Pháo, không biết có tự bao giờ, tôi chỉ biết một điều là chỉ khi nào tết đến thì mới có pháo nổ, và tôi thì thích pháo vô cùng. Ngày đó người dân ở quê tôi còn nghèo lắm, nhưng cho dù có nghèo cỡ nào đi nữa thì ai cũng ráng chuẩn bị cho nhà mình ít nhất một phong pháo nhỏ cho đêm giao thừa. Và thế là, pháo đã đi vào ký ức tuổi thơ tôi như thế đó.

Tôi còn nhớ, hồi bé, cứ tới đêm giao thừa, mấy anh em tôi lại ngoắc tay nhau sẽ cùng thức tới đêm, nhưng lần nào cũng tới chừng 10h tối là đứa nào đứa nấy một góc giường, ôm gối ngủ lăn lóc. Trước giao thừa chừng 20 phút bao giờ bố mẹ tôi cũng đánh thức cả lũ dậy. Mặc dù đang ngủ dở bị đánh thức nhưng chẳng đứa nào ỉ ôi. Nghe nói đến giờ giao thừa mắt đứa nào cũng tỉnh như sáo. Rồi mẹ kêu chúng tôi phụ mẹ khiêng bàn thờ ra sân, dọn nhang đèn và trái cây chuẩn bị cho mẹ cúng giao thừa.

Nhìn lên bầu trời, tôi thấy mọi thứ tối om, mấy đứa chúng tôi không khỏi xuýt xoa mỗi khi có một cơn gió lạnh thổi tới. Những đốm lửa lập lòa phát ra từ bàn cũng giao thừa từ những nhà hàng xóm, gần có, xa có khiến tôi cảm thấy bùi ngùi khó tả. Thời đó, chỗ tôi, nhà ai cũng nghèo, làm gì đã có pháo hoa, thế nên, khi đúng tới thời khắc giao hòa giữa năm cũ và mới, bố tôi thắp ba nén hương thì thầm khấn khứa rồi quay sang châm lửa ngòi pháo. Dù chưa nghe tiếng nổ nhưng anh em tôi đã chạy dạt sang một góc rồi lấy tay bịt chặt lấy hai tai. Trong chớp pháo và qua màn khói xanh lam của pháo nhà mình tôi cũng kịp nhìn thấy những băng pháo nhà hàng xóm thi nhau nhoang nhoáng nổ. Cả phố phường phút chốc phủ ngập trong khói pháo, trong âm thanh náo nức, hương pháo cay nồng…

Tới sáng mùng một, mẹ cho phép anh em chúng tôi chạy ra đường chơi. Trên con đường làng, mọi thứ vắng lặng như tờ, xác pháo ngập tràn. Lũ trẻ chúng tôi gặp nhau. Mấy đứa hàng ngày nhìn lem luốc mà hôm đấy, đứa nào trông cũng đứng đắn, sạch sẽ, tươi cười trong bộ quần áo mới. Thế rồi, chẳng đứa nào bảo đứa nào, cả lúc đều đua nhau lao vào đống xác pháo sót lại trước cửa mỗi nhà, đập ra làm pháo chuột, hay lấy que hương mà châm ném hù đứa khác. Chúng tôi chí chóe một hồi, đủ lâu để cho người lớn kịp bắt tay chúc mừng nhau, tiếng cười nói rộn rã vang một góc trời…

ky uc
Những hình ảnh như thế này sẽ mãi mãi chỉ còn lại là kỷ niệm…

Thế nhưng từ ngày pháo bị cấm, tôi thấy ngày Tết dường như nhạt nhẽo, vô vị hẳn. Cái cảm giác rộn ràng hào hứng chờ đón giao thừa trong tiếng pháo dường như chỉ còn trong dĩ vãng. Ngày nay và mãi về sau nữa… “pháo” có lẽ chỉ còn là một từ trong từ điển. Nhiều lúc tôi tự hỏi, những đứa trẻ sinh ra sau khi không còn tiếng pháo trong những ngày tết liệu chúng có biết pháo là gì không? Ngày tết chúng sẽ hiểu gì không khi mà cứ nghe người lớn đọc câu “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh” ?

Có thể chúng ta, những bật làm cha làm mẹ sau này sẽ cố giải thích cho con cái chúng ta hiểu, nhưng rồi suốt đời của chúng sẽ không bao giờ có được cái cảm giác nôn nao chờ đón giờ khắc đốt pháo giao thừa, chúng sẽ không biết là phải thức cho đến giờ giao thừa để làm gì? Có chăng là xem đốt pháo hoa trên tivi… vì việc cúng giao thừa đã có cha mẹ chúng lo rồi, chúng chỉ còn biết lo ngủ sớm để sáng mùng một dậy sớm đi chúc tết, mừng tuổi ông ba cha mẹ… rồi để được nhận tiền xì xì…vậy thôi.

ky uc 2

” Đón xuân này , ta nhớ xuân xưa..” giai điệu bài hát ngày nào lại ngân lên trong trái tim tôi…
Thời gian ơi ! Nếu có thể, hãy cho tôi một vé để trở về với tuổi thơ…

Phong Vân