Bạn vẫn nhớ cảnh bé cầm tờ kết quả bài kiểm tra đầu tiên để đưa bạn xem? Khi những kỳ thi đến, những bậc làm cha làm mẹ như chúng ta nên làm thế nào để đối diện với kết quả thành tích không tốt của trẻ? Chắc chắn là không nên lấy thành tích trước mắt đó để chỉ trích hay luận bàn về sự thành công – thất bại của trẻ.

Hãy cùng theo dõi một câu chuyện ý nghĩa sau đây.

Sau một bài kiểm tra toán trước khi kết thúc kì học, người thầy đứng trên bục giảng và nói: “Qua bài kiểm tra lần này tình hình tổng thể nói chung là tốt, nhưng cũng có một số em cá biệt nên tự biết rõ tình trạng của bản thân, không được vì thành tích kém mà vẫn mải chơi không thay đổi“.

Một cậu bé trong lớp đột nhiên cúi thấp đầu xuống và thầm hiểu rõ ràng thầy giáo đang nhắc đến mình. Sau khi thầy giáo đọc to tên của học sinh có thành tích cao nhất lớp lên bục nhận và chia sẻ kinh nghiệm học tập, tiếp đó ông đã chuyển sang học sinh có điểm số thấp nhất. Lúc này cậu hy vọng sẽ có một lỗ nào đó để mình có thể chui vào.  

lam gi khi con bi diem kem
(Ảnh: Internet)

Bài kiểm tra lần này điểm số thấp nhất là 1 điểm, xin mời em YZ lên bục giảng nhận kết quả kiểm tra về!“. Cả lớp hơn 40 cặp mắt đều nhìn chằm chằm vào cậu. YZ khó khăn đi về phía bục giảng, lúc này ở dưới lớp vọng lên một tiếng nói của một cậu bé nghịch ngợm: “Em cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc làm thế nào thu được vị trí số 1 đảo ngược này…“, lúc này cả lớp như vỡ tan trong tiếng cười. Cậu bé mặt đỏ rực, cầm tờ giấy về chỗ không nói một lời.

Cậu bé rất buồn và không biết làm thế nào để nói với cha mẹ về kết quả bài thi điểm kém của mình. Trong bữa ăn tối, cậu nín thở và đặt tờ kết quả lên trên bàn, ấp úng nói với cha mẹ: “Thưa cha mẹ, kết quả kiểm tra toán lần này đã có rồi, và con chỉ có 1 điểm thôi!“.

lam gi khi con bi diem kem
(Ảnh: Internet)

Cặp vợ chồng bình tĩnh cầm tờ kiểm tra của đứa trẻ lên và nói trước sự ngạc nhiên của đứa trẻ: “Con trai ta đã biết đi thi rồi, không sao! Hồi xưa khi ba trong kỳ kiểm tra, còn lo lắng đến nỗi quên cả việc viết tên vào, tay thì run rẩy, bà con còn nói đó là vì ba không biết làm bài thi nên không dám viết tên… “, sau đó ông cười lớn.

Người mẹ dịu dàng xoa đầu đứa trẻ nói: “Con trai à, mẹ tin chắc con sẽ làm tốt hơn trong lần sau phải không? Giờ hãy nhanh chóng rửa tay để ăn thôi nào. Con xem hôm nay mẹ đã chuẩn bị món sườn om mà con thích nhất…“.

Cậu bé liền rưng rưng nước mắt và nói: “Nhưng mẹ ơi, hôm nay thầy giáo còn bắt con lên bục giảng để nhận bài kiểm tra và tất cả lớp đều cười nhạo con…“.

Con trai, con đừng nên nghĩ xấu về các bạn như vậy, thầy giáo muốn con lên bục giảng để nhận kết quả là bởi vì muốn con ấn tượng và nhớ bài học này. Nếu không chỉ âm thầm đưa riêng cho con thì con sẽ không có ấn tượng sâu sắc về nó, đúng không?” 

Cậu bé ngẫm nghĩ một hồi và thấy đúng như vậy. Sau đó đã gật đầu, cuối cùng tâm trạng cũng trở nên thoải mái hơn và bắt đầu ăn một miếng lớn.

Bậc phụ huynh này biết rằng cậu bé sẽ đối đãi nghiêm túc hơn việc học hành của bản thân qua sự việc này, tạo cơ hội cho cậu có thể tiến một bước tốt hơn. Và thực tế đã chứng minh điều đó, đứa trẻ đã dần dần tiến bộ. Từ sự khích lệ của bố mẹ, đứa trẻ tôn trọng thầy giáo và đối xử tốt với các bạn trong lớp hơn. Thầy giáo cũng vì thấy được sự thiện lương của đứa trẻ mà thường xuyên khích lệ hướng dẫn cậu. Về phần cậu bé, vì sự thân thiện của mình nên đã trở thành một nhân vật được các bạn yêu quý nhất trong lớp.

Cách hành xử của cặp vợ chồng này quả đáng để chúng ta học tập!

Nếu như cha mẹ chỉ vì con bị điểm kém mà chửi mắng, chúng sẽ cảm thấy hổ thẹn, tủi thân bởi vì thực tế không có ai lại mong muốn mình kiểm tra đạt kết quả kém nhất lớp cả. Vì sự buồn rầu thất vọng của bố mẹ sẽ làm cho đứa trẻ tăng thêm áp lực tâm lý, cuối cùng dẫn đến lần kiểm tra sau sẽ rất lo lắng. Chúng sẽ lo sợ lần kiểm tra tiếp này cũng tồi tệ giống bài kiểm tra lần trước, kết quả không thể tập trung khi ôn bài. Đến lúc kiểm tra sẽ cực kỳ lo lắng, cuối cùng kết quả lại làm bài không tốt, sau đó lại bị cha mẹ trách mắng. Từ đó trở đi đứa trẻ sẽ từ cảm giác hổ thẹn biến thành oán trách, khi kiểm tra sẽ viết loạn hoặc bỏ trống, bởi vì nó nghĩ rằng, cho dù mình có cố gắng đến đâu thì cha mẹ sẽ vẫn trách mắng như vậy, từ đó buông bỏ không cố gắng học hành như một cách để chọc tức ba mẹ… Chắc hẳn các bạn đã thấy hình bóng đáng thương của những đứa trẻ đó xung quanh bạn rồi phải không?

Thái độ của cha mẹ quyết định tương lai của con trẻ

lam gi khi con bi diem kem
(Ảnh: Internet)

Là bậc làm cha làm mẹ, chúng ta không thể quyết định hay đòi hỏi cách người khác phải đối xử với con mình. Nhưng chúng ta có thể quyết định làm thế nào để đối xử với con cái mình. Nếu cha mẹ không thể vô điều kiện chấp nhận đứa trẻ, khiến cho đứa trẻ cảm thấy từ trong nội tâm cô đơn, khiến cho chúng nghĩ rằng đến cả cha mẹ mình cũng không hiểu, vậy thì chúng sẽ dần dần không còn tin tưởng vào bất cứ ai.

Các bậc cha mẹ cần phải biết rằng điểm số không đại diện cho tương lai của con, kết quả chỉ cho chúng ta biết những kiến ​​thức và tình hình ôn tập hiện tại của trẻ ra làm sao. Đừng vì kết quả điểm số mà dán mác lên con cái là “học sinh kém”, “điểm số thấp” không đồng nghĩa với “trẻ hư”. Điều đó tương đương với việc bạn đang huỷ hoại cuộc đời chúng.

Hãy thử nhớ về mục đích của thời kỳ khi chúng ta mang thai, chúng sinh ra không phải vì để chúng ta trách móc và huỷ hoại nó. Mỗi đứa trẻ đều có những ưu điểm riêng, cũng giống như mỗi phím đàn piano, mỗi nốt nhạc lại cho ta những âm thanh đẹp đẽ khác nhau. Nếu điều chúng ta mong cầu là “giống nhau”, vậy nó cũng tương đương với việc “bóp méo” tâm hồn đứa trẻ.

Những tinh anh đều không phải là những học sinh có thành tích “xuất sắc”

Làm cha mẹ đừng nên nhìn chằm chằm vào những thành tích của con, mà nên giúp chúng phát triển cân bằng tất cả các khía cạnh trong cuộc sống. Thống kê chứng minh cho thấy, những lớp người tinh anh trong thế giới hiện nay đều không phải là những học sinh giỏi nhất thời còn đi học. Thay vào đó, những đứa trẻ có thành tích ở mức trung bình, tức là xếp khoảng thứ 7 cho đến 17, khi trưởng thành lại đạt được nhiều thành tựu lớn trong hầu hết các khía cạnh cuộc sống.

Nghiên cứu cho thấy những học sinh có điểm quá tốt, bất luận đó là cha mẹ của các em hay chính bản thân các em, do thường phải chạy theo các kết quả điểm số cao mà quên đi kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Như vậy về mặt trí tuệ cảm xúc sẽ không cao, dẫn đến tính cách tương đối thờ ơ và lạnh nhạt. Ngược lại, đối với những học sinh trong lớp có điểm số ở mức khá, chúng sẽ không bị sự khống chế của điểm số, thay vào đó chúng sẽ dùng sức lực đó để học hỏi thêm nhiều kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau, phát triển các kỹ năng mềm, đặt một nền tảng vững chắc hơn cho tương lai.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý điều chỉnh việc học tập của con trẻ sao cho hài hoà hơn, giúp cho trẻ có thể lĩnh hội được những kiến ​​thức thực tế ở ngoài xã hội nhiều hơn. Đó mới là điều tốt nhất bạn làm cho chúng.

Theo Secretchina
My My biên dịch

Xem thêm: