Tuổi dậy thì được ví như lứa tuổi nổi loạn, ẩm ương khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất lực và mất phương hướng trong việc giao tiếp và đồng cảm với trẻ. Đối với nhiều gia đình có con bước vào độ tuổi này, đây là thời điểm đầy khó khăn của cả bố mẹ và con cái. Các nhà khoa học đã phát hiện ra những điều hết sức ngạc nhiên khi chụp cộng hưởng từ não của các bạn trẻ trong lứa tuổi này.

Ở thời điểm dậy thì, đứa con bé bỏng, đáng yêu của bạn dường như chỉ qua một đêm liền biến đổi thành một thiếu niên luôn sẵn sàng khiêu khích và cáu gắt. Đôi lúc cha mẹ không nhận ra đứa con của mình nữa và có cảm giác mất mát, hụt hẫng, khiến họ cố gắng níu kéo những cô cậu, bé ngày nào ở bên mình càng lâu càng tốt. Bạn phải hiểu rằng tại thời điểm này đứa con của bạn đang trải qua một quá trình “xây dựng” lại bộ não trên quy mô rộng và chúng đang thật sự trưởng thành, hãy chấp nhận điều đó và điều chỉnh chính mình.

Ở thời điểm dậy thì, đứa con bé bỏng, đáng yêu của bạn dường như chỉ qua một đêm liền biến đổi thành một thiếu niên khác hẳn. (Ảnh: Gaming)

Trước tiên hãy cùng tìm hiểu, điều gì thực sự xảy ra trong đầu những đứa trẻ mới lớn này.

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, nằm cách Washington vài km về phía Đông Bắc, các nhà thần kinh học liên tục đón các bạn trẻ tuổi dậy thì tới chụp cộng hưởng từ hàng ngày, họ đã thật sự “nhìn” được vào bên trong đầu của lứa tuổi mới lớn để tìm hiểu xem tại sao chúng lại tỏ ra kỳ lạ như vậy.

Ông Jay Giedd, một nhà tâm lý học trẻ em sẽ giúp họ nằm trên giường rồi đẩy vào một ống chụp từ lớn màu xám. Trong 15 phút, sóng radio và từ trường thăm dò từng vùng não và tạo hình ảnh ba chiều từ những dữ liệu thu được. Kết quả cho thấy những quan niệm về độ tuổi bí ẩn này đang ngày càng bị lung lay.

Cho đến giữa thập niên 1990, các chuyên gia đều tin rằng bộ não của con người phát triển hoàn thiện khi bước vào tuổi 12. Những biến đổi lạ kỳ ở tuổi dậy thì chỉ là do thay đổi lượng hoóc-môn hoặc do tâm lý biến đổi hoặc do cả hai.

Nhưng khi chụp quét não, người ta đã tìm ra những kết quả hết sức bất ngờ

Bộ não họ không phải đã được hoàn thiện với những kết cấu vững chắc, mà thật sự có một công trường xây dựng rất nhộn nhịp, với rất nhiều liên kết mới được tạo thành và liên kết cũ bị dỡ bỏ. Nhiều khu xây dựng được cho là đã hoàn tất từ lâu lại đang được đo đạc lại, nhiều nơi khác thì đang ở trong thời kỳ được tu bổ.

Thật sự có một công trường xây dựng rất nhộn nhịp, với rất nhiều liên kết mới được tạo thành. (Ảnh Suckhoedoisong)

“Bộ não phát triển trong những năm của lứa tuổi dậy thì năng động hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều,” ông Giedd cho biết. Vì thế mà hình ảnh của một người gần như đã trưởng thành “về mặt sinh học” chỉ còn thừa một vài hoóc môn, đã không còn đứng vững.

Ban đầu, vô số liên kết mới được hình thành để có xử lý và lưu trữ thông tin. Nhưng sau đó, chỉ các liên kết thường dùng đến mới được bảo tồn. Cuối cùng, bộ não hoàn thiện trở thành một “nhà máy” kiểm soát hành vi và suy nghĩ với ít kết nối hơn nhưng nhanh hơn. Về cơ bản, nó đang trưởng thành.

1. Việc hiểu rõ sự tái xây dựng của bộ não trẻ dậy thì khiến bạn thông cảm với chúng hơn

“Ngày nay, những giải thích đơn giản không còn đầy đủ nữa”, bà Karina Weichhold, chuyên gia thuộc công trình nghiên cứu dài hạn về tuổi dậy thì tại Đại học Jena (Đức), cho biết.

– Thức đêm và dậy muộn là “tác phẩm” của thể tùng quả

Chẳng hạn, tuyến tùng quả trong não trẻ dậy thì sản xuất hoóc-môn melatonin gây buồn ngủ chậm hơn 2 giờ mỗi ngày, vì thế mà nhiều thiếu niên lâm vào tình trạng buồn ngủ muộn hơn cả thế giới còn lại. Và cũng vì chất melatonin phân hủy muộn hơn nên buổi sáng những người này thức dậy với trạng thái cũng mệt mỏi hơn.

Thức đêm và dậy muộn là “tác phẩm” của thể tùng quả. (Ảnh: Blogtamly)

– Không đáp ứng ngay với yêu cầu của bố mẹ là do phần vỏ não trước trán

Phần vỏ não trước trán là nơi đưa ra những quyết định có tính tổ chức, sắp xếp như “bây giờ mình sẽ làm bài tập, sau đó đi đổ rác – rồi cuối cùng viết thư cho bạn bè”. Thế nhưng do những tu bổ liên tục mà phần vỏ này gần như không thể tiếp cận được. Vì thế nên có cha mẹ yêu cầu họ đem rác đi đổ hàng chục lần mà đứa trẻ vẫn không làm, đó là do phần vỏ não trước trán đánh giá thế giới bên ngoài và những tín hiệu của nó đang khác đi.

– Thờ ơ với cảm xúc của người xung quanh có thể là do kết nối không hiệu quả của hệ thần kinh

Một thiếu niên đáng nhẽ phải trả lời câu hỏi của bố mẹ: “Con đã hiểu chưa?” một cách thật thà rằng: “Vâng con hiểu rồi, nhưng không phải như bố mẹ nghĩ đâu”. Song đôi khi cậu ta dường như tỉnh bơ trước những câu hỏi đang mất dần kiên nhẫn của bố mẹ? Điều này có thể cũng có liên quan đến sự phát triển của bộ não. Vì trong khoảng từ 12 đến 18 tuổi, vận tốc mà thiếu niên nhận biết cảm xúc của những người chung quanh giảm đi đến 20% – có thể là một dấu hiệu của sự kết nối không hiệu quả các trung tâm thần kinh.

2. Sự hiểu lầm và bốc đồng kỳ lạ của lứa tuổi dậy thì đã được giải mã

Trong một thí nghiệm đơn giản, các nhà nghiên cứu của Bệnh viện McLean tại Belmont, Massachusetts đã chứng minh lứa tuổi thiếu niên xử lý những thông điệp được cho là không thể hiểu nhầm được một cách kỳ lạ như thế nào. Họ cho nhiều thiếu niên và người trưởng thành xem một loạt ảnh chân dung chụp nhiều người với vẻ mặt giận dữ, đau buồn, tức giận và vui vẻ. Đồng thời, não của người tham gia được chụp ảnh lại. Kết quả cho thấy, trong khi người trưởng thành dùng vỏ não trước trán để hiểu những cảm xúc phức tạp, thì lứa tuổi dậy thì lại dùng phần hạch hạnh nhân – chuyên điều khiển những phản ứng mang tính bản năng.

Lứa tuổi thiếu niên xử lý những thông điệp được cho là không thể hiểu nhầm được một cách kỳ lạ. (Ảnh: Blogtamly)

“Tôi tin rằng thùy trán ở tuổi dậy thì không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn chỉnh”, bà Deborah Yurgelin-Todd lãnh đạo nhóm nghiên cứu giải thích. “Vì thế mà lứa tuổi thiếu niên thường không nghĩ đến những hậu quả do hành vi của họ mang lại và có những cư xử mà chúng ta đánh giá là bốc đồng.” 

Điều đó nghĩa là nếu bạn muốn đứa con 15 tuổi hoàn thành nhanh bài tập về nhà thì không nên nhấn mạnh đến những bất lợi trừu tượng trong tương lai xa vời như “Nếu con học dốt thì sau này chẳng bao giờ có việc làm đàng hoàng đâu”, mà nên nhấn mạnh đến những lợi ích cụ thể trước mắt “Nếu được điểm cao thì con sẽ được đi xem phim!”

Một nguyên nhân khác khiến trẻ dậy thì hành động không suy nghĩ là do vùng nhân cạp (nucleus accumbens) nằm sâu trong não chưa chín muồi. Bộ phận này tham gia điều khiển việc “tận hưởng”, “thưởng thức” và nó làm việc ở thiếu niên chậm chạp hơn là ở người lớn – có nghĩa là lứa tuổi này, phải nhảy từ một vách đá cao hơn để có được cùng một cảm giác mạnh như tại một người trưởng thành. Đồng thời, bộ não của tuổi dậy thì lại chưa hoàn thiện đủ để có thể đánh giá hết những nguy hiểm đi cùng. Vì thế mà tai nạn không phải là điều đáng ngạc nhiên và gần như toàn bộ những nguyên nhân gây chết người nhiều nhất trong độ tuổi này đều là do sai lầm khi dự tính không đúng hay cảm xúc thái quá. Tuy nhiên, nhiều nhà sinh học thần kinh cũng tin rằng những trải nghiệm thực tế sẽ tác động ngược lại đến sự hình thành cấu trúc của não.

3. Bao giờ thì chúng trưởng thành và bố mẹ phải làm gì?

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu não như Jay Giedd thì một người 20 tuổi vẫn còn lâu mới hoàn toàn trưởng thành. Ông dự đoán rằng não người vẫn còn trong tình trạng tái xây dựng mãi đến tuổi 25.

Một người 20 tuổi vẫn còn lâu mới hoàn toàn trưởng thành. (Ảnh: Stthay)

Và bạn phải biết cách sống chung với đứa con đang trong giai đoạn “tái tạo” bộ não – một cơ quan cực kỳ quan trọng của con người, chứ không phải một đứa trẻ láo xược, lạnh lùng và hư hỏng.

Ở Đức, giai đoạn dậy thì của thiếu niên được cả xã hội quan tâm và các bậc cha mẹ sẽ nhận được sự tư vấn và giúp đỡ từ các cơ quan chức năng về vấn đề này. Hãy cùng tham khảo một số phương pháp mà người Đức được khuyên dùng để cùng con trải qua giai đoạn khủng hoảng này:

– Không đối đầu với trẻ, hãy luôn thông cảm:

Bạn phải chấp nhận rằng con mình đang thay đổi, điều đó là không thể cưỡng cầu, dù bạn có muốn hay không nó vẫn đang xảy ra. Bề ngoài chúng tỏ ra xa cách nhưng bên trong vẫn khao khát sự thấu hiểu và giúp đỡ. Cha mẹ đừng vội hốt hoảng khi thấy con cái có những biểu hiện bất thường. Hãy lắng nghe ý kiến của chúng, đừng vội phản đối, hãy tôn trọng sự khác biệt của con, không nên áp đặt lối sống hay cách nghĩ của bạn cho chúng. Tuy nhiên, cũng không nên coi nhẹ mọi vấn đề của con, đồng thời đừng tỏ ra quá sốt sắng.

– Phải có nguyên tắc:

Ở lứa tuổi nổi loạn và thiếu kiểm soát này, nhất thiết phải có những nguyên tắc và ranh giới nhất định cho các cậu bé, cô bé bốc đồng. Tuy nhiên, hãy chắc chắn, chúng luôn dựa trên những lập luận thực tế và sẵn sàng được thỏa hiệp. Các nguyên tắc cần linh hoạt và có thể được thương lượng lại nếu cần thiết trong một cuộc nói chuyện nghiêm túc như giữa những người trưởng thành với nhau.

Nhất thiết phải có những nguyên tắc và ranh giới nhất định cho các cậu bé, cô bé bốc đồng. (Ảnh: Phuonganb)

– Tạo điều kiện cho trẻ thể hiện quan điểm:

Không có cách nào tiếp cận thế giới của con bạn tốt hơn là để cho chúng thoải mái nói lên những suy nghĩ của mình, dù có lệch lạc hay theo bạn là không thể chấp nhận được thì đó cũng là vì thế giới quan của chúng đang được hình thành hoặc cũng có thể do khả năng biểu đạt chưa hoàn thiện bởi bộ não liên tục xây dựng lại. Thông qua những lần “giao lưu” trên bàn ăn gia đình hay trong các buổi du lịch cùng nhau, bạn có thể nắn dần những suy nghĩ lệch lạc của chúng bằng quan điểm khách quan và luôn đứng từ phía chúng để nhìn nhận.

– Tìm sự cân bằng hợp lý:

Đây không chỉ là thời điểm khó khăn với các bạn trẻ, mà cả với các vị phụ huynh. Bạn cần phải tìm được sự cân bằng và dàn xếp tốt giữa việc buông xả, kiểm soát và tin tưởng. Khi con trai bạn tranh luận liên tục về giờ muộn nhất phải về nhà, hãy để cậu ấy đưa ra những lý do và tình huống của mình, bạn đừng vội phản đối, hãy suy nghĩ kỹ và để cậu ấy chứng minh trách nhiệm của mình. Con gái bạn có thể cũng sẽ muốn nhuộm tóc, sơn móng tay màu đen hay mặc quần rách… bạn có thể cứ để trẻ làm những điều vô hại tạm thời và dành sự phản đối kịch liệt cho những thứ như thuốc lá, ma túy, rượu bia thay vì diện mạo có thể thay đổi của chúng.

Bạn cần phải tìm được sự cân bằng và dàn xếp tốt giữa việc buông xả, kiểm soát và tin tưởng. (Ảnh: Kyna)

Nhượng bộ con cái không phải là bạn nhu nhược và buông xôi, bạn chỉ đang kiên nhẫn chờ đợi con bạn trưởng thành. Ép buộc người khác theo ý mình chỉ là thể hiện của một sự bất lực và lạm dụng tình yêu mà thôi. Khi bạn nắm tay chúng quá chặt, sẽ đến lúc chúng thấy ngột ngạt và bạn thấy mỏi tay. Hãy học cách buông xả để đi bên cạnh con mình mà không khiến chúng thấy áp lực.

Có con trong độ tuổi dậy thì là một bước ngoặt của chính các bậc phụ huynh. Mấu chốt của tất cả những bí kíp vẫn được lưu truyền về việc dậy con ở tuổi dậy thì vẫn là tình yêu thương.

Bởi yêu thương chính là chấp nhận và từ bi chứ không phải thứ tình cảm ích kỷ. Khi bạn biết chấp nhận, bạn sẽ luôn đủ kiên trì để chờ đợi và đủ rộng lượng để dung chứa được mọi bất đồng.

Thu Hiền tổng hợp

Xem thêm: