Khi nghĩ đến cái chết, ai cũng cảm thấy sợ và muốn trốn tránh dù chỉ là nói chuyện về chủ đề này. Vậy nhưng tại New York, Hoa Kỳ có những người tình nguyện làm một công việc rất kỳ lạ – giúp những bệnh nhân nặng chuẩn bị cho cái chết, cùng họ đi nốt những ngày cuối cùng trong cuộc đời.

Chết ở nơi xa lạ

Đối mặt với cái chết là một trong những thử thách lớn nhất của mỗi con người. Vì không biết hành trình của mình sẽ tiếp tục hay rơi vào cõi hư không, nên người đang ở trong thời khắc sắp từ giã cõi đời đều mang một nỗi sợ hãi và cô đơn vô cùng lớn, chưa kể tới những đau đớn trên thân thể và tinh thần do bệnh tật hay tuổi già gây nên.

Ảnh minh họa: inelda.org.

“Tôi rất lo lắng cho những người thân yêu của mình, họ có lẽ sẽ không biết phải làm gì khi tôi ra đi!”. Đây là nỗi trăn trở của những người gần đất xa trời. Và ở các nước phương Tây, người ta thường phải mang trăn trở đó tới lúc sắp lìa đời.

Không chỉ thế, những người ở lại cũng đang phải chịu đựng rất nhiều nỗi niềm khó bày tỏ: Những đau khổ vì mất mát cận kề, những áp lực trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, những lo lắng về vấn đề hậu sự…

“Giai đoạn cuối cùng” này trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần cho cả người bệnh và người nhà của họ, bởi những gánh nặng thể chất và tinh thần không được sẻ chia. Nói cách khác, khi chủ nghĩa “cá nhân” luôn được đề cao, cái chết được đắp thêm một tấm áo lạnh giá của sự cô đơn.

Hơn thế nữa, một mình ra đi trong đơn độc tại một nơi hoàn toàn xa lạ như bệnh viện hoặc các nhà dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc người ở giai đoạn cuối (Palliative care) là điều không ai mong muốn. Nhưng đây lại đang là những gì diễn ra phổ biến ở các quốc gia phương Tây. Đó là những lý do giải thích tại sao, đối với người ở các quốc gia này, cái chết trong thế kỉ XXI lại trở nên cô độc hơn những cái chết trong quá khứ rất nhiều.

Doula of death – Những “người đưa tiễn”

Ảnh minh họa: inelda.org.

Thuật ngữ “death Doula” được sử dụng để chỉ những người làm công việc đồng hành cùng những người sắp lìa đời và gia đình của họ trong những ngày cuối cùng. Doula không phải bác sĩ, cũng không phải y tá, vai trò của họ không phải để chữa bệnh về thể xác mà làm dịu nỗi đau về tinh thần – giảm nhẹ nỗi đau cho người sắp chết, giúp họ ra đi trong yên bình.

Ở New York, Hoa Kỳ, có một tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Doula Program”, hoạt động từ năm 2001, chuyên đào tạo những sứ giả thân thiện của thần chết – Death doula.

60 tình nguyện viên của tổ chức được đào tạo một cách bài bản và kỹ lưỡng bởi các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp đồng thời cũng là chuyên gia trong lĩnh vực “Giai đoạn cuối đời”, để giúp họ hiểu hơn về những đặc điểm nổi bật về thể chất cũng như tinh thần của những người sắp mất. 

Một hình ảnh trong buổi tập huấn Death doula của chương trình Doula Program (ảnh: huffingtonpost.com)

Với những hiểu biết tường tận này, cùng với mong ước tha thiết được giúp đỡ những người sắp chết cô đơn, các tình nguyện viên của chương trình Doula Program sẽ tới thăm nhà người bệnh một tuần một lần, cho tới khi họ qua đời. Những cuộc gặp gỡ có thể diễn ra trong vòng vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm trước ngày định mệnh.

Trong những chuyến viếng thăm này, các Doula sẽ xây dựng mối quan hệ với bệnh nhân, trò chuyện, lắng nghe họ. Đối với những bệnh nhân không còn có thể giao tiếp, họ sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xoa dịu tinh thần, những lo lắng và sợ hãi của bệnh nhân, âm nhạc là một trong những phương pháp được yêu thích.

Doula sẽ trở thành người “bạn” đặc biệt của những người sắp ra đi. Họ sẽ cùng nhau trò chuyện về cái chết, về những gì đã qua, về những điều họ yêu thích hay đơn giản chỉ là cùng nhau xem ti-vi và bàn luận.

Ảnh minh họa: inelda.org.

Các doula sẽ chú trọng dùng những cái nắm tay, những vòng ôm để an ủi và cho người bệnh hiểu rằng họ không quá cô đơn, vẫn còn có ai đó ở bên và lắng nghe họ.

Không chỉ với người bệnh, các Doula còn mang sự giúp đỡ và hỗ trợ của mình tới người nhà bệnh nhân. Họ cũng sẽ dùng cách lắng nghe để giúp những người thân của người sắp qua đời giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, đau buồn. Hơn thế nữa, họ còn giúp đỡ gia đình trong việc chuẩn bị hậu sự.

Doula đóng vai trò như “một thành viên tạm thời” của gia đình, để giúp đỡ bệnh nhân và người nhà của họ vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất này.

Khi được hỏi về những tiêu chí để trở thành một Death doula, giám đốc INELDA, một tổ chức phi lợi nhuận khác của Hoa Kỳ chuyên đào tạo và giới thiệu các tình nguyện viên doula, bà Jannie khẳng định: “Bất cứ ai có một trái tim rộng lượng và tận đáy lòng muốn làm việc này thì đều có thể trở thành doula”.

Ảnh minh họa: inelda.org

Bà Amy Levine, giám đốc điều hành của Doual Program chia sẻ, mỗi năm chương trình của bà nhận được hàng trăm đơn xin trở thành tình nguyện viên, tham gia đào tạo để trở thành một Doula. Tuy nhiên, chương trình sẽ lựa chọn rất kĩ càng những hồ sơ được gửi đến, chọn lọc ra 10 người phù hợp nhất để đào tạo. Hiện nay, mạng lưới Doula của Program đang hoạt động xuyên suốt trong cả thành phố New York.

Bất cứ cá nhân hoặc gia đình nào cần hỗ trợ đều có thể trực tiếp liên hệ với chương trình để gặp được những Doula phù hợp.

Ngẫm người lại nghĩ đến ta

Ở các xã hội phương Tây, bên cạnh “death doula”, còn có sự hoạt động của các “birth doula” – những người đồng hành cùng các bà mẹ sắp sinh con. Nhiệm vụ của birth doula cũng tương đồng với death doula – xoa dịu tinh thần, giảm áp lực và khiến quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ, dễ dàng hơn.

Brith doula và death doula trong các xã hội văn minh ở các quốc gia Âu – Mỹ đang ngày một phát triển. Điều này nói lên rất rõ ràng một thực tế con người có một nhu cầu được chăm sóc sức khỏe về tinh thần rất lớn, đặc biệt trong các thời điểm then chốt của cuộc sống.

Nhưng quan trọng hơn, nhìn một cách tổng quan, chúng ta sẽ nhận ra rằng vai trò của các doula là hoàn toàn trùng khớp với vai trò của “những người thân trong gia đình”, nhất là theo quan niệm truyền thống phương Đông.

Ảnh minh họa: Tiin.

Khi một người phụ nữ phương Đông mang thai, họ có mẹ – kho tàng kinh nghiệm về việc sinh nở và nuôi dạy con cái nhất luôn sát cánh bên cạnh. Nếu may mắn, họ còn có những chị em họ hàng đã từng trải qua việc sinh nở và nuôi trẻ sơ sinh. Tất cả những người này sẽ luôn ở bên cạnh, chia sẻ kinh nghiệm mang thai, cùng phân tích những dấu hiệu của thai kỳ, giải đáp những thắc mắc cho người phụ nữ.

Đối với những người gần đất xa trời, ở phương Đông, họ sẽ không chỉ nhận được sự quan tâm, chăm sóc của những người trong gia đình, mà cả họ hàng, bạn bè cũng sẽ thường xuyên xuất hiện trong những ngày cuối cùng họ còn lại trên cuộc đời. Đối với người phương Đông, để cho một người thân trong gia đình ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo là một tội rất lớn và có những trường hợp, nó sẽ để lại trong lòng người ở lại sự dằn vặt, hối lỗi rất lâu sau đó.

Chính lối sống theo kiểu truyền thống, đề cao sự gắn kết và tương trợ trong gia đình, họ hàng này khiến cho mỗi cá nhân luôn có rất nhiều những brith doula và death doula đồng hành. Sự cô đơn, sợ hãi của họ vì thế cũng giảm đi rất nhiều.

Hải Lam tổng hợp

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

videoinfo__video3.dkn.tv||2902105be__