Tuổi học trò với bao mơ ước và luôn đong đầy những kỷ niệm khó phai. Điều làm cho người ta khó quên đi nhất chính là dáng hình của những người thầy.

Trị bệnh không chỉ là chữa xong bệnh là xong, mà còn cần tìm biện pháp để người bệnh có thể vui vẻ hòa nhập cuộc sống. Cũng như thế, giáo dục trò hay “trị trò hư” cũng vậy, không chỉ là phạt học sinh mà cần các em có thêm nguồn cảm hứng theo học.

Để phạt học sinh việc lười lau bảng, thầy đã không bắt cả lớp viết bản kiểm điểm, bắt học sinh lau đi lau lại cả chục lần hay nhiều phương pháp trị “nằm lòng” khác, thầy sử dụng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để trị những đứa trò hư của thầy.

Mỗi lần thầy Chính, giảng viên Khoa Toán trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đứng lớp nhưng thấy sinh viên của mình vẫn chưa lau bảng, thầy đơn giản sẽ sử dụng luôn chiếc bảng chằng chịt chữ ấy mà ghi chồng bài giảng của mình lên. Đến cuối giờ, thầy đột ngột kiểm tra bài cả lớp và nội dung câu hỏi là những gì thầy đã giảng và viết trên bảng ngày hôm đó.

Cứ mỗi lần như vậy là một lần ghi nhớ, đến những tiết học sau, chiếc bảng lúc nào cũng sạch bóng. Phương pháp giáo dục của thầy rất tế nhị và dí dỏm, thầy không đứng trước lớp rầy la hay khiển trách sinh viên của mình những câu kiểu như “lớn rồi nhưng không có ý thức”... mà chỉ đơn giản đặt vào tình huống khó có thể nào quên và rất tế nhị để các em tự nhận ra thiếu sót và sai lầm của mình.

Cũng là một cách khác dạy học trò của một thầy giáo trẻ có tên Nguyễn Việt Phương sinh năm 1989, hiện là giảng viên, công tác tại khoa Giáo dục và Công tác tại trường Đại học Vinh được 6 năm. Những lời nhận xét “dí dỏm” của thầy trong bảng lời phê khiến mấy bạn sinh viên phải nhớ mãi.

Chúng ta thường hay coi trọng điểm số khi nhận bài kiểm tra nhưng với học trò của thầy Phương thì những lời nhận xét của thầy lại quý giá hơn nhiều. Điều đó không chỉ xuất hiện ở các bài làm chưa tốt, mà tất cả các bài đều nhận được những đánh giá của thầy với những đánh giá thật đúng là cũng có 1 không 2 và cũng chứa đựng thật nhiều tâm huyết của thầy.

Ví như: “Em định sống thế này đến bao giờ?“, có lúc thì hóm hỉnh, hài hước: “Em sợ bạn nhìn bài hay sao mà viết chữ nhỏ vậy?”. Ngoài những nhận xét nhẹ nhàng thì thầy cũng có những lời nhắn nhủ thẳng thắn, chính xác, giúp học sinh dễ cảm nhận và có thể ý thức hơn việc học tập của mình: “Đọc bài của em như đọc 1 cuốn tiểu thuyết, rất dài và khó hiểu”, nặng hơn thế thì là: “Em nên viết thư pháp vào mùa xuân đi để tăng thêm thu nhập”.

Những lời nhận xét của thầy Phương luôn là động lực thúc đẩy các em học sinh học tốt hơn và đạt điểm cao trong đợt thi hết môn học. Đó cũng là điều mà các em luôn cảm thấy thật ý nghĩa và luôn nhớ về người thầy đặc biệt của mình. Một người thầy biết cách giải thích, minh họa và biết truyền cảm hứng cho sinh viên.

Những lời của thầy Phương đã biến những lời phê thành những lời khích lệ, liên tưởng đến chính cuộc sống của học trò. Bài giảng nên đến từ những điều trong thực tế, liên tưởng với chính tâm hồn và suy tư của các em sinh viên.

Nhân cách của người thầy thường là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Hơn bao giờ hết, các em học sinh đều cảm nhận được sự quan tâm dạy dỗ ân cần, tận tâm chỉ bảo từ các thầy cô giáo. Sự tâm huyết của các thầy cô đã hun đúc trong tâm hồn các em học sinh một tình yêu quê hương đất nước, con người, và học để trở thành một người tốt, biết sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Gia Viên – Hồng Tâm