Việc học tập của con cái luôn là một trong những trăn trở hàng đầu của các bậc cha mẹ. Ai cũng muốn con cái mình có thể học tốt, lĩnh hội được nhiều kiến thức và thuần thục nhiều những kĩ năng hữu ích. Nhưng học tập là một quá trình và trẻ rất cần sự trợ giúp từ thầy cô và cha mẹ để có thể học một cách thiết thực và hiệu quả. 

Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu đến quý phụ huynh chuyên đề “Làm thế nào để giúp con học tốt hơn?” của giáo viên người Canada, cô Pat Kozyra – người có kinh nghiệm 50 năm đứng lớp.

Loạt bài này sẽ đề cập đến những chủ đề liên quan đến việc học tập của trẻ dưới rất nhiều những góc độ khác nhau: Phong cách học tập, thuyết Đa trí tuệ (các loại hình trí thông minh khác nhau), tầm quan trọng của âm nhạc, vai trò của hoạt động vui chơi và rất nhiều những chủ đề khác. Trong mỗi bài viết, cô Pat Kozyra sẽ trình bày một vấn đề cụ thể phát triển từ một chủ điểm được chắt lọc qua những câu hỏi mà cô thường xuyên nhận đươc từ các bậc phụ huynh.

Phần 1: Tại sao chị cả lại chăm chỉ mà em út lại ham chơi thích trốn học, tại sao cô chị học tiếng anh không nói gì nhưng từ nào cũng viết tốt, cô em lại nói năng lưu loát nhưng không biết từ tiếng anh đó viết thế nào?

Các chuyên gia thường xuyên lưu ý các bậc phụ huynh và thầy cô giáo rằng “không có một mẫu hình nào phù hợp cho tất cả”. Điều đó đồng nghĩa với, phần lớn mọi người trong chúng ta đều có một “phong cách học tập” riêng. Có 4 loại hình căn bản thể hiện sự khác nhau trong cách học tập của trẻ: học qua nghe, học qua nhìn, học qua tiếp xúc (xúc chạm) và học qua vận động. Mỗi đứa trẻ cũng có thiên hướng và cách học của riêng mình.

Là phụ huynh của hai học sinh lứa tuổi thanh niên, tôi thường xuyên cảm thấy rất lo lắng khi thấy con cái mình vừa học bài, vừa nghe nhạc, lại ngồi ở nơi ít ánh sáng và thậm chí là học trên sàn nhà. Nhưng trong 15 năm làm việc với những học sinh “thiên tài”, tôi đã học được rằng tất cả những điều đó chỉ đơn giản là “phong cách học tập” của trẻ. Trong những năm gần đây, rất nhiều các giáo viên giảng dạy đã vận dụng những hiểu biết về “phong cách học tập” của từng trẻ để tạo ra những bài học hấp dẫn và tạo động lực lớn cho việc học của trẻ, nhằm giúp học sinh tiếp thu và xử lý thông tin một cách hiệu quả hơn.

Vậy ngoài việc kiểm tra con đã làm đủ bài tập về nhà, học đủ thời lượng quy định hay chưa, dưới đây là những yếu tố mà bạn có thể xem xét để cải thiện môi trường học của con, từ đó giúp con tiếp thu và xử lý thông tin một cách tốt hơn. Hãy tìm hiểu (qua quan sát và đặt câu hỏi) để biết được con bạn thích:

  • Một căn phòng nhiều ánh sáng hoặc ít ánh sáng?
  • Một căn phòng ấm cúng hay một phòng học thoáng với cửa sổ mở và không khí trong lành?
  • Một căn phòng yên tĩnh hay căn phòng với tiếng nhạc và những tiếng động bên ngoài?
  • Một chiếc ghế êm hay nệm ngồi trên sàn?
  • Con cần học với những tài liệu có hình ảnh hay cần những tài liệu tích hợp cả âm thanh?

Những thông tin này cũng cung cấp cho bạn những chỉ dẫn đầu tiên về “phong cách học tập” của con. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng những câu hỏi trắc nghiệm để xác định rõ con tiếp thu thông tin hiệu quả nhất theo cách thức (kênh thông tin) nào.

Dưới đây là một bài trắc nghiệm tự đánh giá đơn giản xuất bản bởi Incentive Publications, Nashville, Tennessee, Hoa Kì mà bạn có thể sử dụng. 

Ba trong năm giác quan của bạn sẽ luôn được sử dụng cho việc học, lưu trữ, ghi nhớ và gợi nhắc lại những kiến thức mà bạn thâu nhận được. Bạn cần chọn phương án phù hợp nhất với trẻ. Tốt nhất, hãy giải thích cho trẻ rằng chúng cần nêu ra câu trả lời đến đầu tiên trong đầu, và không để quá nhiều thời gian để suy nghĩ

1. Trẻ nghe giảng và ghi nhớ một tiết học tốt nhất trên lớp khi

  1. Không ghi chép mà chỉ chăm chú lắng nghe
  2. Chọn vị trí đầu lớp và có thể nhìn rõ người đang trình bày
  3. Ghi chép những gì nghe được (dù có xem lại hay không xem lại sau đó) 

2. Thói quen giải quyết vấn đề của bạn là

  1. Tự nói về vấn đề đó với bản thân hoặc nói về vấn đề với một người bạn
  2. Giải quyết vấn đề bằng cách nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống, có tổ chức, với sự hỗ trợ của các danh sách, thời khóa biểu v.v.
  3. Giải quyết vấn đề trong khi đi bộ hoặc làm một hoạt động tay chân khác

3. Bạn ghi nhớ số điện thoại bằng cách

  1. Nhắc lại các số bằng cách đọc thành tiếng
  2. Chỉ nhìn các số, rồi hình dung các số trong đầu
  3. Viết các số bằng tay lên tường hoặc bàn

4. Bạn học một điều mới mẻ một cách dễ dàng khi

  1. Nghe ai đó giải thích cách làm
  2. Trực tiếp nhìn cách người khác thao tác
  3. Tự mình thử làm điều đó

5. Bạn ghi nhớ một cách rõ ràng một bộ phim nhờ

  1. Lời thoại, âm thanh và âm nhạc
  2. Khung cảnh, bối cảnh và trang phục
  3. Cảm xúc mà bạn cảm nhận được khi xem phim

6. Khi bạn đi mua đồ

  1. Bạn thầm nhẩm hay đọc thành tiếng tên những thứ cần mua
  2. Đi quanh cửa hàng để nhớ lại những thứ cần mua
  3. Bạn nhớ tất cả những gì trên danh sách mà bạn đã ghi ở nhà

7. Để nhớ lại một điều gì đó, bạn có xu hướng

  1. Tái hiện lại nó trong tâm trí
  2. Lắng nghe lại những điều người khác đã nói hoặc những âm thanh bạn đã nghe thấy trong hoàn cảnh đó
  3. Nhớ lại những cảm xúc mà điều đó đã tạo ra cho bạn

8. Bạn học ngoại ngữ tốt nhất khi

  1. Nghe các băng đĩa
  2. Viết và sử dụng sách tự học
  3. Tham gia một khóa học trong đó bạn có thể vừa đọc vừa viết

9. Khi bạn phân vân về chính tả của một từ, bạn thường

  1. Nghe từ đó được phát âm thế nào
  2. Cố gắng hình dung nó trong tâm trí
  3. Viết ra những phương án mà bạn nghĩ là có thể, sau đó chọn từ cho bạn cảm giác thuận mắt nhất

10. Bạn cảm thấy việc đọc dễ dàng và hứng thú nhất khi

  1. Đọc một đoạn hội thoại
  2. Một đoạn văn miêu tả cho phép bạn hình dung cụ thể trong tâm trí điều đang được nói đến
  3. Một câu chuyện với rất nhiều hành động ngay từ ban đầu, bởi thật khó để bạn ngồi yên

11. Bạn thường hay ghi nhớ một người mà mình đã gặp thông qua 

  1. Tên của họ (nhưng bạn không nhớ mặt)
  2. Mặt của họ (nhưng bạn không nhớ tên)
  3. Cách họ đi đứng và hành động

12. Bạn thường bị mất tập trung bởi nhân tố nào

  1. Tiếng ồn
  2. Người khác
  3. Môi trường (nhiệt độ, sự thoải mái, các trang thiết bị v.v.)

13. Bạn thường mặc trang phục như thế nào

  1. Chỉn chu (mặc dù quần áo không quá quan trọng với bạn)
  2. Chỉnh tề, chỉn chu (bạn rất chăm chút cho cách ăn mặc của mình)
  3. Thoải mái (để bạn có thể di chuyển một cách thuận tiện)

14. Trong trường hợp không thể di chuyển (về mặt thân thể) và cũng không có bất cứ thứ gì để đọc, bạn chọn

  1. Nói chuyện với một người bạn
  2. Xem ti vi hoặc nhìn qua cửa sổ
  3. Cố gắng động đậy một cách nhẹ nhàng trên ghế hoặc trên giường

Đây là kết quả

Bạn chọn nhiều phương án (1): bạn là người có xu hướng tiếp thu tốt bằng thính giác – nghe

Bạn chọn nhiều phương án (2):  bạn là người có xu hướng tiếp thu tốt bằng thị giác – nhìn

Bạn chọn nhiều phương án (3): bạn có xu hướng tiếp thu tốt bằng vận động – xúc chạm, thao tác, chuyển động

Khi nắm được trẻ tiếp thu những gì được học tốt nhất qua kênh thông tin nào, chúng ta sẽ hiểu tại sao là chị em gái nhưng mỗi đứa trẻ lại có thói quen học tập khác nhau. Hiểu biết sẽ giúp chúng ta không gò ép con cái vào cái khuôn “phải học giống cha mẹ hay người này, người kia”. Biết được con mình có thể học nhanh hơn khi đọc, nghe hay trao đổi, bạn có thể tìm cách để phụ đạo cho con mà không bị đi vào đường mòn “con nhà người ta”.

Từ đó tránh tạo nên những đối đầu, thất vọng và căng thẳng ở con trẻ. Khi hiểu con mình, bạn cũng sẽ giúp trẻ hiểu hơn về chính con, từ đó tìm ra những cách ghi nhớ thực sự phù hợp với trẻ.

Nếu muốn giúp trẻ học tốt hơn, cha mẹ và thầy cô trước hết cần hiểu rõ phương thức tiếp thu thông tin một cách tự nhiên của con cũng như những đặc điểm khác trong phong cách học của trẻ. Giống như chúng ta chăm một cây non, ta sẽ chăm nó lớn nhanh và mạnh mẽ nếu biết được những điều kiện nào phù hợp nhất với loại cây mà chúng ta trồng.

Bên cạnh đó, để giúp con học tập, một điều quan trọng khác là hãy khám phá xem đứa trẻ của bạn có trí thông minh phát triển theo thiên hướng nào?

Vẫn trên nguyên tắc, không có hai đứa trẻ giống hệt nhau, trong kì 2 của loạt bài này, cô Pat Kozyra sẽ tiếp tục trình bày một lý thuyết tâm lý học rất được quan tâm trong giáo dục tại xứ sở Lá Phong – thuyết đa trí tuệ của giáo sư Howard Gardner. Theo đó có 9 loại hình trí thông minh khác nhau: Trí thông minh logic – toán học, không gian, xã hội, hình thể – vận động, ngôn ngữ, âm nhạc – nhịp điệu, sinh thái, tinh thần.

*Cô giáo Pat Kozyra đã từng là giáo viên tiểu học, giáo viên thanh nhạc, là cô giáo của lớp học dành cho các thiên tài, hiệu trưởng trường mẫu giáo, giáo viên tiếng Anh, thuyết trình về giáo dục đặc biệt tại đại học Lakehead, Thunder Bay, Ontario, Canada. Cô cũng nhiều lần làm khách mời của một chương trình radio tại Hồng Kong để nói về cuốn sách “Những mẹo cần biết dành cho cha mẹ và thầy cô giáo”.

Hy Văn biên dịch