Nhằm duy trì mọi việc trật tự và hiệu quả, xã hội Nhật Bản dần dần không chấp nhận ngoại lệ đối với các nguyên tắc. Tuy nhiên, câu chuyện “phá luật” gần đây của nhà ga Oji vì một lý do đặc biệt đã khiến nhiều người xúc động.

Những nguyên tắc đôi khi còn nhân lên gấp đôi ở Tokyo, thành phố đông dân nhất thế giới, nơi quá nhiều người buộc phải sống chen chúc sát cạnh nhau sao cho hoà hợp và nhân lên gấp ba trong các phương tiện vận chuyển công cộng. Điều quan trọng, những nguyên tắc là điều không thể thay đổi và bắt buộc đối với bất kỳ người dân thuộc tầng lớp nào.

Nhưng một người dùng Twitter với tài khoản mtbsck đã bắt gặp một trường hợp hiếm hoi, gần như lần đầu tiên xảy ra. Đó là một ga tàu điện ngầm chấp nhận phá vỡ các nguyên tắc với hy vọng mang đến một cái kết hạnh phúc cho một câu chuyện buồn.

Người dùng với tài khoản mtbsck đã chia sẻ bức ảnh những tờ giấy dán trên bức tường ở nhà ga Oji, một ga tàu nằm trên đường tàu điện ngầm Namboku ở phía Bắc Tokyo. Có hai tờ giấy viết tay. Tờ đầu tiên viết:

“Mẹ ơi, mẹ có khoẻ không ạ? Mẹ hãy gọi điện về nhà nhé”.

Ayaka

Gửi mẹ Ayumi

Đọc những dòng chữ nguệch ngoạc và lời chào được thêm vào phía dưới vì quên không viết trên đầu, người ta đoán rằng người viết mẩu giấy nhắn tin là Ayaka, một bé gái. Dù không ai biết rõ ràng hoàn cảnh gia đình bé nhưng việc cô bé dán một tin nhắn như thế này ở nhà ga cũng giúp mọi người đoán ra người phụ nữ có tên Ayumi mà bé Ayaka gọi là mẹ đã không còn ở bên cạnh bé.

Nội dung tờ giấy thứ hai, do một bé gái tên là Hazuki viết, cũng tương tự như thế.

“Mẹ ơi, mẹ có khoẻ không ạ?

Chúng con chờ mẹ về

Mẹ hãy gọi điện thoại về nhà nhé”

Hazuki

Gửi mẹ Ayumi

Có thể bạn đã từng thấy đủ loại biển quảng cáo và tờ rơi trong các ga tàu điện ngầm ở Nhật. Tuy nhiên, những tờ nhắn tin không phải do nhân viên nhà ga treo lên đều không được phép. Những thông báo không được phép như vậy sẽ bị gỡ xuống ngay lập tức, nhưng cân nhắc đến hoàn cảnh đau lòng mà hai bé gái này đang phải đối mặt, nhà ga Oji đã quyết định nới ra vài kẽ hở được giải thích trong tờ giấy thứ ba mà người dùng mtbsck chụp lại:

“Không được phép dán quảng cáo hoặc tờ rơi trong ga. Do nhiều người ra vào nhà ga, chúng tôi không thể có sự đối xử đặc biệt đối với bất cứ một cá nhân nào. Tuy nhiên, cân nhắc đến tình cảnh của những đứa trẻ này, chúng tôi không thể gỡ bỏ chúng xuống, vì thế chúng tôi sẽ để chúng ở đó ít lâu nữa. Chúng tôi hy vọng rằng các bé sẽ sớm nhận được cuộc gọi đó.” – Trưởng ga tàu điện.

Những người sử dụng Twitter Nhật Bản đã nhanh chóng chia sẻ câu chuyện, đồng thời dành những lời khen ngợi ấm áp cho sự đồng cảm của nhà ga Oji. Họ cũng tự hỏi điều gì có thể ám ảnh một người phụ nữ đến mức bỏ rơi những đứa con của mình. “Trái tim tôi nhói lên khi nghĩ rằng những đứa trẻ này đã tuyệt vọng như thế nào khi muốn gặp lại mẹ chúng tới mức chúng cảm thấy đây là cách duy nhất để tìm mẹ,” một bình luận trong số nhiều người đã cảm ơn người dùng mtbsck vì đã giúp lan toả câu chuyện này.

Trở lại với nội dung đặc biệt của những mẩu giấy, cách sử dụng từ “mẹ Ayumi” là không bình thường. Cũng như quy phạm ở nhiều nước, trẻ em Nhật không thường dùng tên cha mẹ khi viết thư cho họ. Điều đó làm mọi người suy đoán vì sao Ayaka và Hazuki chọn viết từ “mẹ Ayumi” thay vì chỉ gọi là “mẹ”. Có thể các em nghĩ là nếu không dùng tên, mẹ Ayumi sẽ không biết những tờ giấy là dành cho cô. Nhưng cũng có thể Ayumi không phải là mẹ đẻ của các bé gái, và có lẽ cũng không phải là người giám hộ chính thức, mà đơn giản là một tình nhân trước đây của cha các bé và nay mối quan hệ đã chấm dứt, nhưng người này thường chăm sóc hoặc chơi với Ayaka và Hazuki.

Hi vọng rằng các em sẽ sớm tìm được mẹ… (Ảnh minh hoạ: Evaday)

Dù mối quan hệ đó là thế nào đi nữa, hy vọng là những mẩu giấy nhắn tin này sẽ giúp các bé gặp lại mẹ Ayumi của mình. Trẻ em luôn luôn là đối tượng cần được chăm sóc và yêu thương. Những nỗ lực của Ayaka và Hazuki cho thấy các bé mong có mẹ ở bên, khát khao mỗi ngày được mẹ vỗ về, ôm ấp như thế nào. Hành động của những nhân viên nhà ga Oji cũng khiến câu chuyện buồn của những đứa trẻ bỗng dưng sáng lấp lánh những tia hy vọng. Suy cho cùng, mọi nguyên tắc đều chỉ để duy trì sự ổn định cho cuộc sống của con người. Và khi tình người đủ lớn, đủ ấm áp, lòng người đủ rộng mở, đủ bao dung, chúng ta sẽ chẳng cần đến nguyên tắc nào nữa.

Xuân Dung