Cơ quan bố tôi cắt giảm biên chế đúng thời điểm kinh tế khó khăn, vật giá leo thang khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình trở lên eo hẹp. Bố mẹ không ở lại thành phố được vì rất khó để sớm kiếm một công việc mới, do đó họ đã chọn về quê để bắt đầu lại.

Bố đưa chị em tôi về quê nội, lúc đó do cũng còn một chút vốn nên bố đã xây một ngôi nhà nho nhỏ và mở một quầy tạp hóa cho mẹ bán. Năm đó tôi học lớp 2 còn em trai thì lên 5 tuổi, chúng tôi chưa ý thức được rõ nét cuộc sống khó khăn và không hình dung được những lo toan vất vả của bố mẹ, chỉ nhớ rằng ngày đó bố hay thức rất khuya, bố mẹ hay bàn bạc mà nội dung chủ yếu là xoay quanh vấn đề tìm một công việc có thu nhập tương đối để ổn định cuộc sống của gia đình.

Ban đầu bố cũng đã thử qua một số công việc như đồng áng, chăn nuôi nhưng do thoát ly đã lâu nên đối với những công việc đó bố không còn thuần thục và nhanh nhẹn như trước. Bố trăn trở suy nghĩ và cuối cùng quyết định đi làm phụ hồ với các cô chú cùng làng. Bố bảo công việc tuy vất vả nhưng dễ học, bố chỉ cần đi theo mọi người mấy hôm là thành thạo, hơn nữa thu nhập cũng ổn định hơn.

Bố trăn trở suy nghĩ và cuối cùng quyết định đi làm phụ hồ với các cô chú cùng làng. (Ảnh minh hoạ: Qtcs)

Vậy là bố tôi làm phụ hồ từ ngày đó. Với chiếc xe đạp cũ quen thuộc, một ngày của bố bắt đầu từ rất sớm, khi sương còn ướt trên các đám cỏ và vạn vật đều đang chìm vào giấc ngủ. Bố kể, thói quen dậy sớm của mình được dưỡng thành từ rất lâu rồi, từ khi vẫn còn nhỏ. Bố nói thích dậy sớm vì đó là khoảnh khắc tuyệt diệu nhất trong ngày. Không khí rất trong lành mát mẻ và tinh khiết như khoảnh khắc khi một cơn mưa vừa tạnh. Dậy sớm sẽ giúp bố có nhiều thời gian hơn để làm những việc cần phải làm.

Trong ký ức non nớt của tôi, bố không hút thuốc, không uống rượu. Ông sống chân thật, trầm tĩnh, cần mẫn và đều đặn như chiếc kim giây của đồng hồ luôn chạy nhiều nhất và không bao giờ mệt mỏi. Kết thúc một ngày làm việc của bố thường là khi chiều muộn, bố trở về nhà mệt lả và đưa trọn số tiền vất vả trong một ngày lao động cho mẹ.

Có lẽ do chưa quen nên những ngày đầu đi làm bố hay bị đau lưng, hai bàn tay bố phồng rộp, chân bố bị ăn mòn, quần áo dính đầy những vết xi măng loang lổ. Chị em tôi thấy bố về là mừng lắm, chúng tôi ôm vai bá cổ, đứa bắt bố bế, đứa muốn bố cõng, líu lo ríu rít tranh nhau kể cho bố nghe những chuyện ở trường, ở lớp, về thầy cô và bè bạn…

Chị em tôi thấy bố về là mừng lắm, chúng tôi ôm vai bá cổ, đứa bắt bố bế, đứa muốn bố cõng… (Ảnh minh hoạ: VNphoto)

Cứ thế, chị em tôi lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, sự vất vả và cần mẫn của bố. Chúng tôi đã có một tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ và đủ đầy mà không hay… màu tóc bố mỗi ngày thêm khô bạc bởi nắng gió, bởi vôi vữa của công trình, đôi vai bố vốn đã gầy nay lại càng gầy hơn, gánh nặng gia đình càng thêm nặng khi chị em tôi dần lớn.

Năm tháng trôi qua nhanh như một giấc mơ, thoáng đó đã 10 năm, tôi bước chân vào cổng trường đại học mang theo bao niềm hy vọng, niềm tự hào của cha mẹ. Ngày tôi nhập trường, bố tôi với ánh mắt rạng ngời nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên tôi thấy được vẻ mặt của ông dãn ra đôi chút khiến các nếp nhăn cũng nhờ đó mà như biến mất. Bố dặn dò:

“Giữ gìn sức khỏe nhé con, cần gì thì điện về cho bố.”

Cứ thế, cuộc sống sinh viên của tôi bắt đầu với nhiều ước mơ, nhiều hoài bão và nhiều phí tổn. Mẹ vẫn vất vả từng ngày bên quầy tạp hóa, còn bố tôi mải mê với những vòng xe quay đều, nhiều và nhanh hơn để kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học.

Vào một chiều oi nồng, khi vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp, tôi nhận được điện thoại, đầu dây bên kia em trai tôi vừa khóc vừa nói:

“Bố bị bệnh… đang ở viện, chị về ngay đi.”

“Bố bị bệnh… đang ở viện, chị về ngay đi.” (Ảnh minh hoạ: AFamily)

Tôi sững sờ, quên cả trả lời điện thoại và tôi khóc. Hình ảnh bố qua những năm tháng tuổi thơ hiện lên trong tôi, hơn bao giờ hết tôi thấy thương bố vô hạn. Nước mắt không ngừng rơi, tôi chạy về ký túc xá, vơ vội bộ quần áo vào ba lô rồi nhờ đứa bạn trở ra bến xe. Tôi bắt chuyến cuối cùng trong ngày để về nhà.

Trên giường bệnh, bố trông thật lam lũ và gầy gò. Ông không phải chỉ gầy do bệnh tật mà còn do thời gian đã ngấm dần trong từng thớ thịt, già cỗi và yếu ớt. Ông lọt thỏm trên giường bệnh với hai mắt nhắm nghiền, hơi thở nhọc nhằn. Tôi lại gần bên bố, cố nén cảm xúc để không khóc òa thành tiếng, tôi ôm ông mà nước mắt không ngừng rơi.

Thấy động, bố khẽ mở mắt, nhìn tôi, và mỉm cười. Nụ cười hiền từ nhưng nhiều nhọc nhằn và mệt mỏi. Nắm lấy tay tôi, bàn tay của ông gầy gò và chai sạn. Mẹ nói bố có triệu chứng bệnh đã lâu nhưng không chịu đi viện kiểm tra vì không muốn tốn kém. Nhưng mấy ngày qua, ông xuất hiện những cơn đau kéo dài dai dẳng ở thắt lưng. Ông đã bị ngã khi đang làm việc, không đứng dậy đi lại bình thường được. Mọi người đưa vào bệnh viện kiểm tra và kết quả là ông bị thoái hóa cột sống thắt lưng ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa. Bác sỹ nói cần phải được phẫu thuật ngay khi sức khỏe ổn định hơn, nếu không sẽ bị liệt.

Việc đi lại của ông tương đối khó khăn, tạm thời phải ngồi xe lăn nếu muốn di chuyển. Hằng ngày, tôi thay mẹ ở lại viện chăm sóc. Tôi đút cháo, đọc báo cho ông, thi thoảng tôi đẩy xe đi dạo ở công viên cạnh bệnh viện để thay đổi không khí. Tôi kể ông nghe về việc học của mình, về buổi bảo vệ tốt nghiệp vừa xong, về bạn bè, thầy cô, về những gì tôi đã đạt được trong những năm qua. Ông nghe rất chăm chú và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc tự hào.

Tôi kể ông nghe về việc học của mình, về… những gì tôi đã đạt được trong những năm qua. (Ảnh minh hoạ: 400 Bad Request)

Qua theo dõi một tuần, các bác sĩ khi thăm khám đã có nhận xét là sức khỏe của ông đã khá lên rất nhiều, tâm lý tương đối tốt. Một vài ngày tới bệnh viện sẽ bố trí tiến hành phẫu thuật. Tôi mừng đến rơi lệ, những ngày ở bên, tôi luôn cảm nhận được ý chí mạnh mẽ cùng sự lạc quan của ông. Đôi khi những cơn đau kéo dài làm khuôn mặt tím tái, méo xệch, nhưng ông vẫn cười nói: “Bố không sao đâu, con gái”.

Ngày phẫu thuật cũng tới, cả gia đình tôi thấp thỏm lo âu xen lẫn rất nhiều hy vọng, bác sĩ bảo cần bổ sung một số giấy tờ. Tôi phi xe về nhà, theo lời chỉ dẫn của ông, tôi mở hòm cá nhân ra để tìm. Rất ngạc nhiên, tôi thấy rất nhiều quyển sổ được xếp chồng ngay ngắn. Tò mò, tôi mở một quyển ra xem, ngay trang đầu tiên là nét chữ rất đẹp: “Sổ chấm công – 2002”.

Lật dở từng trang, những bảng biểu, những hàng, những cột được ghi với nội dung rất ngắn gọn, khoa học và dễ hiểu. Ở hàng mà có cột ghi tên bố thì hầu như không sót một dấu nhân nào. Những ngày kỷ niệm như sinh nhật tôi và em trai, ngày tôi đi thi học sinh giỏi… ở đó không chỉ có những dấu nhân, mà ở cuối trang sổ còn có cả những dòng tâm trạng đầy tình thương, đầy trăn trở mà ông dành cho mẹ, cho chị em chúng tôi. Tôi bất giác mỉm cười khi đọc đến dòng chữ đã viết khá lâu: “Mình khóc, rất nhớ con gái”. Tôi nhớ đó là thời điểm tôi xa nhà để đi thi học sinh giỏi mà ông bận công việc không đưa tôi đi được.

Tôi cầm giấy tờ của bố vào viện không quên cho vào ba lô những cuốn sổ mà kể từ lúc này đối với tôi nó không chỉ đơn giản là sổ chấm công nữa. Tôi sẽ gọi nó là “Sổ nhật ký của bố”.

Ngồi đợi các bác sĩ hoàn tất thủ tục và làm các xét nghiệm lần cuối trước khi tiến hành phẫu thuật, tôi đọc từng trang nhật ký. Cuộc sống tuổi thơ tôi gắn liền với những ngày tháng lao động vất vả của bố được tái hiện lại rất chân thực qua những dòng tâm trạng giản đơn mà giàu tình cảm.

Cuộc sống tuổi thơ tôi gắn liền với những ngày tháng lao động vất vả của bố… (Ảnh minh hoạ: Kul News)

Ngày … tháng…. năm ….

Hôm nay lĩnh tháng lương đầu tiên ngoài sự mong đợi. Bố sẽ mua cho các con quần áo mới.

Ngày … tháng…. năm ….

Con gái đã lên cấp 2, bố rất vui!

Ngày … tháng…. năm ….

Hôm nay là sinh nhật con trai, bố sẽ đạp xe thật nhanh để kịp về nhà ăn tối cùng các con, sẽ tặng con món quà bất ngờ nhất mà con sẽ rất thích, bố muốn các con hiểu rằng: Bố không quên những dịp quan trọng như này, bố luôn mong được về nhà kịp giờ ăn tối và trò chuyện cùng các con…

Tôi nhớ lại những ngày chị em tôi ngồi đợi bố về, có hôm ngoài trời mưa lạnh, mong bố về để gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm chung, nhưng những ngày đó quả thật vô cùng ít ỏi.

Tôi đọc tiếp những dòng tâm trạng mà bố viết:

Ngày … tháng…. năm ….

Cấp 3, một mốc quan trọng của cuộc đời, con gái đã vượt qua xuất sắc, bố rất tự hào!

Ngày … tháng…. năm ….

Nhật ký của bố. (Ảnh minh hoạ: phunuvietnam)

Thế là con gái đã bước vào đại học, hành trang con mang theo đầy ắp những ước mơ, hoài bão không chỉ của riêng con. Con đã cho bố thấy được thành quả của sự không ngừng cố gắng, cố gắng làm việc để tạo ra những giá trị vật chất, cố gắng tạo ra những giá trị tinh thần bằng sự yêu thương, chăm sóc và có trách nhiệm. Cám ơn con, niềm tự hào của bố!

Đọc những dòng này tôi phải dừng lại, rất khó để kìm nén cảm xúc. Tôi thương bố! Thương bố bao nhiêu, tôi lại tự trách bản thân mình bấy nhiêu. Trách mình vô tư đến mức vô tâm. Tôi hiểu được rằng bao nhiêu năm qua ông luôn theo sát những bước tiến, những dấu mốc trong cuộc đời của chị em tôi. Có lẽ bố không chỉ làm việc một cách lặng lẽ, mà còn lặng lẽ yêu thương.

Ngày … tháng…. năm ….

Sức khỏe dạo này không tốt, cơn đau ngày một nhiều, định nói chuyện với vợ và các con nhưng thôi, thử cố gắng thêm xem có vượt qua được không. Vài tháng nữa nếu không đỡ thì nói chuyện chắc chưa muộn.

Ngày … tháng…. năm ….

Hôm nay bác sĩ kết luận là phải phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ tốn kém, không còn nhiều tiền lo việc học hành cho các con. Con gái sắp bảo vệ tốt nghiệp mà bố không lên để ủng hộ tinh thần con được, nhớ con gái nhiều…

Tôi thương bố! (Ảnh minh hoạ: Vebma)

Nước mắt không ngừng rơi, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc, may mắn vì được làm con của bố, hạnh phúc vì được ông hết mực thương yêu. Nếu như không đọc được những dòng nhật ký này, tôi không thể hiểu hết được những hy sinh của bố, không thể biết được những tình cảm thầm lặng mà ông dành cho mẹ, cho em, cho tôi và cho gia đình này lớn nhường nào. Có lẽ nó còn lớn hơn cả sinh mệnh của ông.

Cất mọi thứ vào lại ba lô, đi vào phòng xét nghiệm, tôi ôm bố và khóc, ông lại vỗ vai tôi, cười hiền từ nói:

Con yên tâm, bố sẽ khỏe, mọi thứ sẽ ổn cả…”

Chứng kiến tâm thái của ông khi đối diện với bệnh tật, đối diện với những cơn đau, ông không gục ngã cũng không ủy khuất, mà dũng cảm đối diện, tôi không còn lý do để bi lụy hay than trách số phận. Tôi thực sự tự tin ông sẽ trở lại như xưa, thực sự lạc quan về ca phẫu thuật này, lạc quan như tất cả những năm tháng qua ông luôn âm thầm tạo nên đặc tính đó trong tôi. Nắm tay bố thật lâu tôi mới buông ra khi chiếc xe đẩy ông vào phòng phẫu thuật.

Nắm tay bố thật lâu… (Ảnh minh hoạ: kienthuc)

Gia đình là nơi chúng ta sinh ra, là nơi của mọi sự bắt đầu. Gia đình cũng là nơi để mỗi khi mệt mỏi chúng ta có thể trở về. Ở nơi đó, những thương yêu không nói thành lời, những nhọc nhằn trong tâm luôn giấu kín, nơi mà có bố mẹ luôn nguyện cầu cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Những người con khi đã trưởng thành, khi đủ lông đủ cánh, xin đừng vì quá mải mê với những kế hoạch, những dự định tương lai, đừng vì danh, lợi, tình mà có những phút giây lơ là, quên mất bố mẹ già đã từng dành hết cả sức khỏe và tình yêu thương cho mình, đang ngày đêm trông ngóng. Những người con, xin hãy trở về khi còn có thể.

Gia Viên

Xem thêm: