Nhật Bản – Một nền văn hóa tối giản đến ngưỡng mộ, không chỉ ở lối sống mà ngay cả ẩm thực làm bánh. Những chiếc bánh tuy mộc mạc nhưng chứa đựng trong đó là bao tâm huyết của người nghệ nhân; Mizu shingen mochi – ‘Giọt nước khổng lồ’ đang đem đến một hương vị mới, nét thanh tao trang nhã đậm cái ‘tình và vị’ của người dân xứ sở hoa anh đào.

Không giống những chiếc bánh Mochi đủ loại màu sắc theo từng hương vị hay những chiếc bánh Wasagi công phu tỉ mỉ đến từng đường nét trang trí theo 4 mùa cây cỏ, bánh Mizu shingen mochi – ‘Giọt nước khổng lồ’ từ đỉnh núi cao không màu, trong suốt nhưng hương vị lại ngọt lành quyến rũ đến lạ kỳ.

Cái tên hòa vào đất và người

Là một quốc gia gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, người Nhật coi hạt gạo như tinh hoa của Đất Trời, là cội nguồn của sự sống mà Thần linh ban tặng cho con người. Cũng bởi vậy, những chiếc bánh Mochi – bánh làm từ hạt gạo được xem là biểu tượng đem đến may mắn, sung túc và sum vầy.

Nhờ đức tính tỉ mỉ, cần mẫn và óc sáng tạo không ngừng, mỗi chiếc bánh Mochi là bao tâm sức và nguyện ý vẹn tròn của nghệ nhân làm bánh muốn gửi gắm. Sự ra đời của Mochi nước cũng là một câu chuyện nằm trong số ấy.

Món bánh nước Nhật Bản hay còn được gọi là ‘Mizu shingen mochi’. Tương truyền rằng nguồn gốc của bánh mochi nước đến từ các loại bánh mochi có đường mà lãnh chúa Takeda Shingen của vùng Kai & vùng Shinano trong thời chiến quốc ở Nhật Bản vô cùng ưa thích. Sau này, loại bánh mochi này được đặt tên là “Shingen”. Từ “Mizu” trong tiếng Nhật có nghĩa là nước, vậy nên món bánh mochi nước được gọi tên đầy đủ là “Mizu Shingen mochi”.

Thánh khiết như giọt nước từ đỉnh Alps hùng vĩ

Người Nhật Bản có tinh thần cầu toàn ở mức cao độ, điều này được thể hiện rõ nét từ khâu thực hành cho đến khi làm ra thành phẩm, và Mizu shingen mochi cũng không là ngoại lệ.

Với mục đích thể hiện sự trân quý đối món quà mà Thần linh ban tặng, những giọt nước được lựa chọn làm món bánh đặc biệt này là vô cùng quan trọng. Mỗi giọt nước được chắt lọc đều bắt đầu từ mưa và tuyết đông tụ trên đỉnh núi Alps, thấm dần qua nhiều tầng địa chất trước khi đến mạch nước ngầm. Nguồn nước được bảo vệ sâu dưới tầng địa chất dày đặc được hình thành bởi các dòng sông băng cách đây từ thời xa xưa.

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao Nhật Bản cũng lại có núi Alps? Khi thám hiểm các dãy núi Hida, Kiso và Akaishi trên đảo Honshu, các nhà thám hiểm phát hiện rằng khí hậu ở đây rất giống với khí hậu vùng Alps ở châu Âu. Người ta bèn gọi chúng là “Alps Nhật Bản”. Từ đó, cái tên này đã trở nên ngày càng nổi tiếng hơn, được rất nhiều người nhớ đến.

Bằng những bí quyết đặc biệt, người nghệ nhân làm đông những giọt nước tinh khiết lại hợp thành một giọt nước khổng lồ, trong suốt như những viên pha lê.

Hiện nay, Mizu Shingen Mochi được công ty bánh kẹo Kinseiken đăng kí bản quyền sản xuất loại bánh này. Mizu Shingen Mochi rất mềm và dễ vỡ, vì vậy chúng chỉ có thể giữ được khoảng 30 phút sau khi làm ra. Đối với những ai muốn thưởng thức chiếc bánh Kinako chính gốc Nhật cần tìm đến các chi nhánh của Kinseiken, thực khách không thể mua mang về mà chỉ có thể thưởng thức món bánh nước ngay tại cửa hàng.

Rất khó để so sánh món bánh nước này với bất kỳ điều gì khác. Hầu hết thực khách đều vô cùng ngạc nhiên khi nếm thử hương vị của một giọt nước khổng lồ tan ra trong miệng, mang theo vị ngọt mát tự nhiên của nước, thanh khiết và rất lạ. Bánh nước cực kỳ mỏng manh, dường như nó có thể vỡ tan chỉ với một cái chạm nhẹ nếu bạn thưởng thức không đúng cách.

Dù mới chỉ xuất hiện tại Nhật Bản từ năm 2013, nhưng món bánh nước này đã trở nên vô cùng nổi tiếng bởi hương vị thanh mát và sự độc đáo của nó. Món bánh nước này được bán theo mùa, vào mỗi mùa hè, bên ngoài hai cửa hàng của Kinseiken Seika luôn có những hàng dài người xếp hàng đứng chờ để thưởng thức. Thông thường, mỗi thực khách phải đợi ít nhất 1 tiếng đồng hồ mới có thể đến lượt mình. Đặc biệt, nếu vào cuối tuần, chỉ mới 11h sáng món bánh này đã bán hết. Thật không dễ dàng để có thể được thưởng thức hương vị của món bánh nước nhưng tất cả thực khách đều cảm thấy rằng phần họ nhận lại tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra để có được.

Cách làm Mochi nước tại nhà

Có lẽ, không phải tự nhiên mà người ta lại đón chờ món bánh Mochi nước của người Nhật Bản đến vậy. Không như vài năm về trước, giờ đây nguyên liệu để làm món bánh này đã được bán khá phổ biến tại các siêu thị và những ai lỡ “trót yêu” món bánh đẹp-độc-lạ này nhưng lại chưa có cơ hội được nếm qua thì có thể thử sức mình tự làm ở nhà nhé.

Với món bánh Mochi nước này bạn cần:

  • Nước
  • Đường kính trắng
  • Bột Agar
  • Đường nâu (kokumitsu)
  • Bột đậu nành (kinako)

Cách làm:

Bước 1: Trộn bột rau câu với đường kính, định lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì bột rau câu. Các bạn nên tăng lượng nước đối với bột rau câu thường, để bánh được mềm.

Bước 2: Hòa rau câu với nước, định lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì và đun sôi, nhớ hớt bọt ra. Nên thêm nước vừa đủ, điều này rất quan trọng để có được món bánh mềm mịn, trong suốt.

Bước 3: Múc thạch đổ vào ½ khuôn hình cầu.

Bước 4: Đổ nốt phần thạch còn lại vào khuôn để tạo thành chiếc bánh hình giọt nước hình cầu.

Bước 5: Cất khuôn vào tủ lạnh cho bánh đông lại khoảng 30 tiếng.

Bước 6: Lấy bánh ra khỏi khuôn, rưới siro đường nâu, hoặc thay bằng mật mía, rắc bột đậu nành để ăn kèm. Như vậy bạn đã có chiếc bánh nước Nhật Bản rồi đó.

Hồng Tâm