Các bậc cha mẹ chắc hẳn đều hy vọng những đứa con của mình luôn được khỏe mạnh và giỏi giang. Có thể nhiều bậc cha mẹ cũng đã áp dụng nhiều phương pháp giáo dục nhưng hiệu quả đem lại thì không được như mong muốn. Hôm nay xin chia sẻ với các bậc cha mẹ một phương pháp giáo dục đặc biệt.

Phương cách giáo dục này không phải là một bài học hướng dẫn cho trẻ làm gì đó mà chỉ đơn giản là hãy dành 10 phút mỗi ngày để nói chuyện, hỏi con bốn câu hỏi:

  1. Hôm nay ở trường con có việc gì tốt diễn ra không?
  2. Hôm nay con có những biểu hiện tốt nào?
  3. Hôm nay con có học được điều tốt nào không?
  4. Hôm nay con có việc gì cần bố mẹ giúp đỡ không?

Những câu hỏi này nhìn có vẻ rất đơn giản, nhưng kỳ thực lại bao hàm ý nghĩa rất phong phú.

Câu hỏi thứ nhất: Ở câu hỏi này kỳ thực là cha mẹ đang điều tra xem khả năng quan sát của trẻ như thế nào? Qua đó, cha mẹ sẽ hiểu được trong lòng trẻ coi cái nào là tốt? Cái nào là không tốt?

Câu hỏi thứ hai: Trên thực tế câu hỏi này sẽ có tác dụng khích lệ trẻ, gia tăng lòng tự tin của trẻ.

Câu hỏi thứ ba: Câu hỏi này sẽ giúp trẻ suy nghĩ xem trong ngày trẻ đã học được điều gì?

Câu hỏi thứ 4:Ở câu hỏi này bao gồm hai ý nghĩa. Một là thể hiện sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái. Hai là ngầm mặc định cho con hiểu rằng việc học tập là việc của con, cha mẹ chỉ có thể giúp đỡ.

Theo lý niệm giáo dục, muốn giáo dục trẻ tốt thì mấu chốt quan trọng nhất là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái phải tốt. Nếu như, trong lòng trẻ biết rằng cha mẹ mình là người có trách nhiệm, có thể tin tưởng được thì trẻ cũng tin tưởng cha mẹ sẽ yêu mình vô điều kiện. Trẻ sẽ hiểu rằng những khen ngợi hay phê bình của cha mẹ đối với mình đều là vì để tốt cho mình. Một khi đã có sự tin tưởng ở trẻ thì mối quan hệ giữa đôi bên là tốt, hai bên cùng yêu thương, ủng hộ và hiểu nhau.

Giáo dục dưới góc độ này chính là “nương theo sự phát triển của trẻ”

Trên thực tế, đa phần mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là không được tốt. Cha mẹ nào cũng yêu thương con mình nhưng có những cách yêu thương lại vô hình gây ra tổn thương cho trẻ.

Ví dụ: Cho trẻ đồ ăn ngon nhất, mặc quần áo tốt nhất, đây chỉ là phương thức yêu chứ không phải yêu bản thân trẻ. Hơn nữa, tình yêu của cha mẹ đối với con thường xuyên có kèm theo điều kiện như chỉ cần con đứng thứ 3 trong cuộc thi này thì mẹ sẽ đưa con đi chơi, hay nếu hôm nay con ngoan mẹ sẽ mua đồ chơi cho con.v.v.

Kỳ thực, yêu là một loại cảm tình mà một sinh mệnh này yêu thích một sinh mệnh khác, là loại quan hệ ngang hàng và không có điều kiện.

Muốn trở thành cha mẹ tốt cũng không phải là khó, chỉ cần chú ý những ý sau:

  1. Tuyệt đối không sử dựng phương pháp độc đoán, đánh mắng trẻ, hãy thiết lập mối quan hệ ngang hàng.
  2. Yêu thương trẻ một cách vô điều kiện
  3. Nhất định phải tôn trọng nhân cách của trẻ
  4. Dùng phương pháp chính diện để giáo dục trẻ, không so sánh, nói xa xôi, thường xuyên cổ vũ khen ngợi.
  5. Điều chỉnh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đây là vấn đề rất quan trọng
  6. Chú trọng bồi dưỡng phẩm cách và tinh thần của trẻ.
  7. Giáo dục trẻ cần phải có sự chờ đợi, cho trẻ thời gian, đây không phải là việc có thể đòi hỏi cho kết quả ngay.

Trẻ nếu lớn lên trong phê bình liền học cách suy đoán kết luận người khác
Trẻ nếu lớn lên trong sự thù hận sẽ đi công kích người khác
Trẻ nếu lớn lên trong sợ hãi sẽ luôn lo âu suy nghĩ
Trẻ nếu lớn lên trong bất lực sẽ luôn thấy hối tiếc
Trẻ nếu lớn lên trong sự ghen ghét sẽ ôm hận
Trẻ lớn lên trong nhục nhã sẽ sinh cảm giác tội lỗi
Trẻ lớn lên trong sự khích lệ sẽ tự tin
Trẻ lớn lên trong sự bao dung sẽ biết nhẫn nại
Trẻ lớn lên trong sự tiếp nhận sẽ biết yêu thương người khác
Trẻ lớn lên trong sự thành thật sẽ học được chân lý
Trẻ lớn lên trong sự an toàn sẽ tràn đầy niềm tin
Trẻ lớn lên trong sự thân ái sẽ luôn yêu thương cuộc đời.

Trong quá trình phát triển của con, rất cần sự dẫn dắt của cha mẹ nhưng đôi lúc cha mẹ cần học được cách buông tay để trẻ tự mình bước đi.

Theo Cmoney.tw
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: