cũng thật buồn, thậm chí là thật tẻ. Bởi với họ công việc kiếm đủ miếng cơm hàng ngày cũng đủ khiến họ kiệt sức, để rồi cuộc sống khó khăn sẽ xóa nhòa đi trong tâm trí họ những suy nghĩ về ước mơ.

Nhưng ở Sài Gòn, có một người nhặt ve chai không sống như người ta vẫn nghĩ. Cuộc sống của chị không chỉ có những mảnh nhựa, những chiếc túi bóng cũ bẩn mà người ta đã bỏ, cuộc sống ấy vẫn có những giây phút mà những người sung túc bây giờ ước ao.

Cách đây một năm, người Sài Gòn đi qua khu vực Phạm Ngũ Lão – Tôn Thất Tùng đã bắt đầu quen với hình ảnh một người phụ nữ, dựng chiếc xe với lỉnh kỉnh những bị những túi sát vỉa hè, lưng tựa cột đèn và ngồi đọc sách thật bình yên. Chị đọc chăm chú, đọc say sưa, như thể những ồn ào của phố xá, của những chuyện trò xung quanh chỉ là bản nhạc nền du dương, giúp chị hòa mình nhanh hơn vào những điều đang đọc.

Người phụ nữ ấy có cái tên thật đẹp Ngô Thị Mỹ Hạnh, một cô gái Sài Gòn chính gốc, sinh ra và lớn lên tại Quận 4. Ngắm nhìn chị, mọi người đều có cảm nhận, trước đây có lẽ chị đã là một người phụ nữ thật đẹp. Nét đẹp ấy đã bị gió sương của cuộc đời và thời gian làm mờ đi phần nào đó. Nhưng cái phong vị đặc biệt của con người chị dường như không hề bị chạm đến.

Đi nhặt ve chai, nhưng chị Hạnh vẫn ăn vận thật chỉn chu, một chút trang điểm, một chút trang sức, chị đi làm và còn đi học nữa, dù chỉ là tự học. Mỗi sáng chị Hạnh dậy sớm đi nhặt ve chai, vì đây là thời điểm nhiều thứ chị có thể nhặt nhạnh, tích cóp lại. Nhặt xong, chị sẽ bắt đầu ca học tiếng anh tự túc của mình. Tầm trưa, sau bữa trưa với cơm chay hoặc những xuất cơm từ thiện, chị lại tiếp tục công việc của mình. Cho tới 6 giờ chiều, chị trở về góc phố thân quen, bên ánh đèn đường vàng ươm, chị lại lấy sách, lấy đồ nghề ra để học… tiếng anh.

Đồ nghề của chị cũng đầy đủ lắm, một vài cuốn giáo trình tự học tiếng anh giao tiếp theo chủ đề, một chiếc điện thoại chứa đầy những bài tập nghe hiểu và hẳn một chiếc kim từ điển được chị Hạnh đầu tư. Với chừng đó những công cụ, cùng với quyết tâm và niềm hăng say của mình, người phụ nữ ngoài 50 ấy, đêm nào cũng cần mẫn, say mê tiếp tục học bài tới 12 giờ khuya mới về nhà.

Ai đi qua nhìn chị cũng thấy vừa lạ, vừa thương và thấy thắc mắc. Tại sao người phụ nữ ấy miệt mài đến thế? Sự học giống như một con thuyền lớn đưa tâm hồn con người ta tới với những bến bờ của mơ ước, phải chăng chị cũng có một ước mơ của riêng mình.

Chị Hạnh học mỗi ngày, không có thầy giáo, chị tự tìm đường đi cho chính mình. Mỗi ngày chị tự yêu cầu mình học được 20 câu hội thoại mới. Không chỉ học nghĩa, mà còn học nghe, nghe đi nghe lai, đến khi những câu chữ đó “chịu thua” mà chịu nằm lại trong trí nhớ của chị. Kiên nhẫn tích lũy từng chút một là phương pháp tự học mà chị Hạnh chọn cho mình.

Nhưng không chỉ học thụ động, cũng không học kiểu sách vở, người phụ nữ đã từng một thời làm cô giáo tiểu học ấy thường vào công viên 23 tháng 09, gặp gỡ khách nước ngoài, và nhờ họ giúp học cách phát âm sao cho đúng. Sự bạo dạn ấy đã trao tặng thêm cho chị một món quà – một động lực mới để học tiếng anh siêng năng hơn.

Trong một lần đi hỏi bài, chị đã làm quen với một người đàn ông Anh Quốc, 56 tuổi. Họ trò chuyện với nhau bằng cử chỉ, bằng một chút tiếng anh của chị Hạnh. Những nét dịu dàng của phụ nữ Việt trong chị đã khiến người ngoại quốc ấy cảm mến. Họ trở thành bạn của nhau và dần dần một tình yêu nhỏ đang se sẽ hé nở trong trái tim chị. Thứ tình cảm ấy hẳn phải rất chân thành mới có thể bén rễ trong mảnh tâm hồn đã có quá nhiều tổn thương của chị. Ngày trước, chị cũng có một gia đình, nhưng nó không phải là tổ ấm. Sau khi ly hôn với chồng, chị cũng đem lòng yêu thêm một lần nữa. Nhưng chị cũng bị người ta lợi dụng, bị người ta dựa dẫm.

Nhân duyên gặp gỡ với người bạn ngoại quốc ấy khiến chị thêm kiên nhẫn để học tiếng anh, chị muốn hai người có thể trao đổi nhiều hơn, có thể thật sự hiểu nhau hơn.

Nhưng rồi, nhờ một bác xe ôm hay đậu ở khu phố ấy, người ta biết chị là một người “rất nhiều trăn trở về cuộc sống và rất giàu ước mơ”. Và việc học tiếng anh của chị cũng không đơn giản chỉ để hiểu người mà chị thương mến, nó còn đang chở cả ước mơ được làm lại cuộc đời của người phụ nữ yêu kiều này. Chị muốn học để tìm kiếm cơ hội cho mình ở một đất nước khác, hoặc giản dị hơn là lại được mở lớp, đứng lớp và mở cả một quán đồ chay nhỏ để có thể tiếp tục phần đời còn lại của mình một cách ý nghĩa hơn.

Mang ước mơ ấy theo mình, người phụ nữ kín đáo, dịu dàng và giàu ước mơ này vẫn ngày ngày chắt chiu từng chút một cơ hội để biến điều ước của mình thành sự thật. Nhìn cuộc sống của chị, bạn có thấy trái tim mình cũng đang thổn thức, chị ấy đã đi gần hết nửa cuộc đời nhưng vẫn đang không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để biến điều ước của mình thành sự thực. Tiếng thổn thức ấy phải chăng chính là tiếng lòng bạn, tiếng mà trái tim nhỏ bé của bạn đang muốn nói:

“Này người bạn của tôi, nếu bạn đang thao thức muốn làm một điều gì đó, nếu điều ấy là có ích cho chính bạn, cho những người xung quanh và tuyệt hơn nữa là nó có thể làm đẹp cho cuộc đời, hãy tiến lên và đừng dừng bước cho tới khi nào trước mặt bạn là cảnh tượng mà bạn đã ấp ủ từ rất lâu rồi. Bởi giấc mơ ở đó, nó đang chờ bạn tích lũy đủ nỗ lực và kiên trì, để có thể chạm tay vào điều tuyệt vời ấy. Hãy dũng cảm bắt đầu, dũng cảm bước đi…”

Nguồn ảnh: Afamily

Hy Văn