7 năm trước, cô Hirata Thani đã mở một tiệm bánh mỳ tại huyện Nagano thành phố Dongyu, Nhật Bản. Điều đặc biệt là tiệm bánh chỉ mở cửa 3 ngày một tuần nhưng một tháng có thể thu về khoản doanh thu lên tới 9 triệu Yên (1,8 tỷ đồng).

Bí quyết nào giúp tiệm bánh mì nhỏ này mang lại nguồn thu nhập lớn như vậy?

Điểm kỳ lạ là nếu đứng ngoài quan sát biểu cảm của khách hàng, bạn sẽ thấy khi bước ra cửa, thực khách thường cầm trên tay một quyển sách, chiếc ly hoặc một bó hoa nhỏ, nét mặt họ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Dường như những vị khách này đến đây không phải để thưởng thức một bữa ăn mà họ muốn trải nghiệm một hành trình du lịch đáng nhớ.

Vậy, rốt cuộc điều gì đã đem đến cảm giác tuyệt vời cho thực khách như vậy?  

Năm 2009, Hirata theo chồng đến sinh sống và làm việc tại vùng nông thôn, rời xa nơi phồn hoa nhộn nhịp. Nơi đây có bầu trời trong xanh, mặt hồ phẳng lặng cùng những ruộng lúa; tất cả tạo nên khung cảnh thanh bình tĩnh lặng.

Ngày trước, Hirata bận rộn với cuộc sống sinh hoạt, giờ đây cô mới cảm thấy mình được nghỉ ngơi. Cô muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống hơn.

Khi còn sống tại Tokyo, dù công việc bận rộn đến mấy, Hirata đều gắng dậy sớm để nướng bánh mì cho cả nhà vào cuối tuần. Công việc này đã trở thành niềm yêu thích nho nhỏ của riêng cô. Nhìn những chiếc bánh mì nướng phồng lên, cô cảm nhận được niềm hạnh phúc tận trong đáy lòng. Hirata nói: “Tôi cũng muốn mọi người cảm nhận được sự hạnh phúc đó!” Với ước mơ này, Hirata và chồng đã cố gắng hết mức mở một tiệm bánh mì truyền thống.

Thời kỳ đầu mới mở tiệm, khách hàng không có cảm nhận tốt như thế. Tiệm bánh cũng không có sức hút lớn như vậy và cũng không đủ sức mạnh để đánh thức niềm vui ẩn sâu trong trái tim khách hàng như bây giờ.

Nhưng với mơ ước mang đến niềm vui nho nhỏ cho người ăn bánh mì, cô đã chọn dùng phương thức làm bánh truyền thống. Lò nướng được xây từ những hòn đá lớn nhỏ và dùng than củi để đốt. Do đó, những chiếc bánh mì sau khi ra lò có hương thơm đặc biệt, khác hẳn mùi bánh mì nướng bằng lò nướng hiện đại. Mặc dù việc điều chỉnh nhiệt độ hầm lò nướng bánh theo phương pháp cổ truyền rất khó khăn nhưng cô vẫn lựa chọn cách làm này.

Hirata thức dậy lúc 4 giờ 30 để nhóm lò, nhào bột, nặn bánh. Khi nhiệt độ khoang lò lên đến 200 độ C thì cô bắt đầu đưa mẻ bánh vào lò. Tiếp đó là điều chỉnh nhiệt trong hầm lò nướng lên đến hơn 400 độ C và nướng trong 4 giờ đồng hồ mới xong. Bánh được nướng bằng củi nên sẽ bám khói màu đen. Sau khi công đoạn nướng bánh hoàn tất, cô lại tự tay lấy tro than ra ngoài và lau sạch khoang lò. Tuy công việc rất tỉ mỉ như vậy, nhưng Hirata làm không biết mệt.

Thực khách đã thưởng thức bánh do cô làm đều có chung cảm nhận, hình dáng bánh mì trông rất bình thường nhưng hương vị thật đặc biệt. Bánh mềm, nhưng ruột bánh dai và thơm ngon.

Trong sự nghiệp làm bánh cũng có lúc cô bị lạc hướng do chạy theo nhu cầu của khách, nhưng rất nhanh, Hirata đã nhận ra sai lầm và sửa chữa. Cô muốn thực khách cảm nhận niềm vui từ trong tim khi thưởng thức món bánh mì của cô chứ không muốn chạy theo lợi nhuận.

Cô nói: “Hai loại bánh mì mỗi ngày, đó là mục đích lớn nhất của tôi.” Thay vì tạo nhiều kiểu dáng, cô sáng tạo ra những món phụ ăn kèm với bánh mì để thay đổi khẩu vị cho thực khách mỗi ngày. Thực ra, điều thu hút thực khách không chỉ bởi bánh mì truyền thống thơm ngon mà còn bởi tâm ý mà Hirata đặt vào món ăn để phục vụ khách hàng.

Tiệm bánh đã trở thành nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi thực khách. Ở đây, Hirata còn hướng dẫn cách sử dụng lại những món đồ đã cũ, chia sẻ với thực khách những niềm vui nhỏ trong cuộc sống. Ví dụ, cô dạy mọi người cách sử dụng baking soda thay cho chất tẩy rửa, sử dụng chổi quét nhà thay cho máy hút bụi, dùng rẻ rửa bát từ bộ quần áo đã rách.

Ngày càng có nhiều người đến đây không chỉ bởi hương vị đặc biệt của chiếc bánh mà còn vì sự đồng cảm thấu hiểu. Đến với cửa hàng ở khu hẻo lánh này, thực khách còn cảm nhận được niềm vui dung dị thường nhật và bỏ lại sau lưng sự náo nhiệt của khu đô thị đông đúc.

Năm 2016, Hirata cùng cửa hàng “wa wa za za” đã được tổ chức GMO trao giải thưởng cửa hàng nổi bật nhất. Bản thân cô giành vị trí chủ nhà hàng ưu tú thứ hai. Dù không giành được giải nhất nhưng Hirata vẫn cảm thấy vô cùng thoải mái.

Có thể nói Hirata là một người phụ nữ đơn giản và hạnh phúc. Hằng ngày, cô đều chăm chỉ làm việc, cống hiến để mang lại niềm vui và truyền cảm hứng cho những thực khách của mình. Cô chẳng khác nào làn gió nhẹ của vùng đồng quê mang đến cho mọi người sự tươi mát và thổi bay đi những mệt mỏi hàng ngày bằng chính tâm hồn lương thiện và chân thành của mình.

San San biên dịch

Xem thêm: