Có câu nói: “Lòng tốt như thứ nước hoa quý. Có ai đem cho nó mà chẳng giữ được trên tay mình vài giọt thơm…”, vậy nếu trao người lòng tin có thể nhận lại yêu thương và lòng cảm mến?

Mới đây cư dân mạng xôn xao câu chuyện kể về một chàng trai bán dừa xiêm dễ thương ở Sài Gòn. Một bạn có Nickname Lan Khuê viết trên trang cá nhân của mình:

“Đi trên đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh), thấy xe chở dừa cắm cái bảng viết tay “dừa xiêm 7000đ”, mình vô mua 2 trái. Lúc mở túi tìm hoài cái bóp không có, hốt hoảng. Biết bỏ quên tiền ở nhà chứ không mất, nhưng dừa đã chặt rồi, sáng sớm mở hàng vầy có bị mắng mỏ không? Chà chà.

Bán dừa là một thanh niên, xởi lởi: Bữa nào ghé trả cũng được. Mình bất ngờ, bối rối. Thanh niên trẻ đang luôn tay chặt dừa cho 2, 3 người chờ, nói mà không cần nhìn mặt mình luôn (thật ra mình đang đeo khẩu trang, có nhìn cũng không ghi nhận được gì): Thôi…

Thái độ đó làm mình không tiện dài dòng cảm kích. Nên mình chỉ nhẹ bâng “cho thiếu nghen” rồi chạy đi. Vô công ty, uống nước dừa ngọt lịm, cứ phải nhủ lòng “nhớ trả tiền cho người ta, nhớ!”, vì tính mình hay quên.

Sáng nay chạy qua đoạn BV Ung bướu (Nơ Trang Long, Bình Thạnh) thoáng thấy xe dừa đúng người bán là thanh niên đó, mình vòng trở lại. Mình nói cho trả tiền bữa thiếu với lại lấy thêm trái nữa. Anh ta dừng tay ngó mình (cũng mang khẩu trang) chớp mắt, cười một cái, lấy tiền đúng 20k. Mình vờ móc điện thoại xem để chụp trộm tấm hình. Rồi chạy đi, không ai dài dòng gì hết”.

Người ta nói, người Sài Gòn cái gì cũng có, nhưng không có gì đặc biệt, đặc sản 3 miền Bắc-Trung-Nam không thiếu thứ gì. Vậy Sài Gòn không có đặc sản gì riêng của mình? Có, đó là lòng tin và câu nói quen thuộc cho khách quên tiền: “Bữa nào ghé trả sau cũng được”. 

Sau khi nhận bài viết của Lan Khuê được đăng lên mạng xã hội, rất nhiều người cũng đã góp vui bình luận bằng cách kể những câu chuyện ở Sài Gòn mua hàng quên ví tiền sẽ được tặng câu nói rất chi dễ thương đó là “Bữa nào ghé trả sau cũng được”.

Bạn có nickname Vy Vy kể: Hôm trước mình đi làm sáng và cũng quên mang ví. Ghé vô mua bánh mì của chú gần ngã tư Cao Thắng với Minh Khai nói chú bán ổ bánh mì mà tìm không thấy ví. Chú nhìn qua rồi nói nghe mà cảm động: “Con gái lấy đi có mà ăn rồi đi làm. Mày không lấy rồi đi làm nhịn ăn à. Mai đi ngang ghé trả chú. Mấy người như con đừng có ngại”. Lúc đó mừng vì không mang tiền nhưng may có được bữa sáng, hôm sau mang tiền trả chú chú còn không nhớ thiếu khi nào. Sài Gòn dễ thương”.

“Lòng tốt như thứ nước hoa quý. Có ai đem cho nó mà chẳng giữ được trên tay mình vài giọt thơm…”. Nếu vậy phải chăng trao đi yêu thương sẽ nhận lại tình yêu và lòng cảm mến? Cuộc sống sẽ trở nên dịu dàng và đáng yêu hơn nếu mỗi người sống đều có thể trao nhau sự tin tưởng, bỏ đi nhưng mối nghi kị và oán hận mỗi người. Trong tâm thái mỗi người khi ấy lúc nào cũng ngập tràn yêu thương như đôi bàn tay luôn phảng lại hương thơm khi đã tặng ai đó một đoá hồng. Điều chúng ta có thể cho đi và giúp đỡ người khác đôi khi không phải là sự giàu sang, sự vĩ đại bề ngoài. Mà nó chính là một lòng tốt luôn ẩn sâu bên trong tâm hồn những con người lương thiện.

Gia Viên