Những ngày qua, rất nhiều tờ báo ở Trung Quốc liên tục đưa tin về câu chuyện một cậu học sinh trung học không may làm hỏng chiếc xe BMW sang trọng của một người lạ mặt. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu chủ nhân của chiếc xe ô tô không hành xử quá đặc biệt và “khác người” như vậy.

Độc giả vốn không còn xa lạ gì với những câu chuyện kiểu như thế này. Ai cũng nghĩ đến một kết cục không may mắn cho cậu bé gây ra tai nạn. Ít nhất, cậu cũng phải bồi thường một khoản tiền, nhất là với loại xe đắt tiền như BMW. Tuy nhiên, mọi thứ đã làm người ta bất ngờ tới mức không thể nghĩ tới.

Sau khi tan học, cậu học sinh vội vã trở về nhà, dường như đang có việc rất khẩn cấp. Trong lúc điều khiển chiếc xe đạp điện, vì không cẩn thận cậu bé đã tông phải phải chiếc xe BMW đang đậu bên đường và làm gãy gương xe. Xung quanh cậu lúc đó không có một ai, không có chủ xe và không có người đi đường qua lại.

Cậu bé bối rối và tự hỏi không biết phải làm gì sau khi gây ra tổn thất cho người khác. Cân nhắc, suy nghĩ một hồi, cậu lấy trong cặp ra giấy, bút và viết một bức thư với thiện ý tường thuật chân thực lại sự việc và để lại lời xin lỗi chân thành. Động lực để cậu bé viết bức thư không phải vì nỗi sợ hãi phải bồi thường mà vì cậu thực sự lo lắng cho chủ xe. Trong thư cậu bé viết:

Hôm nay trên đường đi học về, cháu đã không may đâm vào xe của bác. Cháu vô cùng xin lỗi bác về việc này. Cháu biết chiếc xe của bác rất đắt tiền và chi phí sửa chữa vì thế cũng rất cao, nhưng cháu thực sự không có nhiều tiền để bồi thường cho bác. Hoàn cảnh của gia đình cháu tương đối khó khăn, vào mỗi kỳ nghỉ hè, cháu thường tận dụng thời gian đó đi làm thêm để kiếm thêm tiền chi trả cho việc học tập của cháu. Cháu xin gửi bác số tiền ít ỏi này, nó là số tiền cháu kiếm được hồi mùa hè vừa rồi. Cháu hi vọng sẽ giúp bác giảm bớt được phần nào chi phí sửa chữa, cũng như giảm bớt được một phần tổn thất cháu đã gây ra cho bác. Cháu thực sự cảm ơn bác rất nhiều“. Viết xong, cậu bé kẹp bức thư cùng số tiền 311 nhân dân tệ vào cửa xe.

Ông Tiết Chiến Dân, chủ nhân của chiếc xe BMW, sau khi đọc lá thư chân thành và cảm nhận được thiện ý của cậu bé đã rất xúc động. Bức thư ngắn ngủi nhưng những điều cậu bé muốn truyền tải qua đó thật vô cùng to lớn và sâu sắc. Bởi vậy ông đã nảy ra ý định muốn giúp đỡ cậu học sinh ngoan ngoãn, chính trực này. Ông Tiết đã nhờ cảnh sát hỗ trợ tìm cậu bé ấy.

Qua những hình ảnh từ chiếc camera giám sát cùng với sự giúp đỡ của cảnh sát, cuối cùng ông Tiết đã tìm được cậu bé mà ông cho là “hảo hán nhỏ tuổi” ấy.

Cậu bé tên là Dịch Phàm, sống ở thôn Trúc Viên, thị xã Tân Mật, huyện Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Sự việc và danh tính của cậu bé sau đó đã được phóng viên các báo đài biết đến. Họ đã tìm tới nhà để phỏng vấn cậu bé cũng như gia đình cậu. Mẹ Dịch Phàm khi trả lời phỏng vấn đã cho biết gia cảnh khó khăn cũng như suy nghĩ của mình sau khi nghe con trai kể lại câu chuyện.

Chị kể rằng hai vợ chồng chị đều đi làm thuê ở xa, hàng ngày Dịch Phàm ở nhà một mình, đi học, trông em và coi sóc nhà cửa. Khi biết con đâm phải xe của người khác, chị thực sự rất muốn liên hệ với ông Tiết để nói về chuyện bồi thường. Chị cho biết mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng họ sẽ nỗ lực mọi cách để bù đắp những tổn thất đã gây cho ông Tiết, đó là vấn đề trách nhiệm và lương tâm.

Hành động của mẹ Dịch Phàm một lần nữa khiến ông Tiết xúc động. Càng suy nghĩ về sự việc, ông lại càng khâm phục đức tính thật thà, tinh thần trách nhiệm, biết nghĩ cho người khác của cậu bé và sự giáo dục mà cậu được nhận từ cha mẹ. Cậu bé đã có thể bỏ đi sau khi gây ra sự việc vì trên đường lúc đó không có một ai, và cũng sẽ không ai phát hiện ra. Nhưng đạo lý làm người khiến cậu không làm như vậy.

Cậu bé có thể cũng chẳng hề biết gì về chiếc camera giám sát sẽ ghi lại tất cả mọi hành động. Cậu cũng không có suy nghĩ rằng dù mình bỏ đi thì vẫn sẽ bị truy tìm ra. Đơn giản, cậu nghĩ rằng nếu vô trách nhiệm với người khác thì chính bản thân mình là người gặp tổn hại. Lương tâm cậu bé sẽ cắn dứt khôn nguôi, và hành động vô trách nhiệm mới chính là điều khiến người khác khinh thường chứ không phải sự nghèo khó của gia đình cậu.

Bởi vậy, ông Tiết không chỉ từ chối số tiền bồi thường mà ông còn nhờ con gái thứ 2 của ông mang số tiền 10.000 nhân dân tệ tới tặng gia đình Dịch Phàm và giải thích rằng số tiền này là để giúp đỡ Dịch Phàm trong việc học hành. Tuy nhiên, hai mẹ con nhất mực từ chối. Dịch Phàm nói: “Đây thực sự là lỗi của cháu, cháu đã không cẩn thận nên làm hỏng xe của bác, trong tâm cháu luôn cảm thấy hối hận và áy náy vì số tiền bồi thường cháu để lại là quá ít ỏi. Bác Tiết không nhận tiền, cháu đã vô cùng biết ơn bác rồi, cháu không thể nhận số tiền này được”.

Tuy nhiên con gái của ông Tiết đã kiên trì giải thích: “Số tiền này là tâm nguyện của bố tôi, ông muốn giúp đỡ cậu học tập, ông muốn cậu có cơ hội mở những cánh cửa mới cho cuộc đời của cậu. Nếu cậu muốn bồi thường thì hãy dùng tiền này và học tập thật tốt, sau này thành đạt rồi, cậu quay trở lại tìm bố tôi cũng được. Số tiền này cậu nhất định không được từ chối”. 

Hai mẹ con Dịch Phàm cứ đắn đo, suy nghĩ mãi. Họ không biết diễn tả ra sao lòng biết ơn sâu sắc của họ dành cho ông Tiết. Họ cảm nhận được tấm lòng vĩ đại và bao dung của ông, cảm nhận được ông là người giàu tình yêu thương, biết quan tâm và che chở cho người khác. Họ cũng hiểu tại sao ông Tiết lại trở thành người giàu có trong xã hội, bởi vì ông giàu có tình thương, giàu có tình người, ông biết cho đi, ông sống rộng lượng và hào phóng.

Cổ nhân vẫn có câu: “Nhà rộng không bằng tấm lòng rộng”. Một khi tấm lòng rộng thì nhà cửa, tiền tài, công danh sự nghiệp cũng theo đó mà rộng, mà thênh thang. Người xưa cũng dạy rằng hãy tích đức, hành thiện, sống tốt, chúng ta sẽ không phải lo lắng tới chuyện cơm áo gạo tiền, mà tự đã có ông trời an bài giúp.

Nhiều người vẫn quan niệm rằng làm việc tốt, việc thiện là một lựa chọn, một quyết định. Tuy nhiên làm việc thiện không nên có bất kỳ tính toán nào trong ấy, tất cả đều cần phải vô tư. Sự vô tư đó mới chính là phẩm chất ẩn giấu nơi sâu thẳm nhất của trái tim con người: lòng bao dung. Câu chuyện cho thấy khi chúng ta có tấm lòng bao dung, vị tha, nhân ái thì làm việc tốt sẽ trở thành một phản xạ tự nhiên.

Xã hội của chúng ta đang ngày càng phát triển, tư tưởng của con người vì thế cũng thay đổi, biểu hiện ra những cách ứng xử và tiêu chuẩn đạo đức khác nhau. Có những tiêu chuẩn được công nhận trong xã hội hiện đại hoàn toàn không phải là những chuẩn mực đúng đắn. Người ta vẫn lầm tưởng rằng những phụ kiện trang sức mang trên người, xe hơi, nhà đất hay những của cải vật chất khác là thước đo để đánh giá một người thành công đến đâu, hạnh phúc ra sao, đáng kính trọng đến nhường nào, nhưng thực ra những điều đó chỉ là một phần trong cuộc sống của con người. Phản ánh chân thực về một người nào đó phải là nhân cách và đức hạnh của họ, là khi gặp xung đột, mâu thuẫn vẫn giữ được tấm lòng bao dung, vị tha đối với tất cả mọi người, đặc biệt với những người khốn khổ bất hạnh, thậm chí với những người đã gây ra cho họ rắc rối, khó khăn.

Câu chuyện giữa gia đình bé Dịch Phàm và ông Tiết Chiến Dân thật xúc động, giúp chúng ta nhận ra một chân lý, rằng nếu chúng ta luôn biết suy nghĩ cho người khác, khi gặp một vấn đề nào đều đó luôn tự hỏi mình việc này đối với người khác có tổn hại nào không. Chúng ta sống có trách nhiệm với nhau, bao dung cho lỗi làm của nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khổ nạn trên đường đời, thì cuộc sống của mỗi người, của toàn xã hội sẽ tốt đẹp và bình an hơn rất nhiều. Quan trọng hơn nữa, trong cuộc đời của một người bất luận ở trong giai đoạn nào đều nên lấy nhân phẩm, đức hạnh là hàng đầu.

Nguồn ảnh: Thepopdaily

Thủy Linh

Xem thêm: