Ngày nay, những cửa hàng tự phục vụ đã không còn là điều gì xa lạ nữa: không có nhân viên bán hàng, không có người giám sát; tất cả việc mua, bán, thanh toán tiền đều dựa vào sự trung thực của khách hàng.

Từ những quầy hàng rau, củ, quả bên vệ đường ở Nhật Bản

Thông thường, vào mỗi buổi sáng, những người nông dân Nhật Bản sẽ mang rau, củ, quả vừa thu hoạch ngày hôm qua, bày bán ở các sạp ngay bên vệ đường (có kèm theo giá tiền bên cạnh) rồi tiếp tục đi làm. Khách hàng sẽ tự chọn sản phẩm và cho tiền vào một lon đựng xu được đặt ở ngay quầy. Cuối ngày, chủ cửa hàng chỉ cần ra dọn hàng thừa và mang tiền về. Những cửa hàng tự phục vụ này rất phổ biến và được yêu thích ở Nhật Bản. Mọi người đều cho rằng, các sản phẩm rau củ quả ở đây tươi ngon mà giá cả rẻ hơn nhiều so với trong siêu thị. Hơn nữa, cách mua bán cũng rất thuận tiện.

Quầy hàng tự phục vụ nằm tại đảo Amami gần Okinawa, phía Nam nước Nhật. Trong cửa hàng bán các loại rau phổ biến vào mùa hè như ớt chuông, bí ngô, đỗ, dưa chuột.
Tấm hình trong biển ghi dòng chữ: “Rau giá 100 yên/cây”. Đây là cửa hàng của một người nông dân tại tỉnh Kagoshima, thuộc đảo Kyushu miền Nam nước Nhật.
Không chỉ rau, mà hoa quả như quýt cũng được nhiều nông dân Nhật bán tại những cửa hàng không người như thế này.

Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí, nhân lực mà còn giúp khách hàng thoải mái. Điều này cũng khiến du khách đánh giá rất cao về tính trung thực và sự lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau của người dân Nhật Bản.

Một du khách phương Tây chụp lại hình ảnh một quầy hàng đã vào cuối ngày và chia sẻ trên mạng xã hội: “Đây chính là minh họa rất rõ ràng cho lòng trung thực ở Nhật. Người ta để rau và hoa ở đây để bán. Khách mua tự bỏ tiền vào cái lon nhỏ bên cạnh. Thật tiếc là tôi lại đến đây vào buổi chiều, khi hàng hóa đã được bán gần hết. Lắc thử cái lon tiền, tôi thấy nó leng keng nhiều đồng xu trong đó. Cửa hàng ở giữa khu dân cư đông đúc và ai cũng bỏ tiền vào đó đầy đủ.”

Bức ảnh được một du khách phương Tây chia sẻ trên mạng xã hội

Đến cửa hàng kinh doanh trung thực ở Việt Nam

Cửa hàng nhỏ mà chúng tôi muốn nhắc đến nằm trên phố Liễu Giai (Hà Nội), chuyên bán nước uống, kem và chocolate tươi. Khách hàng đến đây, chỉ việc bấm chuông, mở cửa và tự ý lựa chọn mặt hàng. Sau đó, khách mang sản phẩm đến bàn thanh toán, tự dùng máy check giá và in hóa đơn. Số tiền sẽ được người mua thả vào một chiếc thùng gỗ trong cửa hàng. Tất cả quy trình mua và bán này đều dựa hoàn toàn vào sự trung thực của khách hàng.

Đào Khánh Hiệp (chủ cửa hàng) chia sẻ, năm 2015, anh tình cờ đọc được bài báo nói về các sạp hàng rau củ quả tự phục vụ ở Nhật Bản và nhận ra rằng “sự trung thực và lòng tốt chính là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản”. Anh bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao mô hình kinh doanh tuyệt vời như vậy mà mình không học theo. Con người Việt Nam cũng rất trung thực và lương thiện nhưng chưa có cơ hội để họ thể hiện điều đó. Mình cần tạo ra một môi trường tốt để những điều tốt đẹp như vậy được phát huy”. Chính ý nghĩ đó đã thôi thúc anh cần làm một điều gì khác biệt. Anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, công nghệ và quyết định mở cửa hàng kinh doanh trung thực dựa theo mô hình của Nhật.

Ban đầu, tất cả người thân và bạn bè đều giễu cợt và tin chắc anh sẽ thất bại. Họ nói rằng, những hình thức kinh doanh như vậy chỉ phù hợp với các nước phát triển chứ không thể thực hiện nổi ở Việt Nam. Cửa hàng có người bán còn thua lỗ, gian dối, huống hồ là không có ai quản lý. Thậm chí có nhiều người còn cười nhạo “ý tưởng điên rồ” và cảnh báo rằng anh sẽ bị mất hết camera, máy tính và đồ đạc… Thế nhưng anh vẫn kiên quyết thực hiện.

Khách mang sản phẩm đến bàn thanh toán, tự dùng máy check giá và in hóa đơn. Số tiền sẽ được người mua thả vào một chiếc thùng gỗ trong cửa hàng.

Các sản phẩm nổi tiếng thế giới thường lồng ghép một nét đẹp văn hóa nào đó vào, đó là cách khơi gợi sự quan tâm của khách hàng và là một trong những lý do đem lại sự thành công cho thương hiệu. Còn ở Việt Nam, chủ cửa hàng thường chăm chỉ bán hàng, không chú ý nhiều đến việc lồng ghép các nét đẹp văn hóa trong đó. “Mình vừa bán hàng vừa bán cả văn hóa nữa”, anh Hiệp chia sẻ thêm. Mô hình kinh doanh của anh đã làm được điều này, anh không chỉ phục vụ khách hàng bằng một sản phẩm hữu hình mà còn mang đến cho họ sự hài lòng nhờ niềm tin tuyệt đối vào lòng trung thực.

Thực tế đã chứng minh, suốt 3 tháng mở cửa, anh Hiệp chưa thu thiếu một đồng nào và chẳng hề bị mất bất cứ thứ gì. Mỗi buổi sáng, anh đến đây cung cấp hàng hóa và tối sẽ đến thu tiền, lau chùi quầy hàng. Mô hình bán hàng mới này khiến anh tiết kiệm tối đa chi phí. Với giá thuê mặt bằng là 5 triệu, anh chỉ mất thêm 1,5 triệu tiền điện, nước và không hề tốn tiền chi trả cho nhân viên, bảo vệ…

Xã hội cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho lòng tốt và sự trung thực được bộc lộ

Chúng ta vẫn nghe nhiều lời ca thán về tính trung thực của người Việt Nam. Điều đó khiến con người đánh mất niềm tin vào người khác và đánh mất niềm tin vào xã hội. Thực tế, con người luôn có phần lương thiện trong sâu thẳm tâm hồn chỉ chờ có cơ hội được bộc lộ. Miễn là chúng ta tin tưởng và tôn trọng người khác, chắc chắn họ sẽ thay đổi quan điểm và cư xử tốt đẹp. Bạn cũng đừng quên sức mạnh của sự lan tỏa và hiệu ứng số đông.

Vậy nên, khi thấy một mô hình kinh doanh thành công hay một văn hóa đẹp của người nước ngoài, chúng ta không nên chỉ ngưỡng mộ họ mà hãy tìm cách để hiện thực hóa nó, giống như cách mà anh Hiệp đã làm với mô hình kinh doanh trung thực. Có một sự thật rằng, kinh doanh buôn bán dựa trên trên lòng tin, sự trung thực và tử tế của khách hàng là một sự mạo hiểm lớn, rủi ro cao. Thế nhưng, điều đó không ngăn cản được ông chủ trẻ Đào Khánh Hiệp tin tưởng vào sự lương thiện của con người và quyết tâm thực hiện lý tưởng của mình. Xã hội thực sự đang rất cần những tấm gương về niềm tin như anh…

Hiểu Minh

Nguồn ảnh: Doanhnhansaigon

Xem thêm: