Quãng đường từ Ashraf Road cho tới khu chợ Ander Shehr thuộc thành phố Peshawar ở Pakistan chỉ kéo dài hơn 1 km, nhưng suốt 25 năm qua, nơi đây đã chứng kiến những dấu chân anh hùng của một ông lão mà người ta vẫn trân trọng gọi là Ghani Baba.

Cụ ông Syed Abdul Ghani, hay còn gọi là Ghani Baba, là một ông lão nghèo sống giữa bộn bề của thành phố Peshawar. Ông là trụ cột duy nhất trong gia đình với 7 người con, đồng thời là nơi nương tựa cuối cùng của một người chị/em gái đã già yếu. Ngày ngày, ông Ghani vẫn đều đặn vác trên lưng chiếc bao tải bột mỳ nặng 100 kg, băng qua quãng đường hơn 1 km đến cửa hàng bánh ở chợ Ander Shehr, chỉ để kiếm được 300 rupee (khoảng 3 đô la Mỹ) mỗi ngày.

Ngày ngày, ông Ghani vẫn đều đặn vác trên lưng chiếc bao tải bột mỳ nặng 100 kg, băng qua quãng đường hơn 1 km chỉ để kiếm được 300 rupee (Ảnh: RFE/RL - ảnh chụp màn hình Youtube)
Ngày ngày, “anh hùng” Ghani vẫn đều đặn vác trên lưng chiếc bao tải bột mỳ nặng 100 kg, băng qua quãng đường hơn 1 km chỉ để kiếm được 3 đô la. (Ảnh: RFE/RL – Ảnh chụp màn hình Youtube)

Không ít người nghèo ở Pakistan phải đi xin ăn trên hè phố, nhưng ông Ghani không chấp nhận sống dựa vào của bố thí từ những người qua đường. Ghani cho biết, ông đã quen lao động tay chân từ khi còn nhỏ, và trong cuộc đời mình, lao động chính là cách giúp ông nuôi sống cả gia đình.

Giản dị, lặng lẽ, và nhiêm nhường, ông Ghani đã gắn bó với ‘hành trình bột mỳ’ của mình suốt 25 năm qua. Có lẽ sẽ không ai chú ý tới hình ảnh ông lão gầy gò bé nhỏ, khom lưng cõng một bao tải to lớn, từng bước chậm dãi băng qua các con hẻm nhỏ ở Peshawar, cho đến khi một đoạn video về ông được chia sẻ trên mạng xã hội của RFE/RL vào tháng Hai năm nay. Nhiều khán giả trên khắp thế giới đã bày tỏ mong muốn được giúp đỡ ông lão nghèo ấy. Thậm chí, một khán giả tên là Raiyan Syed đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền để giúp ông trên trang Go Fund Me.

“Khi xem video này, tôi không thể không bật khóc (…) Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mà ta than phiềm về mọi thứ; những đòi hỏi của chúng ta là vô tận và chúng ta thờ ơ với cuộc sống này. Thế nhưng ông lão ấy vẫn phải đấu tranh trong suốt 25 năm chỉ để kiếm được 3 đô la”, anh Raiyan Syed viết. “Dù khoảng cách xa xôi thế nào, tôi vẫn có niềm tin vào lòng nhân ái và sức mạnh của truyền thông xã hội. Chúng ta không thể chỉ ngồi đây và chẳng làm gì cả. Hãy cùng đóng góp 1 hoặc 2 đô la và xem xem liệu chúng ta có thể giúp đỡ người đàn ông này không”.

Ông Ghani được trao khoản tiền quyên góp từ những nhà hảo tâm (Ảnh: Raiyan Syed, Go Fund Me)
Ông Ghani (giữa) được trao khoản tiền quyên góp thông qua quỹ tài trợ trên Go Fund Me của anh Raiyan Syed. (Ảnh: Raiyan Syed, Go Fund Me)

Điều đáng nói là, khi những khoản tài trợ từ khắp nơi trên thế giới được gửi về, ông Ghani lại tỏ ra khá ngượng ngùng. Trang The News của Pakistan cho biết, ông vẫn muốn được tiếp tục ‘hành trình bột mỳ’ để nuôi con cái và người chị/em gái ở nhà, cho dù miếng cơm manh áo thật chẳng dễ chút nào.

Cụ ông Syed Abdul Ghani (Ghani Baba) - Người anh hùng trên "hành trình bột mỳ" ở Pakistan (Ảnh: RFE/RL)
Không chấp nhận sống nhàn hạ với khoản tiền tài trợ khổng lồ, “anh hùng” Ghani vẫn tiếp tục ‘hành trình bột mỳ’ để nuôi sống gia đình. (Ảnh: RFE/RL)

Những mảnh đời vất vả mưu sinh giống như ông Ghani còn có rất nhiều. Cũng theo trang The News, đâu đó ở các vùng thôn quê hay trong thành phố, tại Fawwara Chowk ở Saddar, gần Spin Jumat trên phố University Road và ở khu vực Chowk Yadgar,… vẫn còn đó những người-đàn-ông-râu-trắng cầm sẵn trong tay chiếc dây thừng và nhiều công cụ mòn mỏi đợi chờ một công việc nào đó. Hầu hết trong số họ đều không thể tìm được việc làm và bắt buộc phải sống nhờ của bố thí từ người khác. Khi những chiếc xe hào nhoáng tới lui giữa các khu nghỉ dưỡng xa hoa, hay hàng ngàn tấn thức ăn thừa trở thành rác thải của các nhà hàng sang trọng, thì có một sự thật phũ phàng là, chúng ta không cần đến cả gia tài để thay đổi số phận của những người nghèo khổ như Ghani – những người mà, chỉ 3 đô la mỗi ngày cũng đủ để giúp họ nuôi sống bản thân và cả gia đình mình.

Và nếu một ngày bạn thấy cuộc sống nhiều chông gai, mọi thứ đều trở nên nặng gánh, thì hãy nhớ đến “gánh nặng” 100 kg trên lưng người anh hùng 25 năm trên hành trình bột mỳ ở Pakistan. Hy vọng câu chuyện bé nhỏ này sẽ giúp bạn thêm lạc quan vào cuộc sống và thêm tự tin vượt qua mọi khó khăn.

Dưới đây là đoạn phim về “người anh hùng” hành trình bột mỳ do RFE/RL thực hiện:

.

Hồng Liên

Xem thêm: