Thất bại, phá sản là những điều không quá xa lạ với những người thành công. Nhưng trên hết, khi đối mặt với khủng hoảng, họ có thể nhận ra những giá trị của cuộc sống và tìm thấy cơ hội trong nghịch cảnh. Đó chính là bí quyết giúp họ từ tay trắng trở nên thành công.

1. Grant Cardone – Từ nghiện ngập trở thành triệu phú

Cardone chia sẻ về những ngày tháng tăm tối mà ông không bao giờ muốn nhớ lại: “Điều buồn cười diễn ra với tôi là: Ở tuổi 12, tôi thậm chí có nhiều tiền hơn lúc tôi 25 tuổi. Tôi đã có lúc hoàn toàn bị phá sản, trở thành một kẻ nghiện ma túy và phải đi cai nghiện. Ngày nay, tôi là một triệu phú và trong một ngày, tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với thu nhập trước đây trong cả năm”.

Từ sau những vấp ngã của tuổi trẻ, Cardone hiểu rằng ông không thể tiếp tục cuộc sống vô nghĩa như vậy. Ông khao khát muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng và bắt đầu làm việc chăm chỉ. Ông bắt đầu nhìn thế giới theo một cách khác, tích cực và lạc quan hơn, ông bắt đầu tìm kiếm và kiên trì theo đuổi đam mê. Hiện nay, Grant Cardone là một trong những chuyên gia bán hàng giỏi nhất. Ông đã xây dựng nên một đế chế bất động sản trị giá 500 triệu USD, và là tác giả của cuốn sách “Be Obsessed or Be”, bestseller theo xếp hạng của tờ New York Times.

2. Tom Ferry – Giúp người cũng là giúp mình

Tom Ferry là người sáng lập kiêm CEO của Tom Ferry International, là chuyên gia đào tạo bất động sản số 1 trong danh sách Swanepoel Power 200 và cũng là tác giả cuốn “Life! By Design”, bestseller theo danh sách của New York Time.

Ferry chia sẻ: “Khi thị trường rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn 2007-2009, tôi đã tập trung nghĩ cách làm sao để phục vụ khách hàng trong tình hình mới này. Tôi đã thích nghi với những thay đổi của thị trường và tập trung giúp đỡ khách hàng chuyển đổi hướng kinh doanh. Tôi giúp họ chuyển từ mô hình bán lẻ bất động sản truyền thống sang một cách tiếp cận đa dạng hơn, nơi họ có thể làm việc với các ngân hàng để bán các căn nhà bị tịch thu, bất động sản bị mất giá và bán nhà trả nợ. Chúng tôi hỗ trợ khách hàng bằng cách kết nối họ với những người mà chúng tôi biết – người có thể tạo điều kiện cho họ làm việc với ngân hàng. Đó là lý do công ty của tôi có thể sống sót”.

Tom Ferry đã thuê một trong những chuyên gia viết sách xuất sắc nhất lúc bấy giờ là Laura Morton để cùng viết một cuốn sách nhằm cung cấp những nhận thức và đề ra các giá trị giúp mọi người vượt qua được khoảng thời gian khó khăn đó. Thậm chí, ông còn tổ chức một hội nghị và hạ giá vé để có thể hỗ trợ nhiều người hơn. Ông đã làm tất cả để thích nghi và cho đi sự giúp đỡ, tạo ra nhiều mối quan hệ và mang lại nhiều giá trị. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt và thành công trong sự nghiệp kinh doanh của ông.

3. Chris Plough – Bạn sẽ không bao giờ phải bước đi một mình

Chris chia sẻ: “Năm 2007, cha mẹ tôi qua đời trong một bi kịch. Tôi không biết làm thế nào để vượt qua nỗi đau này, vì vậy tôi tập trung mọi thứ vào MavenWire – công ty do tôi thành lập. Chúng tôi ‘đặt cược’ một khoản tiền khổng lồ vào hệ thống lưu trữ của mình, dựa trên hợp đồng với một công ty khác. Đến năm 2008, công ty đó tuyên bố phá sản, tôi lâm vào cảnh nợ nần mà không thể chi trả nổi cho những nhu cầu cá nhân tối thiểu.”

Để kiếm tiền trả nợ, Chris Plough đã làm việc hơn 100 giờ đồng hồ mỗi tuần. Thế nhưng, ông nhận ra rằng các mối quan hệ của mình ngày càng biến mất, khách hàng ồ ạt rút tiền ra và không có hợp đồng mới. Đứng trước nguy cơ sụp đổ của công ty, Chris cảm thấy bản thân mình như là một kẻ thất bại và không thể nào tìm ra được lối thoát, cho đến khi có một người bạn rủ ông tham gia chuyến thám hiểm tới Mông Cổ. Những trải nghiệm trên đường đi đã giúp ông tìm lại được bản thân và bắt đầu thay đổi cách làm việc. Ông chia sẻ khó khăn với những người bạn sẵn sàng giúp đỡ mình, tin tưởng giao những công việc quan trọng cho các nhân viên và bắt đầu tìm kiếm sự thư thái trong tâm hồn. Với niềm tin mạnh mẽ “sẽ không bao giờ phải bước đi một mình”, Chris Plough đã đưa MavenWire thoát khỏi khủng hoảng, và thậm chí còn đạt đươc nhiều thành công vượt bậc.

Năm 2016, Chris Plough đã quyết định bán MavenWire để hoàn toàn tập trung cho sứ mệnh cuộc đời, mà theo chia sẻ của ông, là “trao quyền cho những người sẽ tích cực định hình thế giới của chúng ta và còn hơn thế nữa”. Công việc mới của Chris là tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ các hoạt động từ thiện thuộc 3 lĩnh mực mà ông tin là có thể tạo ra thay đổi – sức khoẻ trẻ em, giáo dục và tự do bày tỏ.

4. Steve Griggs – Kiên nhẫn, bền bỉ đến cùng

Steve Griggs, người sáng lập kiêm CEO của công ty thiết kế nhà Steve Griggs Design, chia sẻ: “Trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008, tôi không thể bán nổi dù chỉ một bao mùn cưa cho khách hàng. Mọi người không ai muốn chi tiền để thiết kế lại vườn tược. Ngôi nhà tôi ở rơi vào tình trạng bị tịch thu, và ngân hàng đã tịch thu lại xe của tôi vào giữa đêm. Tôi nợ 80.000 USD trong thẻ tín dụng, và còn nhiều khoản nợ khác nữa. Điện thoại và điện thì cũng bị ngắt dịch vụ vài lần. Nhưng tôi vẫn tiếp tục kiên trì tiến lên”.

Steve Griggs đã phải đi làm thuê cho người khác để nuôi sống bản thân và gia đình. Ông chia sẻ: “Việc phải từ bỏ sự nghiệp của mình để phục vụ cho giấc mơ của người khác là điều không vui vẻ chút nào, nhưng nếu không làm gì thì còn đáng xấu hổ hơn”.

Sau gần 7 năm bền bỉ, cuối cùng, Steve Griggs đã có thể phục hồi và mọi thứ trở nên tốt hơn bao giờ hết. “Đừng bỏ cuôc, hãy kiên nhẫn, bền bỉ đến cùng” – Steve Griggs khẳng định.

5. AJ Rivera – Không ai có thể làm được chuyện ý nghĩa nếu chỉ bước đi một mình

AJ Rivera chia sẻ: “Vào năm 2014, tôi đã phạm sai lầm khi mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhanh. Tôi đã phải tiêu hàng ngàn đô-la tiền tiết kiệm cá nhân để trang trải chi phí của công ty. Tôi không thể mua quà Giáng Sinh cho vợ chưa cưới của mình, thưởng cho nhân viên hoặc trả lương cho bản thân. Tôi nói với nhóm của tôi rằng chúng tôi cần phải đóng cửa và để mọi người ra đi, hoặc là phải tìm ra một kế hoạch để thoát khỏi tình trạng hỗn độn này. Đó là khoảng thời gian đáng sợ và tủi nhục nhất trong cuộc đời tôi. Cuối cùng, tôi cũng nhận ra được rằng mình cần phải biết tin tưởng và dựa vào người khác nếu muốn đạt được bất cứ điều gì có ý nghĩa.”

AJ Rivera đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng, từ chỗ mắc nợ trong ngân hàng đến lúc có hơn 500.000 USD trong tài khoản vào năm 2015, đến năm 2016, ông đã thành lập một công ty tư vấn để giúp đỡ người khác thoát khỏi nghịch cảnh như ông đã từng mắc phải, và phát triển các dịch vụ thể hình của riêng họ. Chúng tôi đã có doanh thu lên tới hơn 1,6 triệu USD trong 12 tháng đầu tiên.

Lẽ ra tôi đã không làm được gì nếu không có những người bạn bên cạnh. Không ai có thể làm được chuyện ý nghĩa nếu chỉ bước đi một mình”. AJ Rivera khẳng định một lần nữa.

Hiểu Minh

Xem thêm: