Người Nhật Bản luôn được cả thế giới biết đến về tính kỷ luật và sự trung thực, họ đều được rèn luyện khắt khe về lối sống thật thà ngay từ khi còn rất nhỏ. Hãy đọc 3 câu chuyện sau đây để hiểu rõ hơn về những phẩm chất đáng khâm phục của xứ sở hoa anh đào này, và hãy coi chúng như những bí quyết để ‘biến’ con bạn thành một đứa trẻ ngoan. 

Câu chuyện thứ nhất: Kỳ công trả lại một đồng xu

Một cô bé 5 tuổi nhặt được một đồng xu 100 yên (gần bằng 1 USD) trên sân chơi, và người cha quyết định đưa con đến đồn cảnh sát để nộp lại.

Người cảnh sát trẻ lấy ra một tờ khai rồi hỏi cô bé: “Cháu nhặt được đồng xu khi nào?”

“Hôm qua ạ”. Cô bé trả lời.

“Lúc mấy giờ?”. Anh cảnh sát hỏi tiếp.

Trung thực là chìa khóa quan trọng nhất của thành công cho những đứa trẻ trong tương lai. (Ảnh minh họa)

Cô bé và cha đều không nhớ rõ, nhưng họ đưa ra thời gian chừng lúc 5h chiều. Anh cảnh sát tiếp tục hỏi địa chỉ, nghề nghiệp và vị trí chính xác mà cô bé tìm thấy đồng xu, rồi gọi điện đến văn phòng trung tâm để báo cáo tỉ mỉ về việc một cô bé vừa nộp đồng xu 100 yên.

Sau khi gắn số quản lý cho đồng xu bị đánh rơi này, anh cảnh sát khen ngợi sự trung thực của cô bé, đưa cho hai bố con cô bé một tờ giấy xác nhận với nội dung họ có thể đến nhận lại đồng xu sau 6 tháng nếu không có ai đến nhận. Ngày hôm đó, anh cảnh sát đã mất hơn 30 phút để giải quyết vụ việc này.

Chúng ta có thể coi đây là việc lãng phí thời gian, thế nhưng, rất nhiều phụ huynh Nhật thậm chí còn mang con đến đồn cảnh sát chỉ để nộp đồng xu 1 yên nhặt được trên đường. Họ coi đó là một sự đầu tư xứng đáng để giáo dục về lòng trung thực cho trẻ nhỏ. Có thể giá trị của đồng xu không lớn nhưng giá trị của đức tính trung thực là vô giá, không vật chất nào có thể sánh được. Cha mẹ Nhật đặc biệt tin rằng, trung thực là chìa khóa quan trọng nhất của thành công cho những đứa trẻ trong tương lai.

Câu chuyện thứ hai: Không giữ đồ của người lạ

Trước hôm kết thúc chuyến lưu diễn, đội trưởng một đoàn nhạc đến từ Việt Nam đi siêu thị định mua cho con gái một món quà kỷ niệm. Sau 8 giờ tối, anh cùng hai đồng nghiệp xuống tàu điện ngầm. Anh mang chiếc ví đựng giấy tờ, hộ chiếu cùng số tiền tương đương khoảng 150 triệu đồng. Đi qua ba chặng ra khỏi ga, anh sờ vào túi thì cái ví đã rơi ở đâu không biết. Anh đội trưởng vô cùng lo lắng bởi số tiền đó gồm cả tiền dự phòng của cả đoàn. Hai đồng nghiệp đi cùng khuyên anh nên báo cảnh sát nhưng anh lắc đầu, bởi chính anh cũng không biết rơi ở đâu. Cuối cùng, không còn cách nào khác, anh đành đến đồn cảnh sát gần nhất khai báo với hy vọng có thể tìm thấy hộ chiếu, còn tiền bạc thì xác định là không còn.

Anh đội trưởng vô cùng lo lắng bởi số tiền đó gồm cả tiền dự phòng của cả đoàn. (Ảnh minh hoạ)

Sau khi nhận đủ thông tin, cảnh sát bảo anh ngồi chờ. Bất ngờ, ba tiếng sau, anh đã nhận lại được chiếc ví, kiểm tra thì thấy chiếc ví không thay đổi gì, số tiền cũng còn nguyên. Họ cho biết, có một người đi tàu điện ngầm đã nhặt được và đem nộp lại cho cảnh sát.

Đức tính trả lại đồ nhặt được và không giữ những thứ gì của người lạ khiến những sở cảnh sát như ở Tokyo có riêng một nhà kho chứa đầy giầy, ô và ví mà người dân nhặt được và nộp cho cảnh sát. Nét văn hóa này được giáo dục từ nhỏ nên đã ăn sâu vào tính cách của người Nhật. Cảnh sát cho biết, sau khi xảy ra trận động đất và sóng thần dữ dội năm 2011, thói quen trả lại đồ nhặt được, trong đó có cả tiền mặt, vẫn được người dân Nhật thực hiện như bình thường, dù khi ấy, họ vô cùng thiếu thốn và khốn khổ.

Đức tính này cũng là cần thiết cho trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh cần dưỡng dục chúng ngay từ lúc đầu.

Câu chuyện thứ ba: Đáng ngưỡng mộ như tài xế taxi Nhật Bản

Hai du khách người Mỹ bắt một chiếc taxi. Anh tài xế mặc áo sơ mi trắng sơ vin phẳng phiu bước ra khỏi xe, cúi chào rất lịch sự và nhiệt tình giúp hai nam thanh niên này vận chuyển tất cả số hành lý lỉnh kỉnh mà không để họ động tay một chút nào. Sau khi hỏi về địa điểm cần đến và nhẩm tính số tiền, anh khuyên họ nên đi tàu điện ngầm cho tiết kiệm. Anh chở họ đến ga tàu điện ngầm và hướng dẫn lộ trình đi. Thậm chí, anh còn vào quầy hỏi thông tin và nhờ nhân viên ở đây giúp hai vị khách này.

Sau khi hỏi về địa điểm cần đến và nhẩm tính số tiền, anh khuyên họ nên đi tàu điện ngầm cho tiết kiệm. (Ảnh minh hoạ)

Không như nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi đi taxi ở Việt Nam, những tài xế taxi ở Nhật luôn khiến du khách đến đất nước mặt trời mọc phải khâm phục và ngưỡng mộ. Họ luôn cư xử đàng hoàng, đúng mực, lịch sự và nhiệt tình. Đăc biệt, họ không bao giờ tham của khách hàng 1 xu mà trái lại còn luôn giúp khách hàng tiết kiệm nhất có thể. Những tài xế taxi tin rằng, họ chính là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh đất nước Nhật Bản trong mắt bạn bè Quốc tế.

Có một sự thật rằng, trong hệ thống giáo dục bậc Tiểu học tại Việt Nam, chúng ta chủ yếu chú trọng đào tạo các em thiên về tư duy. Thế nhưng, tại Nhật Bản, đa số trường tiểu học không có kỳ thi cuối khóa từ lớp 1 đến lớp 3. Những năm đó, hệ thống giáo dục Nhật sẽ hướng các em về hướng phát triển tự nhiên theo tính cách, và chú trọng dạy cho các em những bài học về cuộc sống, đạo đức, cách chăm sóc và yêu thương những người xung quanh.

Đối với Nhật Bản, giàu có chưa đủ cho tiêu chí là một cường quốc nếu không chú trọng đến trình độ dân trí và ý thức, đạo đức công dân, trong đó, trung thực chính là điều tiên quyết cần được xác lập. Người Nhật tin rằng, trung thực luôn mang lại sức mạnh tuyệt đối trong mọi tình huống và ở tất cả các lĩnh vực, từ kinh doanh, giao tiếp cho đến việc nuôi dạy con cái… Nếu không trung thực, con người sẽ đánh mất chính mình và mất phương hướng trong cuộc sống.

Nhìn vào một dân tộc như thế, người ta càng hiểu rõ ràng tại sao những chuyện động đất, sóng thần, thiên tai cũng không bao giờ khiến họ lùi bước.

Hiểu Minh

Xem thêm: