Sau sự mất mát luôn là những giọt nước mắt của buồn đau. Nhưng nếu có những vòng ôm chặt và hai trái tim đồng cảm sẵn sàng yêu thương và trao đi yêu thương, nỗi buồn ấy sẽ vơi đi, rồi chuyển thành hy vọng.

Rất nhiều người Việt trẻ đã dành sự yêu thương và đồng cảm cho chị Hương Thảo và anh Tony Nguyễn khi câu chuyện của họ được kể lại một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía trên trang Facebook “It’s happened to be Vietnam”.

Hai người đều là những người Việt đã từng sinh sống, lớn lên tại nước ngoài, anh ở xứ sở của Lá phong Canada, còn chị trở về từ đất nước của Chuột túi. Nhưng họ, hoặc ít nhất là chị, mang trong mình một tình yêu rất lớn với quê hương. Có trong tay hai bằng đại học ở Úc, cũng đã có cho mình một công việc ổn định, nhưng chị vẫn quyết định về Việt Nam sinh sống. Tuy sống một mình ở Sài Gòn, nhưng cuộc sống ở nơi mà chị cảm nhận được cái gốc của mình vẫn mang lại cho chị cảm giác dễ chịu và ý nghĩa.

Tiếng gọi của cội nguồn phải chăng là một phần tạo nên mối nhân duyên đẹp của chị. Chị gặp anh như một cuộc bày xếp thú vị và đầy lãng mạn của số phận. Trong một lần gặp phải chuyện buồn, chị Thảo nhắn rủ bạn thân đi ăn. Trong cuộc gặp ấy, chị gặp được tình yêu của mình một cách tình cờ – anh là bạn thân của người cũng là bạn thân của chị.

Chị Hương Thảo và chồng, anh Tony Nguyễn

Ấn tượng đầu tiên về người trai trẻ cao lớn, mặc nguyên bộ đồ thể thao đã khiến chị muốn “chọc”. Sau những câu chào xã giao, chị hỏi anh một câu: “Anh có đang đọc cuốn sách nào không?”. Chị kể, ngày trước chị với người yêu cũ đã cùng dựng nên một câu chuyện thật lãng mạn, hai người tìm thấy nhau trên một đoàn tàu đông nghịt bởi trên tay họ đang cầm hai cuốn sách… có chung một tựa đề.

“Anh đang đọc cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ”, người chồng tương lai của chị vẫn nhẹ nhàng trả lời, dù đang bực bội vì bị hủy cuộc hẹn chơi golf, vì bạn anh, cũng là bạn chị muốn anh cùng đến dùng bữa.

“Không để lỡ một nhịp”, theo đúng lời kể của anh, chị rút trong túi ra cuốn sách “Ngàn mặt trời rực rỡ”, của nhà văn Khaled Hosseini. Tình yêu của họ bắt đầu nảy mầm chính từ phút ấy.

Họ đã gặp nhau và yêu nhau như thế

Tình yêu của họ kết trái ngọt vào năm 2012. Sau đám cưới, họ cùng nhau xây dựng tổ ấm bằng yêu thương cùng tin tưởng. Do tính chất công việc chị phải đi công tác nhiều, gặp gỡ nhiều người, nhưng anh vẫn đặt ở chị niềm tin. Và họ cùng nhau chờ đợi những thiên thần nhỏ của mình.

Đến tháng 02 năm 2016, hai người được đón tin vui, chị mang thai, nhưng em bé đã không thể đến với anh chị. Nửa năm sau, niềm hy vọng mới lại tới một lần nữa, với nhiều dấu hiệu chắc chắn hơn. Bác sĩ cho biết em bé khỏe mạnh, thai nhi phát triển bình thường. Nhưng đôi khi, cuộc sống lại yêu cầu con người trải qua những bài kiểm tra thật khó.

Đến tháng thứ 5 của thai kì, bác sĩ báo với anh chị rằng, không có hy vọng sống cho cô gái bé bỏng chị đang mang trong bụng. Nếu có thể trụ được đến 9 tháng 10 ngày, thì em bé cũng chỉ có thể sống thêm một vài ngày sau đó. Chắc chỉ có những người từng làm cha mẹ, từng ở vào hoàn cảnh như anh chị mới thấu hiểu được nỗi đau này. Chị vẫn đang mang con trong mình, nhưng sự sống lại đang dần tuột khỏi con.

Chị miêu tả tâm trạng khi ấy của mình khi cùng anh trở về nhà sau khi biết tin con, “mọi thứ trong thế giới này vẫn bình thường mà chỉ có thế giới của chị, trong chiếc taxi đó, trong bụng chị là mãi mãi không như cũ nữa”, mọi hạnh phúc và hy vọng đều tan vỡ hết.

Trong giây phút của nỗi đau, chồng chị nắm lấy tay chị, anh nói với con gái bé bỏng của hai người “con ơi, con đừng nghĩ những chuyện này sẽ thay đổi bất cứ điều gì, nếu nó đã làm được một điều thì nó đã làm ba thương con, thương mẹ con nhiều hơn bao giờ hết”. 

Chị Thảo cũng quyết định trả lời bác sĩ, chị sẽ giữ em bé tới khi nào em bé thực sự ra đi. Chị không muốn lấy con ra một cách lạnh lùng, vì con lúc ấy vẫn còn sống. Chị muốn anh chị và con, cả ba sẽ cùng nhau sống mỗi ngày, cùng nhau làm những việc ý nghĩa và tận hưởng sự có mặt của nhau đến chừng nào còn có thể. Vậy là chị cùng anh đặt tên cho bé là Angie Mai Khiêm, cái tên mang trong nó một phần tên của con đường nơi hạnh phúc của cả ba người bắt đầu. Rồi cả ba cùng nhau đi du lịch, cùng nhau đi khám phá những miền đất mới.

Chuyến du lịch của ba người

Trên chuyến hành trình, anh chị mang theo máy nghe nhịp tim thai để có thể nghe thấy tiếng của sự sống của con mỗi ngày. Và từ một cuốn sách họ đã cùng nhau đọc trong cuộc hành trình, chị Thảo hiểu ra thêm một điều về nỗi đau. Trong những khoảnh khắc u tối nhất, luôn có những điều khiến ta cảm thấy biết ơn và cần cảm tạ. Như khi anh chị biết mình không thể giữ mạng sống cho con, anh chị đã hiểu hơn về nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ khác. Và khi ấy, từ trong tăm tối, ánh lên tia sáng của hy vọng – ánh sáng của sự cảm thông.

Cùng chồng, chị Thảo quyết định làm một điều gì đó để làm vơi đi những nỗi đau khác trong thế giới tưởng chừng rất bình yên bên ngoài gia đình nhỏ của họ. Và những điều nhỏ bé ấy, cũng sẽ khiến Angie Mai Khiêm có thể tự hào về bố mẹ khi em nhìn về họ từ phía Thiên đàng. Anh chị lập một group trên Facebook với tên gọi Baby Angie’s Register of Kindness, nơi hai người chia sẻ câu chuyện của mình, và những người tham gia nhóm, vì sự cảm thông sẽ cam kết làm một công việc thiện lành cho cuộc sống.

Thế rồi, vào một sớm của mùa xuân, linh cảm của người mẹ cho chị Thảo biết Angie đã không còn bên anh chị. Chị Thảo bước vào phòng sinh, kiên nhẫn ở trong đó 20 tiếng để đưa em bé ra ngoài. Sau bao vất vả, anh chị được ôm con, được ngắm con trong giây lát, rồi người ta ôm bé khỏi vòng tay họ.

Chị mới chỉ kịp nhìn thấy bàn chân con thuôn dài giống anh, đôi chân mày của con thật đẹp…

Và rồi, ba người vẫn phải chính thức nói lời tạm biệt.

Tạm biệt con … Angie bé nhỏ

Anh chị muốn chào tạm biệt Angie trong tiếng nhạc của những Diva hàng đầu. Vì với hai người, Angie là Diva, là người truyền cảm hứng cho chặng đường khó khăn vừa qua của họ. Anh chị đứng tựa vào nhau trước con gái nhỏ, buồn đấy, khổ đau đấy, nhưng họ biết rằng mình luôn yêu con và sẽ không bao giờ quên con.

Ngày tạm biệt Angie, cha Tony và mẹ Thảo của em đã in hơn 200 những công việc thiện lành mà những người trong nhóm “Baby Angie’s Register of Kindness” đã làm: Một đợt quyên góp cho một tổ chức ở Kenya, trồng một cái cây ở Bangladesh, ủng hộ phí mổ tim cho một em bé ở Việt Nam, quyên góp cho tổ chức các bé gái được đến trường, hay một công ty khuyên nhân viên làm việc thiện và giúp đỡ xã hội vào ngày thứ 6 hàng tuần… Tên con đã đi đến những miền xa cùng những điều thật tốt đẹp.

Mọi người sẽ luôn nhớ về con

Em đến với thế giới rồi ra đi, nhưng câu chuyện về sinh mệnh ngắn ngủi, hạnh phúc và bình yên của em đã góp phần xoa dịu bao nỗi đau của những người đang sống. Cảm ơn Angie bé nhỏ, cảm ơn người cha và người mẹ đầy tình thương của em. Hãy cùng những trái bóng và tình yêu trở về với Thiên đàng, em nhé. Cha mẹ sẽ luôn nhớ và yêu em.

Nguồn ảnh: It’s happened to be Vietnam, Tri thức trẻ

Hải Lam