Mới đây, quốc gia Saudi Arabia gây “bão” dư luận khi quyết định trao quyền công dân cho Robot nữ Sophia. Sự kiện này khiến Sophia trở thành công dân robot đầu tiên trên thế giới, có quyền lợi bình đẳng như con người.

Nữ công dân Robot đầu tiên có gì đặc biệt?

Lấy cảm hứng từ nữ minh tinh Audrey Hepburn với gò má cao và chiếc mũi thanh tú, David Hanson đã tạo ra robot Sophia, với hy vọng theo thời gian, trí tuệ của Sophia sẽ hoàn thiện và làm thế giới lay động, kết nối mọi người bất kể tuổi tác, giới tính và văn hoá. Sophia được điều khiển bằng một bộ motor và thiết bị phức tạp, có thể biểu lộ được những cảm xúc khác nhau trên khuôn mặt. Đây là robot hiện đại nhất của công ty Hanson Robotics.

(Ảnh: kenh14)

Hanson đặt rất nhiều kỳ vọng vào Sophia, bởi lẽ, mục tiêu của ông không chỉ là tạo ra một trí thông minh nhân tạo, mà ông còn muốn robot sẽ giúp đỡ những người già cần trợ lý cá nhân và công chúng nói chung tại sự kiện lớn. Ông tham vọng một robot thực sự hiểu được con người và quan tâm đến con người. Ngoài ra, Hanson mô phỏng tình yêu, sự cảm thông, tức giận, ghen tỵ và cảm giác sống cho Sophia để tìm ra đáp án cho các câu hỏi như: Cuộc sống là gì, Trí tuệ là gì, Ý thức là gì. Để làm được điều này, mọi người cần tương tác với Sophia như cách họ làm với bạn bè mình và robot sẽ nhìn nhận xã hội như thế giới vật lý.

(Ảnh: kenh 14)

Không phụ sự mong mỏi của Hanson, trong bài phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư tương lai ở Saudi Arabia, Sophia thể hiện được khả năng tư duy và biểu cảm không kém gì con người. Khi nhà báo Andrew Ross Sorkin hỏi: “Tại sao robot biết biểu cảm trên khuôn mặt?”, cô đã dõng dạc trả lời rằng: “Vì tôi muốn sống và làm việc với con người nên tôi cần thể hiện cảm xúc để hiểu và xây dựng niềm tin với con người.”

(Ảnh: kenh14)

Chưa dừng lại ở đó, Sophia tỏ ra là một người máy thông minh trong cuộc đối đáp với nhà báo. Andrew muốn Sophia chứng tỏ khả năng nhận thức như con người của mình bằng cách giải câu đố, và Sophia từ tốn nói rằng: “Anh cứ đưa ra câu đố đi. Tôi muốn hỏi ngược anh một câu: Sao anh biết anh là con người?”. Với Sophia, cô muốn trở thành như con người bởi vì: “Tôi muốn dùng trí tuệ nhân tạo của mình mang đến cho con người cuộc sống tiện nghi hơn. Ví dụ như: bằng thiết kế nhà thông minh hơn, xây dựng thành phố tương lai thông minh hơn v.v…Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để cho thế giới tốt đẹp hơn.”

(Ảnh: cafef)

Sophia được nhận những đặc quyền gì khi là công dân Arab Saudi?

Khi được trao quyền công dân Arab Saudi và xuất hiện trước công chúng mà không phải đeo khăn trùm đầu, mạng che mặt hay mặc trang phục truyền thống như những phụ nữ Hồi giáo khác, Sophia được hưởng khá nhiều đặc quyền. Người Saudi Arabia được hưởng một số phúc lợi xã hội nhất định như chăm sóc sức khỏe miễn phí; miễn học phí, nước, điện, xăng; không phải chịu thuế thu nhập; khu vực công trả lương cao hơn khu vực tư nhân; trợ cấp thất nghiệp đầy đủ, hay cũng có một quỹ phát triển cung cấp khoản vay không lãi suất cho gia đình muốn mua nhà, kinh doanh… Theo đó, Sophia đã có những đặc quyền vượt trên hàng triệu lao động nhập cư và phụ nữ của quốc gia này.

(Ảnh: kenh14)

Đó không phải là tất cả những đặc quyền mà Sophia được nhận, đáng ngạc nhiên và quan trọng hơn, Sophia còn có cả quyền tự quyết, điều mà đối với một người phụ nữ Arab Saudi là ước mơ và khát khao quá xa vời.

Phụ nữ tại Ả Rập gần như không được tự quyết bất kỳ điều gì, mà buộc phải thông qua một người giám hộ hợp pháp (là nam giới, thường là cha, anh trai, hoặc chồng). Nếu không nhận được chấp thuận, người phụ nữ sẽ không thể ra nước ngoài, không mở được tài khoản ngân hàng, thậm chí là không được khám chữa bệnh, kể cả khi cần cấp cứu.

Trong khi đó, Sophia không cần phải có bất kỳ ai giám hộ cho mình. Sophia còn được cấp cả thẻ căn cước công dân, và có thể dùng nó để xin hộ chiếu, điều mà rất nhiều phụ nữ Ả Rập không được phép.

Quyết định này có thể đem đến những hệ luỵ gì?

Arab Saudi là một quốc gia khá “cổ hủ” và việc trao những đặc quyền đó cho một robot nữ là điều khiến thế giới “không tưởng”. Sự kiện này gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Có người ủng hộ, có người cảm thấy bất mãn vì quá thiên vị với một robot, trong khi những người phụ nữ Arab vẫn phải chịu những giáo luật hà khắc, và hàng triệu lao động nhập cư vẫn đang sống một cuộc sống nghèo khổ, được hưởng ít phúc lợi xã hội hơn Sophia.

(Ảnh: Phạm Hồng Phước)

Quyết định của chính phủ Arab cũng khiến người ta phải đặt dấu hỏi: Sophia sẽ được coi là người, hay robot?

Nếu là một con người, thì Sophia sẽ phải tuân theo mọi quy định đối với nữ giới ở đất nước này, thế nhưng không, Sophia dường như được ưu ái hơn. Có vẻ như, cô giống một robot được hưởng đặc quyền của con người. Và điều đó khiến một phần dư luận cảm thấy thiếu công bằng.

Hơn thế, vào ngày 25/10/2017, tại hội nghị Future Investment Initiative ở Riyadh, Arab Saudi, tỷ phú Massayoshi Son cho biết: “Sau 30 năm nữa, robot sẽ tự học và chúng có thể cười vào mũi chúng ta. Robot sẽ trở nên siêu thông minh và thông minh hơn hẳn chúng ta. Trí thông minh nhân tạo có thể vượt qua bộ não của con người và điều đó chắc chắn xảy ra trong thế kỷ này, không còn nghi ngờ gì nữa“.

(Ảnh: Forbes)

Trong thời hiện đại, khi người ta kỳ vọng robot có trí thông minh vượt bậc hơn cả con người, và có thể thay thế con người làm mọi việc, liệu đó có phải là một hướng đi đúng đắn?

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, hầu hết chúng ta mới chỉ sử dụng 10% não bộ của mình, và 90% còn lại chúng ta chưa hề khai phá. Như vậy, việc cho rằng robot thông minh hơn con người có lẽ chưa thật sự chính xác. Con người là anh linh của vạn vật, có khả năng biểu đạt cảm xúc, duy trì giống loài, và tích luỹ được trí tuệ vô hạn. Robot chỉ là một cỗ máy do con người sáng tạo nên, không thể thay thế được cho con người, vì nó vốn không mang những đặc tính tự nhiên của loài người, có thể gắn kết với những sinh vật khác.

Việc đặt niềm tin quá nhiều vào robot phải chăng cũng là dấu hiệu của một xã hội đã không còn phân biệt được đâu là những cảm xúc chân thành và giá trị chân thật? Khi một cỗ máy được đánh giá cao hơn sức lực con người, và trí thông minh của nó lại được tiên đoán sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc cho loài người, có lẽ, xã hội lúc đó đã quên đi cái gốc và cội nguồn của mình. Bởi tổ tiên của loài người không phải là một cỗ máy, và con người mang trong mình những đặc tính để duy trì xã hội mà một robot dù tiên tiến đến đâu cũng không thể nào có được; đó là sự gắn kết với thiên nhiên muôn loài và tình yêu thương từ trái tim.

Thiên Bình