Vì sao một số trẻ em nghĩ rằng chúng đặc biệt hơn tất cả mọi người?

Những trẻ này cảm thấy mình giỏi hơn các trẻ khác, tin rằng chúng có đặc quyền và khao khát có được sự ngưỡng mộ từ người khác. Khi chúng không có được sự ngưỡng mộ chúng muốn, chúng có thể cư xử hung hãn.

Vì sao có một số trẻ mắc chứng tự yêu mình thái quá (ái kỉ), trong khi những em khác lại khiêm tốn về bản thân? Chúng tôi đã nghiên cứu để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, và thấy rằng hòa nhập xã hội đóng một vai trò quan trọng.

Tôi đặc biệt (và đặc biệt hơn tất cả mọi người)!

Chứng ái kỉ còn được biết đến rộng rãi với thuật ngữ Narcissistic Personality Disorder (Tạm dịch: Chứng rối loạn nhân cách ái kỉ). Nhưng bản thân ái kỉ không phải là một chứng rối loạn, nó là đặc điểm tính cách thông thường và khác nhau tùy theo mỗi người. Nó có thể đo lường được bằng những câu hỏi tự trắc nghiệm như: “Tôi là ví dụ tuyệt vời cho những đứa trẻ khác noi theo” và “Đứa trẻ như tôi xứng đáng hơn thế”.

Chứng ái kỉ có thể được kiểm tra khi trẻ lên 7- cái tuổi chúng có thể tự đánh giá và so sánh mình với người khác: “Tôi đặc biệt (và đặc biệt hơn mọi người)!”

Giờ đây, có một câu hỏi tồn tại trong lĩnh vực tâm lý học đã hơn một thế kỷ: vì sao một số trẻ em trở nên ái kỉ? Điều gì làm chúng cảm thấy bản thân đặc biệt hơn những người khác?

Một số nhà tâm lý học tranh luận rằng chứng ái kỉ nảy sinh do sự thiếu tình thương của cha mẹ. Đứa trẻ cố gắng lấp đầy khoảng trống tình cảm đó nên tự sùng bái bản thân.

Theo một số nhà tâm lý học khác, ái kỉ nảy sinh từ việc cha mẹ đánh giá quá cao con cái mình, họ cho con mình là “thần đồng” hay “món quà của Thượng đế dành cho loài người”. Con trẻ sẽ tiếp thu cách nhìn thái quá đó, rồi hình thành cái nhìn tự mãn về bản thân.

Con tôi là món quà của Thượng đế dành cho cho loài người

Trong nghiên cứu mới đây được công bố tại Viện Hàn lâm khoa học quốc gia, chúng tôi đã thử nghiệm những góc nhìn trên. Trong 4 lần thống kê định kỳ 6 tháng, chúng tôi theo dõi mức độ tình thương và sự đánh giá quá cao của cha mẹ, và mức độ ái kỉ và sự tự đánh giá bản thân (self-esteem) của trẻ nhỏ.

Trái với suy nghĩ thông thường, người ái kỉ không phải lúc nào cũng đánh giá cao bản thân. Dù họ tin rằng mình giỏi hơn người khác nhưng họ không nhất thiết cảm thấy thỏa mãn với bản thân mình.

Người ái kỉ không phải lúc nào cũng đánh giá cao bản thân. Dù họ tin rằng mình giỏi hơn người khác nhưng họ không nhất thiết cảm thấy thỏa mãn với bản thân mình.

Chúng tôi thấy rằng sự ái kỉ và tự đánh giá bản thân có nguồn gốc rất khác biệt. Khi trẻ được cha mẹ đánh giá quá cao, chúng phát triển mức độ ái kỉ cao hơn.

Được đánh giá quá cao, nghe có vẻ vô hại nhưng có thể làm cho trẻ nghĩ rằng chúng đặc biệt và xứng đáng nhận được đặc quyền.

Nhưng khi trẻ em cảm thấy sự ấm áp và tình thương từ cha mẹ, chúng lại phát triển mức độ tự tin cao hơn: một cảm giác lành mạnh, hài lòng với bản thân mà không cho rằng mình vượt trội hơn người khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ tự họ cũng có sự ái kỉ. Ngoài ra, việc họ đánh giá con mình quá cao đến mức độ nào có thể dự đoán mức độ ái kỉ của con họ trong 6 tháng sau đó.

Tăng tự tin mà không gây ra sự ái kỉ

Hòa nhập xã hội không phải là nguồn gốc duy nhất phát sinh sự ái kỉ, mà còn có thể do di truyền, đóng vai trò từ trung bình cho đến chủ yếu. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy, ngoài cơ sở di truyền, chứng ái kỉ có thể hình thành chủ yếu là do những trải nghiệm hòa nhập xã hội. Kết quả này cho thấy có thể can thiệp ngăn chặn tính ái kỉ từ khi trẻ còn nhỏ.

Từ thập niên 1980, khi khái niệm “tự đánh giá bản thân” (self-esteem) bắt đầu được quan tâm, xã hội chúng ta đã ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc giúp trẻ em cảm thấy tích cực về bản thân. Đó là một điều tốt, sự tự tin sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi lo âu và chứng trầm cảm.

Khi muốn làm gia tăng sự tự tin ở trẻ, chúng ta lại vô tình có các hành động đánh giá quá cao bọn trẻ như: thường xuyên khen ngợi và nói với chúng rằng chúng cực kỳ đặc biệt. Nghiên cứu của chúng tôi đề xuất một phương pháp hiệu quả hơn: chỉ cần thể hiện sự ấm áp và tình thương dành cho bọn trẻ, nhưng đừng nói với chúng rằng chúng tốt hơn hay xứng đáng hơn những bạn cùng lớp.

Bài viết đăng lần đầu trên The Conversation.
Ánh Thy biên dịch