Trong trái tim mỗi người có một báu vật đó là cảm nhận, trong tâm hồn mỗi đứa trẻ chứa đựng một món quà vô giá, ấy là sự hồn nhiên. Nếu cảm nhận được sự hồn nhiên này thì người ta có thể nhìn thấy phép màu xuất hiện.

Đó là vào dịp sinh nhật lần thứ 4 của Norah, con gái của Tara. Trên đường từ trường chạy về nhà hôm đó, Norah muốn ghé vào cửa hàng bánh ngọt để chuẩn bị cho buổi lễ đặc biệt tại nhà.  

Tôi đặt Norah và cô con gái nhỏ vào một chiếc xe đẩy lớn cồng kềnh hình xe ô tô và đến quầy bánh ngọt. Sau khi chọn vài chiếc bánh, tôi dừng lại ở kệ bày đồ dọn dẹp. Trong lúc tôi đang mải tập trung vào mấy chai nước tẩy, thì Norah đứng lên trong chiếc xe đẩy, vẫy tay rối rít và hân hoan nói: “Ông già ơi! Hôm nay, là ngày sinh nhật của cháu”. Người đàn ông đã lớn tuổi, khuôn mặt lạnh lùng và đầy những nếp nhăn. Trước khi tôi kịp “nhắc nhở” Norah rằng không được gọi người lớn là “ông già”, thì ông lão đã quay về phía chúng tôi.  

Nếu ông có giận cô bé, thì ông đã không biểu hiện ra ngoài khuôn mặt. Ông nhẹ nhàng đáp: “Ôi! Xin chào quý cô bé nhỏ! Hôm nay cháu lên mấy?” Hai ông cháu cùng trò chuyện ít câu, ông lão chúc Norah “sinh nhật vui vẻ” và rồi chúng tôi chia tay.

Ít phút sau, Norah quay lại phía tôi và hỏi: “Con có thể chụp ảnh với ông già nhân ngày sinh nhật của mình không ạ?” Ý tưởng ấy mới thật đáng yêu và tôi không chắc liệu ông lão có đồng ý không, nhưng tôi bảo với Norah rằng chúng tôi có thể hỏi ý kiến của ông.

Chúng tôi nhìn thấy ông cách mấy lối đi và tiến về phía ông: “Xin lỗi ông? Đây là Norah, con gái của tôi và cô bé muốn biết liệu có thể cùng ông chụp một bức ảnh nhân dịp sinh nhật của cô bé không?”

Vẻ mặt ông lão thay đổi nhanh chóng từ bối rối sang sững sờ rồi vui vẻ. Ông lùi lại, dựa vào chiếc xe đẩy hàng, đặt tay lên ngực: “Chụp ảnh, với ông sao?”, ông hỏi.

“Vâng, đúng ạ! Nhân dịp sinh nhật cháu!”, Norah vui vẻ.

Thế rồi ông lão đồng ý cùng Norah chụp ảnh. Tôi lấy trong túi chiếc điện thoại và hai ông cháu họ cùng nhau tạo dáng. Norah đưa đôi bàn tay nhỏ xíu của mình vuốt nhẹ lên mu bàn tay gầy guộc, chi chít những mạch máu của ông lão, và đặt lên đó một nụ hôn. Sau đó, cô bé đưa bàn tay của ông lão áp lên chiếc má hồng. Ông lão tỏ ra rất vui mừng. Khi tôi hỏi tên ông là gì? Ông nói rằng: “Hãy gọi ông là Dan”.

Sau vài phút, tôi cám ơn ông Dan vì đã dành cho chúng tôi chút thời gian. Ông rơi nước mắt và nói: “Không, Cảm ơn các bạn! Đây là ngày đẹp nhất tôi từng có trong một thời gian dài. Cháu làm ông hạnh phúc biết bao, cô bé Norah ạ”. Họ ôm tạm biệt và chúng tôi rời đi. Norah vẫy chào ông Dan cho đến khi cái dáng của ông khuất đi.

Tôi sẽ trở thành kẻ nói dối, nếu tôi nói rằng tôi không có chút rung cảm nào sau cuộc gặp gỡ này. Thật sự, tôi đã rất xúc động. Tôi nghĩ rằng, có lẽ một vài người bạn của tôi cũng sẽ cảm thấy câu chuyện này rất thú vị, nên tôi đã đăng nó lên Facebook kèm theo tấm ảnh chụp hai ông cháu.

Khuya hôm đó, tôi nhận được một tin nhắn của một người nói rằng, mình là ông Dan. Ông kể rằng, bà Mary, vợ của ông đã mất hồi tháng 3 và từ đó, nỗi cô đơn luôn choán lấy tâm trí ông. Ông muốn tôi biết rằng, ông rất cảm động về con gái tôi. Rằng ông không thể quên được những điều tuyệt vời ấy. Tôi đã hỏi xin số điện thoại của ông Dan và gọi lại cho ông sau mấy hôm.  

Tôi và Norah đến thăm ngôi nhà nhỏ và ngăn nắp của ông Dan. Khắp nơi trong căn nhà, những món đồ kỷ niệm gợi nhắc đến bà Mary đều được trưng bày cẩn trọng. Ông Dan đã cắt tóc, cạo râu, mặc bộ đồ thường ngày và đi một đôi giày. Trông ông trẻ ra đến cả 10 tuổi. Ông chuẩn bị một chiếc bàn nhỏ và lấy ra vài tờ giấy trắng, ông hỏi Norah rằng cô bé có thể vẽ giúp ông mấy bức tranh được không. Norah rất nhanh chóng đồng ý.

Hôm đó, chúng tôi đã ở chơi nhà ông Dan gần ba giờ đồng hồ. Ông thật sự kiên nhẫn và ân cần với cô con gái nói nhiều và năng động của tôi.

Khi chúng tôi chào tạm biệt ông trên bục cửa, ông đã cắt một bông hồng nhỏ, và mất đến 10 phút để nhặt bỏ đi từng cái gai rồi tặng nó cho người bạn mới của mình. Norah cất bông hồng nay đã héo trong một chiếc túi và đặt dưới gối.

Norah hỏi thăm ông Dan mỗi ngày. Cô bé lo lắng và tự hỏi liệu ông có cô đơn, có bị lạnh hay có pho-mát để làm món bánh mì kẹp hay không? Cô bé rất yêu mến ông và mong ông luôn mạnh khỏe.

Ông Dan cũng nghĩ về Norah. Sau cuộc gặp gần đây, ông nói ông không còn bị mất ngủ vào ban đêm như khi vợ ông mất nữa. Ông nói rằng: “Norah đã chữa lành vết thương trong ông”.

Norah và tôi hứa sẽ đến thăm ông Dan hàng tuần, dù chỉ là 15 phút, dù chỉ để cho một cái ôm và mang đến cho ông vài cái bánh pho-mát Đan Mạch (vị ông thích).

Tôi mời ông đến dự ngày lễ Tạ ơn với chúng tôi. Giờ đây ông đã là người trong gia đình tôi. Dù ông có thích điều đó hay không, ông hoà vào gia đình 9 người của tôi và như Norah nói: “Tất cả chúng ta đều yêu mến ông”.

***

Bài viết của Tara sau khi được đăng trên báo Todayparenting đã được người đọc chia sẻ tới hơn 30.000 lần.

“Những điều xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim”, những điều tốt đẹp xuất phát từ tâm hồn có thể cảm động đến tấm lòng của người khác. Cuộc sống này mới thật kỳ diệu, đôi khi dù chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng ý nghĩa lại lớn biết nhường nào. Norah đã đem đến nguồn sáng tươi mới soi rọi vào những tháng ngày u tối trong tâm hồn của ông Dan, xoa dịu trong ông những vết thương lòng sâu thẳm, chữa lành cho ông căn bệnh cô đơn tuyệt vọng. Người ta thường nghĩ, phép màu có lẽ đến từ một thế giới nào đó xa xôi lắm, nhưng lại không biết rằng, chúng đều có ở mỗi người chúng ta đây, trong trái tim này, chính là cho đi yêu thương và điều vô giá mà ta sở hữu. 

Nguồn ảnh: Imgur 

Xuân Dung – Hồng Tâm

Xem thêm: