Tôi và chồng đều là dân quê lên thành phố lập nghiệp, hai con thơ của chúng tôi đều gửi ở quê cho ông bà chăm sóc. Vợ chồng tôi muốn tranh thủ lúc các con còn nhỏ để kiếm tiền, đợi khi kinh tế khá giả, con cái sau này sẽ có điều kiện ăn học tốt hơn.

Thấm thoắt cũng đã năm, sáu năm. Lúc đầu chồng tôi làm thuê ở công trường, còn tôi thì nấu ăn gần đó. Sau một vài năm tích góp được lưng vốn, tôi chuyển sang bán đồ ăn sáng và điểm tâm bằng xe điện ba bánh, còn chồng tôi thì vẫn tiếp tục công việc trước kia. Hai vợ chồng tôi đều là người ăn tiêu có chừng mực, mỗi năm cũng tích cóp được một khoản tiền kha khá. Khi cuộc sống đã dư dả hơn, chúng tôi vẫn muốn phấn đấu thêm vài năm nữa, tạo điều kiện đưa con cái lên thành phố ăn học.

Ba năm trước, vào một buổi sớm vội đi bán hàng, tôi không may đụng phải một bà cụ. Đến khi định thần lại tôi mới nhận ra đó là bà cụ vẫn hay đứng từ xa và len lén nhìn tôi bán hàng. Dạo trước tôi vẫn cảm thấy khó chịu và “mất tự nhiên” trước ánh nhìn của cụ, nhưng lâu rồi cũng quen, tôi không còn để ý nữa. Nhưng đến hôm nay, vụ tai nạn xảy ra khiến tôi vô cùng sợ hãi. Tôi bối rối chạy đến đỡ cụ dậy, tuy bên ngoài không thấy thương tích ở đâu, nhưng cụ nằm đó bất tỉnh, tôi cũng không dám bỏ mặc mà đi. Tới khi cụ tỉnh lại rồi, tôi hỏi gì cụ cũng không nói mà chỉ nhìn tôi chăm chú, hai mắt ngấn lệ.

Tôi hỏi: “Cụ có sao không ạ? Cụ đau ở chỗ nào, cháu đưa cụ đi viện nhé”. Cụ chỉ lắc đầu không nói, nhưng đôi mắt như muốn năn nỉ tôi hãy ở bên cụ thêm lúc nữa. Dường như thần trí của cụ không hoàn toàn tỉnh táo, tôi bối rối không biết nên làm gì, chỉ đành đưa bà cụ đi cùng, định bụng đợi khi cụ khoẻ lại thì sẽ đưa về nhà.

Cả ngày hôm ấy cụ cứ đứng cạnh xem tôi bán hàng. Những lúc đông khách cụ còn phụ giúp tôi, sau đó lại cùng tôi thu dọn đồ ra về. Tôi gọi xe nhờ người đưa cụ về, nhưng cụ không chịu mà chỉ đứng ở đó, vẻ mặt buồn bã nhìn tôi. Trong đôi mắt ấy, tôi bất chợt cảm giác một nỗi buồn không nói nên lời. Tôi cũng không còn cách nào khác, cũng không đành lòng bỏ mặc cụ bơ vơ giữa phố xá đông người, vậy nên tôi mời cụ lên xe và cùng về nhà trọ với mình. Cũng kể từ đó, cụ ở liền với chúng tôi suốt 3 năm.

dam xe1
(Ảnh minh họa)

Ba năm ngắn ngủi nhưng lại là quãng thời gian đáng nhớ trong gia đình tôi. Nhịp sống vẫn chậm rãi trôi qua như trước, nhưng cuộc sống lại thêm ấm áp tình người. Gần như ngày nào cũng vậy, sáng sớm tôi đi bán đồ ăn sáng, tối lại đẩy xe đi bán điểm tâm khuya. Nhưng trên bước đường ấy tôi không còn thấy đơn độc như trước, mà đã có cụ ở bên chuyện trò vui vẻ. Những khi đông khách cụ lại phụ giúp tôi, thấy tôi mệt, cụ thay tôi giặt quần áo, nấu cơm. Từ nhỏ tôi đã mồ côi, vậy nên ở bên cụ tôi luôn có cảm giác giống như được mẹ ân cần chăm sóc. Khi cụ ốm đau, tôi lại đưa “mẹ” đi thăm khám, thuốc thang. Tôi nói với cụ: “Cụ không có con cái, vậy con nhận cụ làm mẹ nhé. Con có gì ăn nấy, con có cái ăn sẽ không để mẹ phải đói. Sau này mẹ trăm tuổi, con sẽ làm con gái đưa tiễn mẹ”. Cụ nghe xong, cảm động không nói một lời, chỉ rơi nước mắt nhìn tôi.

Vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ, đã cùng nhau trải qua những năm tháng thăng trầm, hiểu rằng cuộc sống quý ở tấm lòng. Thế nên người thôn quê chúng tôi vẫn luôn coi trọng tình người hơn bất cứ thứ gì trên đời, và lẽ dĩ nhiên là chồng tôi hoàn toàn ủng hộ việc phụng dưỡng cụ. Những khi anh đi làm về, mồ hôi thấm ướt lưng áo, cụ còn nấu chè cho chồng tôi ăn. Tấm lòng của cụ khiến anh vô cùng cảm kích, anh nói: “Từ nhỏ em đã không có cha mẹ, giờ có mẹ cũng tốt!” Anh vốn ít nói, nhưng lại rất thương người và dễ xúc động.

Kỳ thực từ khi cụ ở cùng tôi, tết nào tôi cũng đưa cụ về quê ăn tết, bảo tụi nhỏ gọi là “bà ngoại”. Ở nhà chúng tôi cụ rất ít nói nhưng tâm trạng luôn vui vẻ, cũng hoà hợp với mẹ chồng tôi, chúng tôi rất giống một gia đình. Vừa ăn tết xong, khi chúng tôi chuẩn bị lên thành phố thì đột nhiên cụ đổ bệnh. Các bác sĩ nói rằng cụ bị tai biến, có lẽ không sống được bao lâu nữa. Khi đó tôi đã khóc rất nhiều, thật sự rất đau lòng. Ba năm qua tôi đã quen cùng cụ chia sẻ buồn vui, nếu giờ cụ ra đi, căn phòng trọ của chúng tôi sẽ thật hiu quạnh biết chừng nào. Tôi ngồi bên giường bệnh, nắm lấy đôi bàn tay và ngắm nhìn khuôn mặt ấy. Tôi thật sự mong sao thời gian có thể dừng lại, để chúng tôi lại được ở bên cụ, dù chỉ là thêm một vài ngày ngắn ngủi nữa. Cụ chỉ nhìn tôi chăm chú, miệng muốn nói điều gì đó nhưng không thể cất nên lời. Cũng đêm hôm đó cụ ra đi…

dam xe2
(Ảnh minh họa)

Mãi sau đó khi làm lễ mộc dục (tắm gội) cho cụ, tôi mới phát hiện trên ngực cụ có đeo chiếc vòng mặt đá gần giống với mặt đá mà tôi vẫn đeo khi còn nhỏ. Và nếu ráp hai chiếc với nhau sẽ tạo thành một mặt đá hoàn chỉnh. Người ta nói chiếc của tôi chỉ là một nửa, mẹ đã đeo cho tôi từ khi tôi còn nhỏ. Lý do bà bỏ đi tôi không bao giờ được biết, cho đến tận bây giờ…

Tôi không biết cụ có phải là người mẹ mà tôi vẫn ước ao được gặp lại, và có phải cụ đã nhận ra tôi mà không dám cho tôi biết hay không… Nhưng ít nhất thì suốt ba năm cuối đời, cụ đã được sống trong hạnh phúc bên người “con gái” là tôi.

Minh Vũ biên dịch

Xem thêm: