Hơn 100 năm trước đây, những cánh thư tình viết tay qua hai bờ đại dương đã ghi lại một câu chuyện lãng mạn và ngọt ngào.

“Lá thư của em đã tới… Với những ngón tay run rẩy, tôi mở dấu phong thư và háo hức đọc ngấu nghiến những gì viết bên trong” – đó là những lời David Hurd dành cho người thiếu nữ mà ông yêu sâu sắc, Avril Cato, trong một lá thư của những ngày đầu năm 1914.

Khi bạn đang sống giữa kỷ nguyên số với những trang xã hội và mạng lưới internet, nơi cả thế giới có thể kết nối với nhau chỉ bằng một cú nhấp chuột đơn giản, thật khó để tưởng tượng về một mối tình qua thư cách nay hơn mười thập kỷ. Và còn khó tin hơn khi biết rằng đó là hai con người xa lạ chưa một lần gặp mặt. Nhưng chỉ bằng những dòng thư tình trên giấy, hai tâm hồn đã trở nên gắn kết và xích lại gần nhau.

Có lẽ chúng ta không thể biết đến mối tình thơ mộng ấy, nếu như gần một thế kỷ sau, cô cháu gái của David Hurd tên là Judith Lovell đã không được thừa hưởng những lá thư giữa hai người và kể lại chi tiết trong cuốn sách mang tên “Papa’s Letters”.

Cuốn sách kể về những lá thư tình hơn 100 năm trước đây của David Hurd (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)
Cuốn sách kể về những lá thư tình hơn 100 năm trước đây của David Hurd (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)

David Hurd – ông ngoại của Judith Lovell – sinh năm 1885 tại thị trấn Brown’s Town của giáo xứ St. Ann, quốc đảo Jamaica, thuộc vùng biển Caribê, châu Mỹ. Năm 1907, khi mới 22 tuổi, ông rời quê hương để lên đường sang Mỹ quốc lập nghiệp. Ông đặt chân đến quận Brooklyn của thành phố New York giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Những lá thư tình của David Hurd cũng giống như một mảnh ghép lịch sử, kể lại cho chúng ta cuộc sống chân thực và cái bỡ ngỡ của một chàng trai da đen trong những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ. David Hurd phải mất 3 tháng mới tìm được việc làm và chỉ kiếm 7 đô la mỗi ngày. Cũng tại đây, ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau, từ thợ may, tới quản phòng, đến vận hành máy móc trên tàu thủy ở sông Hudson, cho tới nhân viên bán hàng tại một đại lý xe hơi sang trọng.

Bươn chải nơi đất khách và vượt qua mọi cám dỗ của cuộc sống, nhưng David Hurd luôn thiếu vắng một bóng hình. Ông được anh trai của mình giới thiệu làm quen với một cô gái ở quê hương Jamaica. Lúc đầu, David phản đối ý tưởng này, nhưng sau khi xem bức hình của Avril Cato, ông đã chấp nhận lời đề nghị.

Bà Avril Cato khi còn trẻ - nhân vật chính trong những bức thư tình của hơn 100 năm trước
Bà Avril Cato khi còn trẻ – nhân vật chính trong những bức thư tình của hơn 100 năm trước (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)

Avril Cato là cô gái trẻ sống tại thành phố Port Antonio, cách quê nhà Brown’s Town của David một khoảng cách khá xa. Họ bắt đầu làm quen từ tháng 10/1913, và mặc dù cả hai chưa một lần gặp mặt, nhưng họ đã sớm tìm thấy ở nhau nét đồng điệu tâm hồn. Cô cháu gái Judith Lowell kể rằng, cuộc sống của ông ngoại David thật trống trải trước khi làm bạn với Avril, sau này là bà ngoại của Lowell. Những lá thư hồi đáp từ “Avril thân yêu” đã mang lại sức sống và nhiệt huyết mới trong ông. Lá thư đề ngày 24/2/1914 có viết:

“Tâm trí đã đủ đầy, trái tim đang ngập tràn, chiếc bút cũng sẵn sàng, trang giấy thì thuận tiện, và mực viết cũng ở ngay đây: Tất cả những gì tôi cần làm chỉ là viết… Trước khi tôi yêu quý em, tôi từng phải đấu tranh vô vọng với chính mình. Em thấy đấy, tôi đang ở nước Mỹ, và tại đây có hàng trăm cô gái quyến rũ, sẽ thu hút gần như bất cứ người đàn ông nào, nhất là những ai chỉ nhìn vào cái vẻ bề ngoài”…

Chuyện lá thư tình giữa hai bờ đại dương từ hơn 100 năm (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)
(Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)

Nhưng chỉ Avril mới đem lại cho ông cảm giác thân thiết và chân thành. Có lẽ bởi vậy mà lá thư nào của David cũng ngập tràn yêu thương. Trong bức thư đề ngày 1/1/1914:

“Một vài ngày trước đây, tấm thiệp của em đã mang đến cho tôi những lời thì thầm nhẹ nhàng về tình yêu. Nó cũng mang gợi ý đầu tiên về hạnh phúc đến với tôi trong mùa này. Cảm ơn em vì điều đó, nguyện cầu rằng Chúa sẽ ban phước lành cho đôi ta trong năm nay, và rằng cha em sẽ đồng ý và chấp thuận về cuộc hôn nhân của chúng ta trong tương lai… Tại sao đại dương lại trải dài rộng lớn? Đó là điều duy nhất gây khó khăn cho cuộc tình của chúng ta (…) Không gì có thể ngăn được dòng chảy dào dạt và mạnh mẽ của tình yêu. Cuộc tình lãng mạn của đôi ta, cũng giống như những gì viết trong các tiểu thuyết nổi tiếng, rồi sẽ đến một kết quả cuối cùng”.

"“Một vài ngày trước đây, tấm thiệp của em đã mang đến cho tôi những lời thì thầm nhẹ nhàng về tình yêu"... - trích lá thư tình đề ngày 1/1/1914 (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)
“Một vài ngày trước đây, tấm thiệp của em đã mang đến cho tôi những lời thì thầm nhẹ nhàng về tình yêu”… – trích lá thư tình của David Hurd đề ngày 1/1/1914 (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)

Chưa từng gặp gỡ, chưa từng quen biết, nhưng những chia sẻ dạt dào yêu thương trên trang giấy cũng đủ sức thuyết phục cho một lời cầu hôn. David và Avril quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 26/8/1914, gần một năm sau lá thư làm quen ban đầu. 7/1914, David viết:

“Sẽ chỉ còn rất ít bức thư nữa thôi anh viết gửi cho em. Tất cả những gì trong tâm trí anh lúc này là ý nghĩ về cuộc gặp mặt của chúng ta. Nếu em còn nhớ trong lá thư đầu tiên, anh đã nói rằng anh sẵn sàng đến gặp em trong thời gian khoảng 1 năm. Nếu trở lại cái ngày ấy, em sẽ nhận thấy rằng một năm vẫn chưa khép lại kể từ lá thư đầu tiên cho tới ngày tổ chức đám cưới của chúng ta. Đã có nhiều tháng của những hy vọng, sợ hãi, hân hoan, phiền muộn, lo lắng, đau khổ, và trông đợi đến niềm hạnh phúc cuối cùng.

“Ý tưởng về một chàng trai và một cô gái đính ước cho cuộc hôn nhân, và mỗi người phải trải qua các thử thách chuẩn bị mà không hề được nhìn thấy nhau – nghe giống như một chương trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nào đó, hoặc cũng giống như một câu chuyện bắt nguồn từ nơi chốn thần tiên.

“Em thân yêu nhất của anh, anh phải nói rằng em là một cô gái dũng cảm, một cô gái theo trái tim anh để quyết định dấn thân vào cơ hội liều lĩnh như thế này. Đặt niềm tin và tin tưởng của em vào một người đàn ông mà em chưa từng nghe thấy giọng nói, chưa từng cảm nhận được hơi thở ấm áp trên gò má, người chưa từng có cơ hội nắm lấy tay em… Nhưng hãy cầu xin Thiên Chúa an bài con đường tốt nhất, định ra hạnh phúc, thành công, và sự mãn nguyện trong tương lai của chúng ta”.

Và trong lá thư vào 6/1914, David chia sẻ niềm vui và háo hức chuẩn bị cho cuộc hôn nhân sắp tới.

“Sẽ là một bất ngờ lớn lao đối với một vài người họ hàng của anh ở Port Antonio, khi anh từ New York xuống đón em (…) Anh đang chuẩn bị tất cả mọi sắp xếp cho em để có một mùa đông ấm áp (ở New York). Anh đã thuê căn hộ trên tòa nhà lớn ở Grand Ave, với 6 phòng và cả phòng tắm, và dự định sẽ chuyển đến vào ngày đầu tiên của tháng 8 (…) Anh đang làm việc cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị cho em, và nếu có thể, em và anh sẽ hoàn toàn mãn nguyện…”

Sau gần một năm thư tình qua lại, David Hurd và Avril Cato quyết định tổ chức đám cưới trên đảo Jamaica vào năm 1914
Sau gần một năm thư tình qua lại, David Hurd và Avril Cato quyết định tổ chức đám cưới trên đảo Jamaica vào năm 1914 (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)

Và phải đến một ngày trước khi lễ cưới diễn ra, họ mới chính thức gặp mặt lần đầu tiên tại Port Antonio, Jamaica. Sau đám cưới, Avril theo David lên tàu đến nước Mỹ – nơi xa lạ và kỳ bí mà cô chưa một lần đặt chân đến.

Nhưng nhờ những câu chuyện của David trong các lá thư tình trước kia, Avril có được sự chuẩn bị tốt về tâm lý để đối mặt với cuộc sống nơi “đất khách quê người”. Tình yêu của họ đã xây đắp cho cuộc sống thuận hòa. Họ đã có với nhau 6 người con, sống qua những năm tháng chiến tranh, rồi nền kinh tế suy thoái, và cả khi phong trào dân chủ nổ ra trên nước Mỹ.

Ông David Hurd và bà Avril Hurd trong những năm tháng tuổi già (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)
Ông David Hurd và bà Avril Hurd trong những năm tháng tuổi già. Những lá thư tình thời trẻ của họ đã trở thành câu chuyện bất hủ đến ngày nay (Ảnh: Judith C. Lovell, Facebook)

Họ đã sống trọn vẹn bên nhau 48 năm cho đến khi bà Avril qua đời vào 6/1962. Sau cái chết của bà, ông David Hurd thề rằng, ngoài Avril sẽ không bao giờ có thêm một “quý bà Hurd” nào nữa. Ông David tiếp tục sống đơn thân suốt 9 năm sau đó, cho đến khi tái ngộ với người vợ quá cố sau một trận đau tim vào 10/1971.

Hồng Liên

Xem thêm: