Những nơi vùng cao ngược nắng, ngược gió, ngược cả dòng số phận bao trẻ nhỏ. Cũng xinh xắn như bạn bè đồng trang lứa dưới miền xuôi nhưng cuộc sống của các em lại khó khăn hơn rất nhiều.

Con đường tới trường của các em là những đoạn đường đất gập ghềnh, những ngày mưa trơn ướt lấm lem hết cả thân mình. Những buổi sớm, khi bình minh chưa kịp ló rạng, những khuôn mặt còn đang ngái ngủ đã lo cắp sách trên lưng, đeo thêm thố cơm lem nhem bên cạnh. 

Câu chuyện đáng thương kể về những em bé thuộc dân tộc thiểu số huyện Con Cuông, miền Tây của tỉnh Nghệ An, được một bạn có chị gái là giáo viên tại đây chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.

“Đây là bữa trưa tại trường mầm non chị gái tớ dạy, xa tít mù khơi, đường xá đi lại cực kì khó khăn mà học sinh toàn là các em dân tộc Mông. Quê tớ ở miền Tây Nghệ An nhé! Đến lúc đi học về mỗi đứa xách 1 cái cặp lồng lủng la lủng lẳng, nhìn hay lắm”.

Các em luôn đi học cùng nhau, dù nắng hay mưa và trên tay luôn có cặp lồng cơm mang theo đến lớp.

“Nói thật đúng là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra, con cháu mình đến bữa ăn nịnh từng tý, xem điện thoại mới chịu ăn, thức ăn không vừa ý là lại nhè ra, đằng này nhìn mấy nhóc mà thấy xót xa. Buổi sáng trước khi đi học bố mẹ chuẩn bị cơm và ít trứng rán, hoặc cá kho mặn ơi là mặn, hoặc chỉ có cơm với ít hạt muối thôi… Thế mà mấy nhóc vẫn ăn ngon lành.

Nơi vùng cao ấy lạnh lắm, cái lạnh luồn qua khe núi, vách đá thấm vào da thịt, buốt thấu đến từng hơi thở; nhưng mấy đứa trẻ thơ ngây vẫn một manh áo tới trường.

“Năm nay nghe nói lại là mùa đông lạnh thế kỉ, miền xuôi quần áo ấm đầy đủ, còn mấy nhóc này thì không đâu mọi người ạ. Tớ có 1 thời gian dạy ở trường cấp 2 cũng miền núi, cô ở trên bảng khăn dày sụ, áo ấm sực, mà nhìn xuống mấy đứa mặc có mỗi sơ mi. Giờ ra chơi ngồi trong lớp mặt tím tái, hôm sau lục tủ lấy mấy cái áo ấm cũ đưa vào trường gặp riêng cho mấy đứa. Tội lắm!”

Các em lúc nào cũng trong bộ dạng lem luốc.

Những đứa trẻ vô tư và hồn nhiên, chúng chẳng biết đến những xa hoa và thú vui của bạn bè nơi miền xuôi hay các thành phố lớn; tất cả dường như đều thuộc về một thế giới khác. Khó khăn và thiên nhiên khắc nghiệt không thể cản nổi ước mơ đến trường của các em.

“Các em đi học ở đây 100% là thuộc dân tộc Mông và tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Đều đi bộ đến lớp, lội qua khe suối là chuyện bình thường, xót nhất là vào mùa đông, ở trên cao lạnh nên các em đến được tới lớp là da thịt tím tái hết cả lên.

Nhưng vui một cái là các em đi học rất chăm chỉ, hầu như đứa nào cũng hào hứng đến lớp, dù ngày mưa hay ngày nắng luôn. Đó là lý do chị mình gắn bó với các em và thương các em như con em trong nhà”.

Bữa cơm giản đơn của những em bé vùng cao.

Không chỉ tấm lòng hiếu học, hoàn cảnh đáng thương của những em bé vùng cao khiến chúng ta cảm động mà cái tình yêu nghề của những giáo viên nơi đây cũng đã làm biết bao người phải cảm phục.

“Thật tình mà nói vất vả lắm, nhất là mùa khai giảng, khi đó hầu như cô giáo nào cũng phải đi từng nhà, từng bản làng để kêu gọi mọi người cho con em đi học đi. Chị mình cũng thế! Chị mình thì ngủ tại trường luôn, điều kiện rất khắc nghiệt, nhất là vào những khi đỉnh điểm của mùa nóng hoặc mùa lạnh. Nhà chị mình cách trường 180 km, mà quãng đường lại khó đi, dốc, bùn lầy nên chị mình cả tháng mới về nhà một lần”.

Những khó khăn là vậy, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì cũng có nhiều thầy cô không lỡ rời xa bản làng, xa các em học sinh lấm lem bùn đất. Bởi vì các em luôn cần sự giúp đỡ, cần sự chở che, điều đó như tiếp thêm cho các em sức mạnh, để đủ niềm tin bước về phía trước. Cuộc sống tuy muôn vàn khó khăn như vậy, nhưng được học ê a con chữ cũng là điều hạnh phúc với các em rồi.

Các em đang cùng nhau đào khoai.

Yêu thương của thầy cô giáo cũng giống như ánh mặt trời, thuận tiện nhất cho việc phát triển các tâm hồn non trẻ. Điều đó cũng không gì có thể thay thế được, nhất là đối với những trẻ em nghèo ở những vùng cao. Hành trình đến tương lai còn xa vạn dặm với những đôi chân trần trai sạn của tuổi thơ nơi đây, nhưng các em cũng có một niềm tin rằng cứ đi rồi sẽ tới, cứ học rồi sẽ thành người.

Những bình luận của cư dân mạng.

Có lẽ chúng ta không thể cho các em một cuộc đời mới, một số phận mới nhưng chúng ta có thể giúp các em bớt lạnh hơn vào mùa đông, có một trang vở mới ngày đầu nhập học. Chỉ một chút yêu thương thôi góp nhặt vào biển tình sóng vỗ đã trở thành điều thật sự ý nghĩa.

Gia Viên – Hồng Tâm