Đã 40 năm trôi qua, nhưng mấy mùa trung thu cũ kĩ ấy vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn tôi, bình yên và chẳng chút phai mờ.

Trung thu năm xưa, trung thu của “hội con nít nhà nghèo” ở Hà Nội không được nhận nhiều quà và bánh như bây giờ, nhưng niềm vui thì “giàu có” lắm. Để chuẩn bị màn pháo hoa rộn rã, từ mấy tháng hè chúng tôi đã bắt đầu đi lượm hạt bưởi, xâu thành chuỗi rồi đem phơi khô, đợi đến Trung thu sẽ đốt. Những hạt bưởi nổ tí tách cháy sáng rực, những sắc xanh quyện vào mùi hương bưởi thơm ngát, đó là một mùa Trung thu cổ tích.

Nhà tôi nghèo, bố mẹ sinh được 11 anh em, có mảnh đất trống trước nhà, mẹ tôi để trồng rau muống ăn. Mùa nước đổ, rau lên tốt lắm nhà ăn không hết, tôi lại chạy ra cắt về, bó thành từng mớ đem lên chợ bán, số tiền bán được mẹ cho tôi giữ cả. Tôi mừng lắm, đem cất cẩn thận để dành mua dầu tây đợi Trung thu đốt đuốc. 

Ngày ấy, Trung thu thường về làng sớm trước một tuần, cứ đến chập tối là lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau chơi trò bỏ rẻ, súng lục bỏ kho, trốn tìm, rồng rắn lên mây… Mấy ngày trước đó, tôi tỉ mẩn đi chẻ tre về làm chiếc máy bay, chiều ngang 1,5m – chiều dài khoảng 2m, bên ngoài bọc giấy màu po-luya; rồi đợi đến đêm Trung thu thắp nến bên trong cho sáng rực, cầm theo chiếc đuốc ống bơ chạy đi rủ mấy đứa bạn rong từ đầu làng tới cuối xóm.

Tôi hân hoan bước, trong sự cổ vũ của cả nhóm, đứa nào đứa nấy cười giòn vang cả một góc làng nhỏ. Mấy đứa tôi đang reo hò thì bị một đám trẻ con khác cầm súng nước bắn lia lịa, làm tắt ngóm cây nến sáng. Lúc ấy tiếc lắm, nhưng mải vui nên quên nhanh, không có đèn chúng tôi lại cùng nhau chơi trong sân nhà.

Ngày đó đất nhà tôi rộng lắm, phía trước là một cái sân gạch lớn, xung quanh là vườn rộng, có rất nhiều cây quanh năm bốn mùa đơm hoa kết trái, giếng nước, ao bơi, anh chị em chúng tôi hạnh phúc vẫy vùng những tháng năm tuổi thơ trong đó. Và nó cũng trở thành điểm tụ tập của các trẻ em quanh làng Cót mà bây giờ thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đêm Trung thu, trăng sáng lắm, đám trẻ con thường thích đeo mặt nạ đi chơi. Tôi cũng thích mặt nạ nhưng không có tiền để mua, nên tôi lại học cách tự làm. Lấy đất nặn thành mặt khỉ mặt hổ… làm xong lấy giấy nhúng vào nước hồ loãng đắp vào khuôn đất nặn, phơi khô cắt sửa xong, đi xin được sơn thì quét sơn còn không thì bôi phẩm màu lên cũng được. Thành phẩm không đẹp như những hàng bán ngoài chợ nhưng tôi quý lắm!

Đến ngày phá cỗ, bố mẹ tạm gác hết công việc đồng áng, dành thời gian bên gia đình. Tôi nhớ ngày ấy mẹ thường mua một chiếc bánh dẻo, một chiếc bánh nướng đem bày cỗ cùng với hoa quả trong vườn nhà, thắp hương tiên tổ. Đợi khi hạ lễ, mẹ cắt bánh rồi để mấy anh em chúng tôi cùng nhau xúm lại ăn, cứ đứa này nhường đứa kia, mãi mà không hết được hai chiếc bánh, mặc dù đứa nào cũng thấy thèm lắm.

Vừa ăn mấy đứa chúng tôi lại xúm vào nghe bố kể chuyện, bố bảo nhìn trăng có thể xem được thời tiết. Nếu trăng trong thì mùa đông năm đó sẽ lạnh, trăng có tán thì ấm, trăng đục thì mất mùa… Tôi chỉ nghe được chuyện của bố đến đó thôi thì đã lăn ra ngủ lúc nào cũng chẳng biết nữa.

Chúng tôi giờ đây đều đã khôn lớn trưởng thành, mỗi người chọn cho mình một nẻo đường đời, đã bao năm rồi hiếm có dịp nào mâm cơm gia đình đông đủ cả mấy anh em. Một mùa Trung thu nữa lại sắp về, bỗng sao cảm giác trống rỗng quá, những hồi ức ấy liệu bao giờ có thể trở lại?

Đúng là, con người ta cứ phải đi một chặng đường dài mới thấu hiểu được điều gì trên đời là đáng quý nhất. Miền kí ức về ngày thơ bé ấy trong tôi chưa một lần phai nhạt, những tháng ngày bình yên và vô ưu ấy tôi muốn cất riêng vào một góc nhỏ trong tim mình, để nhỡ chăng có lúc tâm trạng mình chùng xuống, vẫn luôn có những yêu thương ngọt ngào sẵn có chở che.

Tết Trung thu là Tết đoàn viên, Tết của tình thân, là dịp để trẻ em háo hức nô đùa, dịp mỗi người già được gần lại cháu con, dịp mỗi người con trở về bên cha mẹ, là dịp để tất cả những người thân yêu quây quần trong hạnh phúc. Hãy tạm gác lại bao tấp nập bộn bề ngoài kia, để trở về bên gia đình thân yêu của mình và cảm nhận trọn vẹn phút giây an yên này.

Gia Viên – Hồng Tâm