Trung thu bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, phố Hàng Mã cũng không còn như trước nữa, những người lớn thì hỏi nhau “bao giờ cho đến ngày xưa?”, còn trẻ con thì vô tư chơi những trò chơi mới, mà không hề biết rằng có những mùa trăng mà tất cả đều thật lung linh, rực rỡ. Trong cái buồn, cái xót xa những thứ đã qua rồi, vẫn còn những người lớn âm thầm cố gắng, để giữ cho được những mảnh trăng thu ở lại với tâm hồn con trẻ qua những khuôn đúc, những chiếc đèn truyền thống. 

Những con người lặng lẽ ấy chính là những nghệ nhân tình nguyện gắn cuộc đời mình với những điều làm nên một trung thu đúng nghĩa, có bánh nướng bánh dẻo, có đèn lồng, có đồ chơi…

Trung thu của bố có màu gì ạ? (Ảnh minh họa: Pinterest)

Những người cuối cùng còn giữ linh hồn chiếc đèn kéo quân…

Ngày xưa, khi chưa có ti vi, chưa có nhiều sách vở màu sắc như bây giờ, chiếc đèn kéo quân là một thế giới khác đối với con trẻ. Trên những chiếc đèn lồng treo cao, những đứa trẻ tròn mắt, chăm chú lặng nhìn những con thú hay những đoàn binh đuổi nhau trong ánh nên lung linh và những vòng quay. Chúng còn thắc mắc “tại sao cái lồng đèn này lại biết quay thế nhỉ? Nó có gì đâu ngoài những tre nứa, giấy màu và ngọn nến?”

Niềm vui khi ngắm đèn (Ảnh: chụp màn hình youtube)

Ông Vũ Văn Sinh, một người đã biết làm đèn kéo quân từ khi mới lên tám tuổi đã nắm giữ những “bí ẩn lớn nhất” của tuổi thơ này. Ông Sinh sinh trưởng trong một gia đình có nghề truyền thống làm đèn kéo quân tại làng Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội). Cho tới ngày nay, hàng năm, vào mỗi dịp trung thu, gia đình ông vẫn cùng nhau làm những chiếc đèn “kể chuyện”, đem đi bán ở khắp các tỉnh xa.

Ông Sinh cho biết, những chiếc đèn được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản có thể tìm thấy dễ dàng: Nan tre, giấy Poluya, một chút giấy màu và giấy báo. Nhiêu đó thôi đã đủ làm nên “rạp xi – nê đầu tiên” cho những đứa trẻ, trong ngày tết mùa thu.

Ông Sinh và nghề truyền thống (Ảnh: dẫn qua hovuvovietnam.com)

Làm đèn kéo quân theo ông chia sẻ, phải trải qua rất nhiều công đoạn: vót tre vót nứa, dựng khung đèn, cắt giấy trang trí và khó nhất là làm tản đèn – “bí ẩn” lớn của đèn kéo quân. Mỗi khi nến được thắp lên, không khí nóng bên trong đèn sẽ tạo nên sự đối lưu không khí, khiến cho tản đèn – chiếc quạt thông gió đặc biệt quay đều. Cái khó nhất của làm đèn kéo quân chính là dựng khung phải thẳng, làm nan quạt phải đều thì tản đèn mới có thể quay.

Tản đèn – bí mật lớn của tuổi thơ (Ảnh: dẫn qua congly.vn)

Ngày trước, ở làng Đàn Viên, cứ đến dịp trung thu là nhà nào cúng háo hức làm đèn kéo quân, người vót tre, người cặm cụi ngồi cắt hoa giấy. Nhưng giờ đây, trong làng chỉ còn mỗi nhà ông Sinh và một vài gia đình khác vẫn giữ nghề. Với họ, công việc đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ này đã thành một phần ý nghĩa cuộc sống.

Khi được hỏi, ông Sinh chia sẻ chân thành về mong ước giữ được cái nghề làm đèn kéo quân và trao truyền lại nó cho con cháu. Vì những kí ức về ngày rằm trung thu được rước đèn, trông trăng và phá cỗ cùng chúng bạn vẫn luôn ở trong ông và ông tin, nó cũng đã làm nên một phần tuổi thơ an bình, lý thú của biết bao người. Và ông không muốn đánh mất đi món quà tinh thần truyền thống ấy… 

Ánh mắt ngời sáng khi nói về nghề (Ảnh: dẫn qua hovuvovietnam.com)

Những khuôn bánh còn mãi với thời gian 

Ở Hà Nội xưa, phố Hàng Quạt là một trong những nơi nhộn nhịp nhất dịp trung thu nhờ những người đến mua khuôn bánh. Nhưng hiện tại, cái nhộn nhịp ấy chỉ còn “gói gọn” trong một cửa hàng nhỏ bé rộng 10 mét vuông của ông Phạm Văn Quang, người duy nhất ở Hà Nội còn gìn giữ nghề làm khuôn gỗ in bánh trung thu.

Cửa hàng khuôn hiếm hoi còn sót lại (Ảnh dẫn qua: vitbeoxn.blogspot.com)

Trong gian cửa hàng nhỏ có đôi phần chật chội của ông, người ta có cảm giác được đứng ở một góc của Hà Nội xưa cũ, ngắm nhìn một thời mà con người cần mẫn đục đẽo, vẽ tranh lên gỗ, rồi lại in tranh lên những chiếc bánh tỉ mỉ đầy trân quý.

Chân dung ông Quang, người duy nhất còn theo đuổi nghề làm khuôn bánh gỗ (Ảnh dẫn qua: vitbeoxn.blogspot.com)

“Để làm ra chiếc khuôn bánh không hề đơn giản. Gỗ để làm khuôn phải là gỗ thị hoặc xà cừ. Sau khi dùng máy tiện thành khuôn, người thợ sẽ sử dụng đục để tạo hình sản phẩm. Nếu đục sâu quá hoặc nông quá, khối lượng bánh sẽ bị thay đổi. Vì vậy, nếu không phải thợ lành nghề, công việc này khó có thể thực hiện được”, ông Quang đã không ít lần chia sẻ về công việc làm khuôn của mình với những người quan tâm.

Những chiêc khuôn quen thuộc (Ảnh dẫn qua: vitbeoxn.blogspot.com)

Ông còn cho biết, những năm 60 của thế kỉ trước, khách hàng còn đem cả mẫu và nguyên liệu tới để đặt làm khuôn, sao cho có được cái khuôn ưng ý nhất. Và người thợ tiện luôn sẵn sàng dùng đôi tay tài hoa của mình làm vừa lòng khách, giúp đỡ những vị khách thỏa được ước mơ tạo nên cái đẹp của mình.

Hóa ra, ngày trước, con người có liên kết với nhau mạnh mẽ tới thế, người ta đã từng trao gửi nhau sự tin tưởng và cống hiến như vậy. Chiếc bánh của mùa thu được làm ra cũng vì thế mà gói trong nó bao nhiêu điều quý báu chỉ có thể nhìn bằng trái tim: sự tỉ mẩn của người mẹ trong mỗi công đoạn làm nhân bánh, làm vỏ bánh, sự kì công và khéo léo của người thợ làm khuôn bánh và không thể thiếu là ánh nhìn háo hức đầy ngưỡng mộ của trẻ thơ.

Cửa hàng như một gian trưng bày nghệ thuật (Ảnh dẫn qua: english.vietnamnet.vn)

Đi sâu hơn một chút vào công việc làm khuôn, ông Quang cũng từng chia sẻ bí quyết để tạo nên một khuôn bánh chuẩn, không quá nông, không quá sâu là nằm ở điểm – người thợ làm khuôn cũng phải là người thợ làm bánh giỏi, bởi chỉ hơn nhau một chút nông sâu, trọng lượng bánh cũng có thể hoàn toàn thay đổi.

Chiếc khuôn đóng vai trò quan trọng trọng sự thành công của bánh (Ảnh dẫn qua: vitbeoxn.blogspot.com)

Với những phụ nữ đã từng thử sức mình để làm nên một cặp bánh nướng bánh dẻo theo kiểu truyền thống, hẳn sẽ phải gật đầu đồng ý vởi cái công phu mà người ta phải đặt vào. Nhưng, những công phu ấy thật đáng, nhất là khi trên chiếc đĩa gốm màu xanh ngọc, người ta có thể bày lên một cặp bánh nướng bánh dẻo mang những bức tranh sinh động, bên cạnh ấm trà đang tỏa hương thơm dìu dịu.

Những chiếc bánh không chỉ ngon mà còn thật đẹp (Ảnh: wikicachlam.com)

Trong thời buổi công nghiệp hoá ngày nay, những chiếc khuôn bánh “thủ công” của ông Quang có vẻ dần “lỗi thời”, nhưng đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn, người ta vẫn hiểu đây là một nét văn hoá không thể thiếu, và chiếc bánh làm từ những khuôn đúc truyền thống có hương thơm, mùi vị khác hẳn. Bởi trong đó không chỉ có vị ngọt của đường, mà còn chan chứa cả hương thơm của sự kiên nhẫn, sự dung dị và tình người qua năm tháng.

Đèn lồng khiến con trẻ náo nức, bánh trung thu lại khiến lũ trẻ học được cách trầm lại để thưởng thức một cách trân trọng những gì mà trời đất ban tặng cho con người. 

Về lại với những nét truyền thống của trung thu, nhìn ngắm những gì mà những nghệ nhân như ông Quang, ông Sinh đang cố gắng giữ gìn, ta mới hiểu thêm về sự trân trọng mà người xưa dành cho mùa thu, và cái tết trong những ngày thu ấy. Họ dành hết cả tâm sức và sự khéo léo của mình để tạo nên những điều thật đẹp cho ngày lễ này. Hy vọng rằng, trung thu này và những trung thu tới, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy được những đèn kéo quân, những chiếc bánh thủ công làm từ khuôn gỗ như thế này và những nét đẹp của truyền thống sẽ luôn được tặng lại cho những thế hệ tiếp theo.

Nguồn video: báo Thanhnien

Hải Lam