Một cô sinh viên đại học vừa tốt nghiệp đến ứng tuyển công việc kế toán tài chính tại một công ty nước ngoài. Vì công ty muốn tuyển kế toán viên có kinh nghiệm làm việc lâu năm nên cô gái đã bị từ chối ngay lập tức. 

Nhưng cô không vì vậy mà nản lòng bỏ về, cô thành khẩn nói với người phỏng vấn: “Xin hãy cho tôi thêm một cơ hội tham gia vào vòng thi nghiệp vụ”.

Người phỏng vấn không phản đối, để cô tham gia thi vòng thi viết. Sau đó, cô đã hoàn thành vòng nghiệp vụ với điểm số rất cao. Cuối cùng, cô được quản lý nhân sự đích thân phỏng vấn.

Sau vòng phỏng vấn, quản lý rất có thiện cảm với cô nhưng anh đành lắc đầu bởi so với một ứng viên khác thì cô thiếu quá nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm kế toán duy nhất cô có là từng quản lý tài chính cho hội sinh viên ở trường.

“Xin hãy cho tôi thêm một cơ hội tham gia vào vòng thi nghiệp vụ” (Ảnh minh hoạ: Tuvanmywork)

Bất đắc dĩ, quản lý nhân sự đành phải nói: “Hôm nay chỉ phỏng vấn đến đây thôi. Nếu như có tin, tôi sẽ gọi điện thoại cho cô.”

Cô nữ sinh đứng dậy cám ơn quản lý nhân sự đã dành thời gian phỏng vấn cô. Sau đó, cô móc từ trong túi ra một tờ 5 đô-la đưa cho quản lý bằng hai tay và lễ phép nói: “Cho dù tôi có được chọn hay không, thì xin ông hãy gọi điện thoại cho tôi.”

Quản lý nhân sự trước giờ chưa từng gặp phải tình huống này, ông ngây người một lúc mới lấy lại được bình tĩnh. Ông hỏi cô gái: “Tại sao cô biết chúng tôi sẽ không gọi điện thoại cho người không được chọn?”

Cô đáp: “Lúc nãy ông vừa nói, có tin thì sẽ gọi, vậy chính là không được chọn sẽ không gọi điện.”

Quản lý nhân sự đặc biệt ấn tượng với cô nữ sinh này, lại hỏi: “Nếu như cô không được chọn mà tôi lại gọi điện cho cô, vậy cô muốn biết điều gì?”

Cô nói: “Xin nói cho tôi biết điểm nào tôi chưa đạt được yêu cầu của công ty, tôi chưa đủ tốt ở phương diện nào, để tôi cải thiện”.

“Vậy một đồng này…”, quản lý nhân sự chưa nói xong, cô nữ sinh đã mỉm cười giải thích: “Gọi điện thoại cho người không được chọn không thuộc về khoản chi chính đáng của công ty, vì vậy tôi phải trả phí điện thoại, xin ông nhất định hãy gọi.”

“Vậy một đồng này…” (Ảnh minh hoạ: Impressivemagazine)

Quản lý nhân sự lập tức mỉm cười và nói: “Xin cô nhận lại một đồng này. Tôi sẽ không gọi điện thoại nữa, vì bây giờ tôi chính thức thông báo: Cô được nhận vào rồi! Có thể đi làm từ tuần sau!”.

Thật bất ngờ, cô sinh viên đã dùng một đồng tiền để mở “cánh cửa tương lai” của mình.

Vậy điều gì đã khiến vị quản lý nhân sự nhận một cô nữ sinh chưa có kinh nghiệm?

Thứ nhất: Kiên trì, không nản chí

Bạn biết đấy, cuộc đời vận hành theo cách nó muốn, không phải cách bạn muốn. Thế nên, điều tốt nhất mà bạn có thể làm là: hãy kiên nhẫn. Thành công không được xây dựng qua một đêm mà trải qua rất nhiều tháng ngày nỗ lực, có khi phải mất cả hàng năm trời. Đó là lý do tại sao bạn phải kiên nhẫn.

Điều này không có nghĩa là bạn bắt buộc phải có niềm đam mê mạnh mẽ. Bởi vì, dù bạn yêu thích đến đâu, nếu không có sự kiên nhẫn, bạn có thể sẽ nản chí và bỏ cuộc vào thời điểm khó khăn, dù đôi khi nó có thể chỉ cách thành công vài xen-ti-mét.

Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là: hãy kiên nhẫn!

Sự thực thì, dù bạn muốn hay không, cuộc sống này nhất định phải tồn tại khó khăn mà bạn không thể trốn tránh được. Vậy nên, thay vì sợ hãi những con sóng dữ, những cơn gió lớn, hãy nhìn thẳng vào những vấn đề, bình tĩnh đối mặt với nó và tìm ra giải pháp. Bạn đã thấy cách cô nữ sinh trên ứng xử khi bị từ chối đến mấy lần không? Bạn cũng có thể làm được như thế, nếu như sở hữu đức tính kiên nhẫn này.

Thứ 2: Tinh thần cầu tiến, học hỏi

Ở trong bất kỳ môi trường làm việc nào, điều đầu tiên bạn nên xây dựng chính là thái độ luôn cầu tiến. Khi bạn có chí cầu tiến và lòng ham học hỏi, bạn sẽ nhận thấy rằng những gì bạn làm lúc này là chưa đủ, bạn luôn muốn nỗ lực hết mình hoàn thành những công việc được giao. Tất nhiên, mọi nhà quản lý đều mong muốn đức tính này từ nhân viên của họ.

Ở trong bất kỳ môi trường làm việc nào, điều đầu tiên bạn nên xây dựng chính là thái độ luôn cầu tiến

Câu chuyện trên đã đủ cho bạn thấy sức mạnh của tinh thần cầu tiến rồi chứ? Ngay khi biết chắc rằng không được nhận vào công ty, cô gái đã lịch sự và khẩn khoản xin quản lý được thông báo lý do “không đủ yêu cầu”. Bạn thấy không, để có thể cải thiện và phát triển bản thân, chúng ta còn cần cả sự thẳng thắn và dũng cảm.

Thứ 3: Phân biệt rõ ràng việc công và việc tư

Có lẽ, trong câu chuyện kể trên, điều khiến nhiều người ấn tượng nhất chính là chi tiết cô gái lễ phép đưa 1 đồng 5 USD cho vị quản lý. Dù số tiền không lớn nhưng nó đã thể hiện thái độ phân biệt rõ ràng việc công và việc tư của cô, điều mà rất ít người chú ý tới.

Cần phân biệt rõ ràng việc công và việc tư (Ảnh: Kenhtuyensinh)

Hơn nữa, hành động này cũng đã thể hiện sự trung thực của cô trong công việc. Khi mà một người biết giữ gìn tài nguyên của công ty từ những chi phí nhỏ nhất như một cuộc điện thoại không trong danh mục chi trả, chắc chắn người đó rất trung thực và luôn biết làm việc vì lợi ích chung.

Đặc biệt, thái độ luôn lạc quan trước khó khăn của cô gái đã thuyết phục được quản lý công ty. 

Không có điều gì trong cuộc sống này là suôn sẻ từ đầu tới cuối. Chính vì vậy, khi gặp khó khăn, bạn đừng nản lòng hay buồn rầu mà nên dành thời gian suy nghĩ và bắt đầu bắt tay vào giải quyết vấn đề.

Nếu có thể giữ được cho mình một thái độ lạc quan và bình tĩnh thì dù bế tắc đến đâu, bạn cũng có thể từng bước tháo gỡ những nút thắt. Bạn không cần phải làm được ngay lập tức mà là từng bước một.

Kinh nghiệm và kỹ năng cụ thể có thể đến theo thời gian nhờ sự học hỏi, nhưng điều quan trọng nhất bạn cần làm là chuẩn bị cho mình những giá trị cốt lõi về đạo đức, nhân cách mà một người thành công cần có.

Hiểu Minh