Ở trung tâm của Châu Phi, từ hàng ngàn năm nay, những cánh rừng nhiệt đới đã không chỉ cưu mang các loài vật hoang dã, mà nó đã trở thành mái nhà vĩ đại của một tộc người có tên là Pymies. Những cư dân của rừng này chia thành nhiều bộ tộc nhỏ, mỗi bộ tộc lại có một ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa hoàn toàn khác biệt. Hãy cùng khám phá một trong những bộ tộc Trung Phi này để giải mã bí ẩn đằng sau danh hiệu mà các nhà nghiên cứu dành cho họ “hình mẫu của cuộc sống cổ xưa”.

Tộc người Baka Pymies sống trong cánh rừng nhiệt đới trải dài trên lãnh thổ của ba quốc gia Cameron, Gabon và Congo. Họ chính là bộ tộc duy nhất còn sống theo phương thức nguyên thủy nhất của con người là Săn bắt – Hái lượm. Người Baka còn được biết đến là những người bán du mục vì tập quán sống không cố định.

Những người Baka sống chủ yếu trong những cánh rừng nhiệt đới, nơi có nhiệt độ và độ ẩm rất cao. Đây là một trong những giả thuyết hợp lý nhất hiện nay để giải thích cho vóc dáng nhỏ bé hơn rất nhiều so với người của các dân tộc khác trên thế giới. Một vóc dáng nhỏ nhắn sẽ giúp họ dễ dàng chống chọi được với nóng ẩm và trở nên nhanh nhẹn, khéo léo hơn khi di chuyển trong rừng, địa bàn sống chủ yếu của họ.

Người Baka được gọi là những “thiên tài của rừng rậm” bởi cuộc sống săn bắt, hái lượm đã khiến họ nắm được khu rừng trong lòng bàn tay, những thân cây cao nhất cũng không thể làm khó họ. Rừng vừa là tủ chứa đồ ăn vừa là tủ thuốc của những con người nhỏ bé này. Người Baka không bao giờ mất niềm tin vào sự hào phóng của Rừng.

Những người đàn ông sẽ phụ trách việc săn bắn, công cụ chủ yếu của họ không khác nhiều so với thời kì nguyên sơ nhất của con người: là dao, giáo, rìu, lưới. Điều giúp họ thành công trong những cuộc săn bắt này chính là lòng dũng cảm và sự khéo léo, nhanh nhẹn. Nếu không trực tiếp nhìn thấy một người đàn ông Baka giả tiếng thú, dùng tiếng dậm chân để lừa con vật, chính bạn cũng có thể nghĩ rằng, đang có một con vật khác đang đến.

Trong khi đó, những người phụ nữ sẽ đảm nhiệm việc hái lượm. Họ thông thuộc tất cả những loại hoa quả có thể sử dụng trong rừng. Sau công việc thu lượm, họ sẽ cùng nhau chế biến các loại hoa quả có thể cất trữ, để làm đồ dự trữ hoặc làm thành hàng hóa trao đổi với những người Bantu.

  

Để tăng thêm đồ ăn cho gia đình, những người phụ nữ sẽ cùng nhau đi bắt cá. Họ sẽ bắt đầu bằng việc xây một con đập nhỏ chắn ngang dòng suối, sau đó tát cạn nước một bên và bắt những sinh vật có thể dùng cho bữa ăn. Có lẽ cuộc tìm kiếm thức ăn trong khu rừng không bao giờ là dễ dàng, nên người Baka sau mỗi lần đổi hàng với người Bantu hay sau mỗi cuộc săn đều cùng nhau chia sẻ thức ăn, sẽ không một ai bị đói.

Người Baka thường không bao giờ sống quá lâu ở một vùng rừng. Khi nhận thấy nguồn thức ăn của vùng này đã giảm đi nhiều, họ sẽ bắt đầu di chuyển tới một vùng rừng khác, nơi được đánh giá là có nhiều thức ăn hơn vào mùa đó trong năm. Người Baka sẽ không bao giờ để lại sau lưng họ một vùng đất bị tận dụng cho đến cùng kiệt.

Đến nơi ở mới, sau khi chọn được một mảnh đất thông thoáng những người phụ nữ sẽ đảm trách việc xây dựng chỗ ở, trong khi những người đàn ông sẽ trông coi sự an toàn. Không cần đi xa, người Baka chỉ cần quan sát xung quanh để tìm thấy nguyên liệu tạo những căn lều đặc trưng, giúp họ có nơi để ngủ vào buổi tối và chỗ trú những lúc trời mưa. Những chiếc khung lều được đan một cách rất khéo léo bằng thân cây mềm và từng lớp lá sẽ được gài cẩn thận, thứ tự vào chiếc khung.

Đôi bàn tay khéo léo và những hiểu biết về cây rừng giúp họ không bao giờ thiếu thức ăn, và thiếu đồ để mặc, bởi việc tạo ra những chiếc váy giuýp từ cỏ không bao giờ có thể làm khó người Baka.

