Theo tập tục văn hóa người Việt, trẻ con trong nhà phải biết kính trên nhường dưới, phải nghe lời người lớn dạy bảo. Điều này đã khắc sâu vào tâm trí của những người thuộc thế hệ cũ.

Tuy nhiên, xã hội hiện nay dường như đã mất đi phép tắc lễ nghĩa. Cái tư tưởng phóng khoáng và “chịu chơi” đã trở thành nếp sống của con người ngày nay. Con cái thích gì làm đó mà không cần phải xin phép cha mẹ. Là bậc cha mẹ khi nhìn thấy con của mình không nghe lời thì nổi nóng và dùng những lời lẽ nặng nhẹ, hoặc thậm chí là đánh con. Đây có phải là biện pháp đúng đắn để dạy dỗ con cái thời nay hay không?

Người xưa có câu nói “học ăn học nói, học gói học mở”, là lời khuyên dạy bảo con cái của mình phải biết học hỏi để sống lịch sự, tế nhị, biết đối nhân xử thế và thành thạo các việc. Không chỉ người Á Đông, mà cả trong văn hóa của người Tây phương cũng phải học các phép tắc xã giao để ứng xử. Vậy làm thế nào dạy dỗ con mình một cách có phương pháp và đảm bảo rằng trẻ có thể nghe theo nề nếp gia đình?

Nếu bạn thật sự chưa hiểu tâm lý của trẻ thì đây là lúc để bắt đầu:

1. Tâm lý của trẻ:

  • Trẻ con quá non nớt để hiểu hết những lời dạy của người lớn về cách ứng xử, phép tắc phù hợp trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Do đó, cha mẹ cần uốn nắn từ từ, không nhất thiết là con phải thế này con phải thế kia mới là đúng.
  • Sở thích của trẻ là được xem ti vi, xem phim hoạt hình, các chương trình thiếu nhi hoặc nghe cha mẹ kể chuyện trước khi đi ngủ. Bạn hãy tận dụng những khoảnh khắc này để dạy cho con của mình. Tất nhiên, bạn hãy tìm chọn những băng đĩa và tìm hiểu những câu chuyện hay của người xưa về dạy dỗ con cái; chẳng hạn như Nhị Thập Tứ Hiếu, “Sự tích Sọ dừa”, “Cô bé quàng khăn đỏ” v.v…
  • Trẻ con thích bắt chước người lớn: Tâm lý của trẻ từ 3 – 5 tuổi là dễ bắt chước thái độ, lời nói và cử chỉ của người lớn rất nhanh. Cha mẹ lúc này cần luôn thể hiện hành vi đúng đắn trước mặt con trẻ. Khi bạn nhờ con lấy món đồ gì đó thì cũng cần cám ơn con để tạo cho con mình có thói quen trong lời nói “Dạ con cám ơn ông/bà/cha/mẹ!”. Những lời nói như “Dạ vâng”, “Xin lỗi”, “Bắt đầu với chủ ngữ và kết thúc với “ạ”, ví dụ: Mẹ có thể kể chuyện cho con nghe được không ạ?” nên bắt đầu từ phía cha mẹ để con cái nhìn thấy và tiếp nhận trong tư tưởng cho trẻ.
  • Bạn cũng không nên tập cho trẻ thói quen muốn gì được đó. Ý đây là nuông chiều con trẻ. Chúng sẽ hình thành tư tưởng được yêu thương và chăm sóc. Vì điều này chúng sẽ luôn bị phụ thuộc và phản ứng ngược lại nếu ai đó không làm vừa ý chúng. Hãy lập những quy tắc và lịch trình cho trẻ, thời gian nào là ăn, chơi, ngủ và xem ti vi,… Xem ti vi cũng cần có thời gian hạn định. “Mẹ chỉ cho phép con xem ti vi trong 30 phút”. Thì chỉ cho phép chúng xem bấy nhiêu đó. Nếu con khóc lóc nài nỉ thì cũng không vì yêu thương con mà cho phép chúng xem thêm một chút. Nếu làm sai lời không nghe thì con có thể bị cấm xem tivi trong bao nhiêu ngày, v.v…
  • Những hình thức trên được lặp đi lặp lại mỗi ngày để con cái tiếp thu những lời dạy lễ giáo thì chắc chắn rằng chúng sẽ lớn lên trong gia đình có quy củ và phép tắc.
(Ảnh: Wiki)
(Ảnh: Wiki)

2. Bạn đã thật sự hiểu con mình chưa?

  • Khi trẻ bắt đầu lớn dần thì bậc cha mẹ đôi khi cũng lơ là việc dạy dỗ con cái với suy nghĩ rằng chúng có trường lớp, thầy cô dạy dỗ. Đây là suy nghĩ cực đoan. Gia đình vẫn là nguồn cội, gốc rễ để đào tạo trẻ có nguyên tắc trong cuộc sống.
  • Chúng sẽ có tư duy và suy nghĩ thế nào là đúng thế nào là sai. Nếu cha mẹ không uốn nắn ngay từ nhỏ thì khi lớn chúng sẽ dễ tiếp nhận những điều xấu, những điều không tốt ở xã hội một cách nhanh chóng. Càng lớn thì tính cách của trẻ càng bốc đồng và dễ bị ảnh hưởng của xã hội xung quanh. Thấy những đứa trẻ khác chơi game, chơi bắn halflife,… thì chúng cũng học đòi chơi theo.
  • Bạn cần dành chút thời gian ngồi lại suy nghĩ để hiểu hơn về tính cách của con mình. Một khi đã hiểu thì hãy dành thêm thời gian để trò chuyện với trẻ những việc hằng ngày chúng làm và hướng dẫn chúng “lời hay lẽ phải”. “Con rất không thích bạn này bạn kia vì bạn không chơi với con”, vậy bạn trả lời con mình như thế nào? Trước hết, “con có thấy mình sai ở điểm nào không?” Hãy nhìn cái sai của mình trước rồi nhìn lại bạn, “bạn đó là người thế nào?” “Hãy tìm nguyên nhân tại sao bạn đó không chơi với mình?” Dạy con bạn nên theo chiều sâu, nhìn vào bản thân, nhìn vào đối phương, hay những người xung quanh để chúng nhận thức được điều nào là xấu, điều nào là tốt. Khi trưởng thành chúng sẽ vững trãi hơn khi đối diện với nhiều người khác nhau, nhiều tính cách khác nhau trong xã hội để “đối nhân xử thế” tốt hơn.
  • Bạn cũng nên đưa ra những quy tắc trong gia đình. Nếu con không nghe lời thì con phải chép phạt những điều mình làm sai. “Lễ nghĩa” thời xưa vốn rất quý để chúng ta noi theo nên bạn có thể chọn những câu chuyện về ứng xử, về nguyên tắc sống,… bảo chúng đọc và diễn đạt suy nghĩ của chúng về những câu chuyện này. Chúng sẽ học từ đó. Đây cũng là một trong những cách để chúng ghi nhớ những hành vi chưa đúng đắn của mình.
  • Việc la mắng, đánh đập không phải là phương thức tốt để dạy cho trẻ. Tâm lý chúng sẽ trở nên sợ sệt mà xa rời chúng ta, đôi khi có những hành động chống đối. Tình cảm dần trở nên xa lạ, không khắng khít. Vì vậy, kinh nghiệm của cha mẹ khi dạy con cái chính là lắng nghe và hiểu thấu tâm tư, suy nghĩ của con mình, sử dụng những câu chuyện lễ nghĩa của người xưa làm cầu nối đến ngày nay, nhưng trên hết vẫn là cách hành xử của chính cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày, trước mặt con cái.

Xem thêm:

Lan Anh