Những ca chết trẻ đang không ngừng tăng lên, kéo dài danh sách những người trẻ ra đi trước người già, và cụm từ “chết vì làm việc quá sức” đã không còn xa lạ đối với con người trong xã hội hiện tại. Đã đến lúc cần dừng lại và dành thời gian suy nghĩ: Chúng ta đang làm việc để sống hay để chết?

Những con số đáng báo động…

Trong tiếng Nhật Karoshi có nghĩa là “Chết vì làm việc quá sức”. Tuy nhiên, thuật ngữ này không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn được đưa vào từ điển tiếng Anh bởi làm việc tới chết không chỉ là một hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng tại Nhật mà còn là vấn đề đáng báo động trên toàn thế giới. “Làm việc quá sức” cũng là cụm từ xuất hiện rất nhiều trên tiêu đề các bài báo suốt nhiều thập kỷ qua.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Durham (Anh) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu, phỏng vấn tổng cộng 1,8 triệu người ở 134 quốc gia. Kết quả cho thấy, có 68% số người tham gia trả lời rằng họ cảm thấy mệt mỏi, thật sự mong muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn.

“Làm việc quá sức” cũng là cụm từ xuất hiện rất nhiều trên tiêu đề các bài báo suốt nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: Muctim)

Trong số đó, những người trẻ, người có thu nhập cao có thời gian nghỉ ngơi ít nhất. Ví dụ tại Anh, những người tham gia trả lời phỏng vấn có thời gian nghỉ ngơi trung bình mỗi ngày chỉ 3 giờ 8 phút. Trong đó, nhiều người thậm chí chỉ nghe nhạc khi nghỉ ngơi và không có điều kiện để làm bất kỳ việc gì khác.

Trong cuốn sách trắng của Nhật Bản công bố vào năm ngoái, vào năm 2015, tỉ lệ tử vong do làm việc quá sức, kể cả tự tử do áp lực công việc ở mức khá cao. Khảo sát cho thấy, có những người thậm chí đã làm việc 80 giờ/tuần (gấp đôi khuyến cáo).

Trong cuốn Sách trắng của Trung Quốc về lao động đã thống kê và công bố con số bất ngờ, trong năm 2014, khảo sát cho thấy có tới 52,72% bác sĩ có thời gian làm việc trung bình từ 40-60 giờ/tuần, 32,69% bác sĩ phải làm việc hơn 60 giờ/tuần.

Có một sự thật đáng buồn rằng, đa số mọi người đều hiểu, chẳng có bất kỳ một công việc nào đáng giá cả mạng sống và sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, do yếu tố nghề nghiệp, nhiều người phải lựa chọn công việc như là một sự hiến thân.

Sự ra đi đầy tiếc nuối…

Nhà sáng lập tập Đoàn Xuân Vũ nổi tiếng Trung Quốc, CEO Trương Nhuệ bất ngờ đột tử do nhồi máu cơ tim ở tuổi 44 – đúng vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp đã gây choáng váng cho nhiều người.

Năm 2013, Moritz Erhardt, thực tập sinh của một ngân hàng ở Anh, lên cơn co giật trong khi tắm và tử vong ngay sau đó vì làm việc liên tục trong 72 giờ.

CEO Trương Nhuệ bất ngờ đột tử do nhồi máu cơ tim ở tuổi 44 – đúng vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp.

Moritz Erhardt (21 tuổi), thực tập sinh của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) đặt chi nhánh tại London, làm việc tới 20 tiếng/ngày. Khi Erhardt qua đời vào ngày 15/8/2013, anh đã làm việc liên tục trong 72 giờ. Thiếu ngủ khiến anh chàng co giật và phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh động kinh. Sau khi trở về nhà, Erhardt lên cơn động kinh trong khi tắm và tử vong.

Từ năm 2008 tới 2009, 35 nhân viên công ty viễn thông France Telecom (Pháp) tự tử vì không thể chịu đựng được áp lực trong môi trường làm việc căng thẳng và khắt khe.

Năm 2015, số người chết do làm việc quá sức ở Nhật ở mức kỷ lục: 2.310 trường hợp (theo Bộ Lao động Nhật). Dù vậy, đây có thể chỉ là bề nổi, bởi con số ước tính thực tế là 10.000 người – bằng số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông tại đất nước này.

Trên thực tế, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Từ việc thăm dò khảo sát, con số này còn cao gấp 10 lần số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên, nhiều Chính phủ ngần ngại, không muốn thừa nhận sự thật đó.

Biết nghỉ ngơi đúng còn quan trọng hơn biết làm việc

Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để học cách làm việc, nhưng rất hiếm ai bỏ thời gian để tìm hiểu, nghỉ ngơi có quan trọng hay không. Trên thực tế, biết cách nghỉ ngơi đúng còn quan trọng hơn là biết làm việc bởi vì nó tác động trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Không có sức khỏe thì làm việc giỏi bao nhiêu cũng không khiến cho bạn sống tốt.

Có một sự thật rằng, mặc dù áp lực từ xã hội và thị trường lao động cạnh tranh gay gắt đang cuốn con người vào “vòng xoáy sinh tồn” đầy nguy hiểm, nhưng nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những cái chết trẻ lại chính là sự chủ quan. Vì độ tuổi này đang là thời kỳ thanh xuân, sức khỏe tốt nhất, nên nhiều người lầm tưởng rằng cơ thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Từ đó, họ không coi trọng việc chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi hợp lý.

Tất cả những người trẻ tuổi thường “lao vào kiếm tiền”, gây dựng sự nghiệp mà không dành thời gian cho sức khỏe, kể cả việc bổ sung kiến thức về sức khỏe lẫn các hoạt động tăng cường thể chất, thể dục thể thao. Thậm chí, họ còn không nghỉ ngơi đúng cách và luôn trong trạng thái “không có thời gian”.

Tất cả những người trẻ tuổi thường “lao vào kiếm tiền”, gây dựng sự nghiệp mà không dành thời gian cho sức khỏe.

Còn một nhóm người còn nguy hiểm hơn cả, đó là nhóm thanh niên kể cả khi không làm việc, cũng không nghỉ ngơi đúng nghĩa. Họ sẽ chơi điện thoại, sử dụng các thiết bị công nghệ, chơi game, đi du lịch, đi hát karaoke… nhưng đây hoàn toàn không phải là nghỉ ngơi thật sự.

Thực tế, khi bị tổn thương cả tâm trí và thể lực, người trẻ cũng thường không coi đó là điều nghiêm trọng. Họ không hề biết rằng, theo thời gian, sự phung phí sức khỏe chính là “quả bom hẹn giờ” chỉ chờ đến ngày là sẽ phát nổ, kết thúc cuộc sống một cách bất ngờ, chóng vánh.

Giáo sư Trường Xuân (Khoa y học xã hội và Giáo dục Sức khỏe, Học viện y tế Công cộng Đại học Bắc Kinh) nhấn mạnh, hậu quả của bi kịch chết trẻ nằm ở chỗ, thế hệ trẻ hiện nay đang thiếu trầm trọng kiến thức về sức khỏe cũng như nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe. Khi đối mặt với công việc, họ sẽ làm với cường độ cao, bỏ qua nguyên tắc nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể.

Hãy thư giãn…

Giáo sư Nữu Văn Dị khuyên, hãy xem nghỉ ngơi cũng là một “công việc”, bạn cần phải lập kế hoạch cho nó. Khi mệt thì nên nghỉ, để sau đó làm việc với hiệu suất cao hơn.

Mỗi ngày nên tập thể dục tối thiểu 15 phút, mỗi tuần nên có ít nhất 1 ngày nghỉ ngơi hoàn toàn, đi bộ, thư giãn hoặc làm việc riêng theo sở thích. Khi quá bận thì nên dành ít phút thư giãn, dù chỉ là ngồi một chỗ và nhắm mắt lại, hít thở, hoặc chợp mắt ngắn ngủi.

… và nghỉ ngơi để cân bằng lại cuộc sống!

Không có công việc nào quan trọng hơn tính mạng. Tại sao lại lựa chọn chết hơn là nghỉ ngơi?

Hiểu Minh

Xem thêm: