Bà Yi Jiefeng, người Thượng Hải đã xây dựng thành công dự án trồng hàng triệu cây xanh tại vùng Nội Mông trong vòng suốt 12 năm qua để tưởng nhớ về người con trai đã mất 16 năm về trước. Giờ đây, mục tiêu của bà là trồng cây gây rừng và chống lại tình trạng sa mạc hóa tại vùng Alashan.

Vào năm 2000, Bà Yi đã vô cùng đau buồn khi người con trai duy nhất của bà – Yang Ruishe đã rời xa bà mãi mãi sau một tai nạn giao thông ở Nhật Bản. Nhưng không lâu sau đó, bà đã tìm ra giải pháp để chống lại sự mất mát to lớn này. Bà quyết định dành cả phần đời còn lại để thực hiện ước mơ của cậu con trai khi còn sống. Cậu ấy từng nói với bà về kế hoạch trồng cây ở khu vực tự trị Nội Mông (phía Bắc Trung Quốc) nhằm ngăn trạng tình trạng sa mạc hóa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bà chia sẻ: “Nó là một đứa trẻ trong sáng, bé bỏng nên rất yêu mến thiên nhiên và luôn quan tâm đến những vấn đề xung quanh nó như mưa, gió, cây cối và động vật”.

Vì lý do này, bà và chồng mình đã quyết định sử dụng toàn số bộ tiền bảo hiểm của người con, khoảng 30 triệu Yên (tương đương 270.000 Đô La Mỹ) để lập nên một tổ chức phi lợi nhuận có tên “Cuộc Sống Xanh” vào năm 2003. Dự án có khởi đầu gian nan khi lần trồng cây đầu tiên đã bị thất bại do thiếu kiến thức về nông nghiệp và tình trạng hạn hán kéo dài. Lượng mưa năm đó đạt ít hơn 200mm khiến các cây mới trồng không thể chống chọi với nắng gió và tình trạng cát dịch chuyển.

Tuy nhiên, họ đã không bị khuất phục trước sự cố này. Họ rút kinh nghiệm, tìm kiếm sự trợ giúp từ những chuyên gia lâm nghiệp và đã thành công vào mùa kế tiếp khi một lượng cây nhất định đã bén rễ. Bà Yi cho biết,: “Tôi tin là linh hồn của con trai đã phù hộ cho chúng tôi bởi vì trời bắt đầu đổ mưa lớn khi chúng tôi hoàn tất công việc. Điều kỳ diệu này đã giúp gia tăng tỷ lệ sống sót cho những cây được trồng lên đến 85%”.

du an trong cay xanh tuong nho con trai
(Ảnh: Homeland Green)

Mặc dù tổ chức “Cuộc Sống Xanh” bắt nguồn với mục tiêu trồng cây gây rừng, nhưng nó đã gây được tiếng vang lớn và trở thành dự án tầm cỡ với mục tiêu nâng cao nhận thức về tình trạng thoái hóa đất khiến những vùng đồng bằng Trung Quốc biến thành những bãi đất cằn cỗi. Bà Yi nói về tâm nguyện của mình với CNN như sau: “Ban đầu, tôi thực hiện công việc từ thiện này với tư cách một bà mẹ mong muốn biến ước mơ dang dở của đứa con thành hiện thực”.

“Nhưng sau đấy, tôi nhận ra là Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng sa mạc hóa nghiêm trọng và nếu tình trạng này trở nên tiêu cực hơn thì 1,3 tỷ người dân Trung Quốc không biết sẽ phải tồn tại như thế nào? Bởi vậy, chúng tôi cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với cộng đồng”.

du an trong cay xanh tuong nho con trai
(Ảnh: Homeland Green)

Khi quỹ đầu tư của họ gần cạn kiệt, thách thức lớn nhất với bà Yi và chồng là tìm cách huy động vốn để dự án có thể tiếp tục hoạt động. Họ đã vô cùng dũng cảm khi quyết định đầu tư tất cả tiền tiết kiệm cá nhân vào tổ chức ‘Cuộc Sống Xanh’. Thậm chí, cả hai căn nhà của họ cũng được quyên góp để sử dụng cho mục đích cao cả này. Bà Yi chia sẻ thêm: “Bởi vì quỹ của dự án rất ít ỏi nên chúng tôi chỉ có thể thành lập một nhóm nhỏ cho những hoạt động thường lệ. Trong khi đó, có rất nhiều việc phải làm. Tôi thường chỉ ngủ khoảng 3 đến 4 tiếng mỗi ngày hoặc thức trắng để làm việc. Điều này đã giúp dự án tiết kiệm phần nào chi phí”.

Sau cùng, với biết bao nỗ lực và những năm tháng nhọc nhằn, may mắn đã mỉm cười với người phụ nữ phúc hậu này khi số lượng tình nguyện viên và các nhà hảo tâm tài trợ đã gia tăng đáng kể vào năm 2008. Rất nhiều người trong số họ là những bậc cha mẹ có hoàn cảnh tương tự như bà Yi và họ hy vọng sẽ tìm thấy sự an ủi thông qua công việc ý nghĩa này. Một ví dụ điển hình là một bà mẹ mất con gái vì căn bệnh ung thư và một người khác có con trai đã tự tử đều đang làm việc rất tích cực cho dự án này. Bà Yi cho biết mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có thể giúp đỡ những bà mẹ có chung một nỗi buồn đoàn tụ và giúp đỡ lẫn nhau.

Bà chia sẻ thêm: “Thật dễ dàng để bẻ gãy một chiếc đũa nhưng một bó đũa sẽ không thể bị bẻ gẫy. Tất cả mọi người trên thế gian này đều có những điểm yếu riêng, nhưng với sự tương trợ của người khác, chúng ta đều có thể trở thành một lực lượng lớn mạnh. Để giải quyết các vấn đề môi trường, chúng ta cần sức mạnh to lớn này và những con người với tấm lòng nhân ái”.

Theo Odditycentral
Bình An biên dịch

Xem thêm: