“Hai vợ chồng tôi 36 năm nay vẫn đi tìm con nhưng chẳng khác nào mò kim đáy biển”, đó là lời chia sẻ nghẹn ngào đầy nước mắt của ông Đoàn Xuân Út (68 tuổi) và bà Ngô Thị Thanh (65 tuổi) ở thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ông Út là người huyện Đô Lương, Nghệ An. 40 năm trước, ông kết hôn với người vợ hiện tại của mình là bà Thanh, người Thanh Trì, Hà Nội rồi quyết định lập cư ở đây luôn. Năm 1982, ông bà đưa 2 con của mình là Đoàn Thị Thu Hiền 4 tuổi và con trai 11 tháng tuổi về thăm quê nội.

Khi trở ra, ông Út đã đi nhờ xe cơ quan để tiện mang theo đồ đạc, còn bà Thanh một tay bế con nhỏ tay kia dắt theo cô con gái ra ga chợ Si huyện Diễn Châu, Nghệ An đón tàu ra Hà Nội.

Trong nước mắt bà Thanh kể lại, trong lúc đợi tàu vì trông thấy bà hơi vất vả nên có người ngỏ ý muốn giúp bà bế cô con gái: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ có lòng tốt nên đưa con gái cho người phụ nữ ấy bồng bế. Tuy nhiên, khi chuẩn bị lên tàu tôi không còn thấy người phụ nữ và đứa con mình đâu nữa”.

Mỗi lần xem bức ảnh duy nhất chụp cùng cô con gái đã thất lạc, bà Ngô Thị Thanh đau đến nhói tâm can. (Ảnh: TẠ DUNG)

Về phần ông Út, 36 năm qua đi là 36 năm ông sống trong day dứt và ân hận vì đã để vợ con mình vất vả một mình lên tàu và vô tâm nghĩ rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra: “Nếu hôm đó tôi đi tàu cùng vợ con thì đã không xảy ra sự việc, con tôi đã không thất lạc đến ngày hôm nay”.

Nhớ về cô con gái bé nhỏ, trong ông là hình ảnh bé gái ngoan ngoãn và biết vâng lời. Ngày còn bên ông bà, Hiền đã biết trông em còn biết tự giới thiệu mình là “con bố Út, mẹ Thanh”… Ông biết nỗi ân hận hôm nay vẫn còn sẽ tiếp tục theo ông, dày vò lương tâm cho tới chừng nào ông có thể tìm lại cô con gái đáng yêu của mình thuở nào.

Từ ngày mất con, hễ nghe ai báo có điểm nhận dạng giống con gái mình ông đều đạp xe thật nhanh đến để xác minh. Có hôm muộn rồi còn nhận được tin, hai vợ chồng lại chia nhau đi khắp ga tàu tìm. Ông nhớ lại: “Ngày đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, tôi phải xin nghỉ việc để chở vợ trên chiếc xe đạp cũ đi tìm con. Ban đầu tìm khắp từ Ga Si, các vùng lân cận rồi lên tận vùng biên giới để tìm được tung tích con gái…”, nhưng mọi sự thất vọng cứ nối tiếp nhau, khiến cho nỗi đau ngày càng thêm đau, vết thương dường như càng không thể chữa lành.

Ông Út kể lại hành trình 36 năm đi tìm con gái nhưng chưa có kết quả.

Dù gặp biết bao khó khăn nhưng ông bà cũng chưa bao giờ lùi bước, chưa bao giờ nguôi ngoai cảm giác được tìm thấy con. Ông Út nói: “Vợ chồng tôi rong ruổi khắp nẻo đường, lang thang hết nơi nọ đến nơi kia. Gặp ai cũng tìm hỏi, có tin tức gì dù chỉ là một chút hy vọng cũng tìm đến nơi. Ngày đó, ngã xe xảy ra như cơm bữa. Đi đường nhiều người dân tốt bụng cho cơm, cho bánh để ăn qua ngày. Rồi có hôm nhỡ đường trời tối không xin ngủ nhờ được ở đâu, 2 vợ chồng đành ôm nhau chờ trời sáng…”

Không chỉ những khó khăn về tinh thần và vật chất, ông bà còn bị những kẻ xấu lợi dụng sự mong mỏi của gia đình ông để kiếm tiền như khai gian trùng khớp với những đặc điểm nhận dạng mà ông nói; gọi yêu cầu chuyển một khoản tiền nhất định để họ xác minh cụ thể, làm các xét nghiệm DNA cần thiết…

Có lần ông đăng báo tìm con, được người ta giới thiệu cho người có hoàn cảnh tương tự. Ông tìm để liên hệ, thì lại nhận được tin họ đã tìm được người thân, ông nghẹn ngào kể lại: “Lúc đó cổ tôi như nghẹn lại, khi vừa nhấc điện thoại để gọi, tôi chờ đợi một câu trả lời khác từ tác giả bài viết, nhưng số phận vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng tôi, cháu Hiền vẫn chưa thể về với gia đình”.

Ông bà vẫn chưa một ngày quên đi việc tìm con gái, bất kể ở đâu có tin yêu cầu xét nghiệm để xác minh thân phận của con gái, ông bà cũng đều tìm đến. Tuy nhiên, mỗi lần đi là một lần thêm thất vọng…

Ông bà đã càng ngày càng thêm già, mái tóc xanh hôm nào ôm ấp con trong lòng nay đã điểm bạc. Sức khỏe ngày một yếu đi, đôi mắt cũng mờ dần sau nhiều năm rong ruổi trên chiếc xe đạp tìm con mà không có hồi đáp… 36 năm đợi chờ và tìm kiếm là 36 năm khắc khoải và lo âu.

Ở đời, con cái đến với cha mẹ không phải ân oán thì cũng là nợ nghiệp, nếu không có thì tất không gặp gỡ. Nghe đau xót nhưng rút cuộc lại là để hóa giải những ân tình và nợ nần từ hàng bao đời bao kiếp; nợ nước mắt thì trả nước mắt, nợ ai oán thì trả bi thương… Vợ chồng ông Út đã đau khổ và khắc khoải đến gần cả nửa đời người, thật ra cũng chính là đang trả nợ nghiệp. Con người ta chỉ có thể tin luân hồi là có thật thì mới có thể hiểu được nguồn cội của khổ đau và bất hạnh của kiếp nhân sinh, chỉ có thể tin vào nhân quả mới biết thúc đẩy nhân tâm tích đức hành thiện thì có thể may mắn được Thần Phật chở che và dẫn lối.

Nguồn ảnh: Kenh14

Gia Viên – Hồng Tâm