Nhưng điều có thể sẽ khiến bạn xúc động nhất khi tiếp xúc với những con người của rừng này chính là âm nhạc của họ. Sống hòa giữa thiên nhiên, người Baka có thể lấy mặt sông làm trống, và cất tiếng hát lên bất cứ giây phút nào trong ngày. Tiếng trống nước, tiếng hát của họ như mang cả khu rừng trong đó, rộng lớn, hùng vĩ, nhưng không hề thiếu sự uyển chuyển và da diết.

Trống nước, sự độc đáo thú vị trong âm nhạc của người Baka.

Tuy nhiên, có một điều tồi tệ đang diễn ra. Những quốc gia Trung Phi đang ngày càng đẩy nhanh ngành công nghiệp khai thác gỗ. Vì thế, những cây cổ thụ vẫn hàng ngày bị đốn xuống, hàng chục xe tải vẫn chở gỗ ra khỏi rừng mỗi ngày.

 

Người Baka trở nên ngơ ngác, bởi khu rừng thân quen của họ đang dần nhỏ lại, đồ ăn cũng ít dần đi, cuộc sống trở nên bấp bênh hơn. Họ buộc phải trở về ngôi làng gần những người Bantu để kiếm sống. Vì vóc dáng bé nhỏ đặc trưng, những người hàng xóm Bantu nghiễm nhiên coi họ thấp kém hơn, sử dụng những người Baka như những nô lệ, làm thuê cho họ với giá công vô cùng rẻ mạt.

Người ta cũng bắt đầu đem quần áo, những sản phẩm của nền văn minh tiêu thụ tới ngôi làng Baka. Kể từ đó, những chiếc giuýp lá đã bị thay thế. Nhưng còn có rất nhiều những hậu quả khác đáng sợ hơn. Những người đàn ông đã không còn thú để săn, họ chơi bài, uống rượu. Những đứa trẻ cũng không thoát khỏi hơi men. Âm nhạc của máy cát-sét đối với những em bé Baka đã trở nên quyến rũ hơn thanh âm kì diệu của những bài hát xưa. Những điệu nhạc hiện đại khiến chúng từ bỏ cả trường học.

Cuộc sống của người Baka dần mang dáng dấp “hiện đại” hơn. Nền công nghiệp gỗ, công nghiệp dầu cọ khiến người Baka phải thích nghi với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Thiếu thốn thức ăn, bị ảnh hưởng bởi những “điểm đen” trong cách sống hiện đại, người Baka đang đánh mất dần những điều quý giá nhất của họ: Kĩ năng của những thợ săn thiên tài, mối liên hệ chặt chẽ với rừng, tâm hồn hòa cùng sự hùng vĩ và khoáng đạt của thiên nhiên.

Cũng chính vì sự mất cân bằng, thiếu thích nghi với lối sống hiện đại trong các ngôi làng định cư, sự suy giảm của diện tích rừng dẫn đến sự thiếu thốn về thức ăn, và sự bóc lột lao động của người Bantu, một hiện trạng đau lòng trong sự phát triển của bộ tộc người này đã diễn ra: 50% trẻ em của bộ tộc Baka hiện nay không thể sống nổi quá năm tuổi. Đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra một giải pháp phù hợp để thoát khỏi hiện trạng này.

Xin hãy cùng ngắm nhìn quang cảnh cuộc sống của người Baka trong thời điểm hiện tại, để thấy được cuộc sống của bộ tộc nguyên thủy này và một phần sự ảnh hưởng của văn hóa tiêu dùng của người hiện đại tới họ qua ống kính của nhiếp ảnh gia, kiêm nhà báo tự do Susan Schulman.

Quang cảnh chung nơi người Baka dựng lều, sâu trong khu rừng yên tĩnh.

Những đứa trẻ của rừng.

Và những người đàn ông.

Âm nhạc và những hoạt động của cả cộng đồng vẫn là một trong những điều kì diệu trong văn hóa của người Baka, khiến họ cảm thấy mình thật sự tồn tại.

Người phụ nữ vẫn dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo ra những công cụ cần thiết của cuộc sống. Người Baka dường như không bao giờ muốn mất đi những điều truyền thống đã làm nên cuộc sống của mình.

Những người Bantu giờ đây xuất hiện nhiều hơn trong những cánh rừng. Với những phương tiện săn bắn hiện đại hơn, họ đang tạo ra một sự cạnh tranh rất lớn về nguồn thức ăn với người Baka, những người mà hiện nay vẫn chỉ sử dụng lưới và những công cụ rất thô sơ để săn mồi.

Nhưng dường như cuộc sống trong thế giới hiện đại lại đang tạo nên những nỗi buồn nản kì lạ mà người Baka chưa bao giờ biết đến khi còn sống trong những cánh rừng.

Có lẽ, một phần cuộc sống của họ vẫn gắn liền với cái bao la của những cánh rừng, vậy nên khuôn mặt của người Baka vẫn hiện lên những nét, hiền hòa, bình yên.

Ảnh sử dụng trong bài: Ảnh chụp màn hình của phim tài liệu “Baka Pygmies, the Turning point” và các ảnh của nhiếp ảnh gia Susan Schulman.

Ly Ly