Câu chuyện về người đàn ông bị liệt nửa người 4 năm tự “xẻ núi” mở đường ở Ấn Độ đã khiến biết bao người kinh ngạc, thán phục và càng thêm có niềm tin rằng “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.

Ông Melethuveettil Sasi năm nay 63 tuổi, đến từ Kerala được biết đến như Ngu Công (một điển cố của Trung Quốc) phiên bản hiện đại của Ấn Độ. Với lòng quyết tâm và sự cần mẫn, ông đã dành 4 năm để đào con đường xuyên qua ngọn núi ngay trước nhà mình. Tuy nhiên, điều đặc biệt là người đàn ông này chỉ dùng đến những công cụ hết sức thô sơ để làm việc.

Sasi đã quyết tâm đào một con đường đất xuyên qua ngọn đồi trước nhà để có thể tự đi làm phụ giúp gia đình.

Người ta kể lại rằng, năm 15 tuổi, ông Sasi đã bắt đầu làm nghề leo cây hái dừa, vì vậy ngay từ nhỏ ông rất giỏi trong việc leo trèo. Thế nhưng, một ngày nọ vào 18 năm trước, ông bất cẩn bị ngã khi đang leo lên cây, tay chân ông bị gãy và nửa thân phải bị liệt. Thế là người đàn ông tội nghiệp này phải nằm bất động trên giường không cử động được trong một thời gian dài.

Cũng từ ngày Sasi bị tai nạn, gia đình ngày càng sa sút. Các con của ông đã buộc phải bỏ học để làm việc hỗ trợ gia đình. Nhìn cảnh kinh tế kiệt quệ, Sasi không khỏi đau lòng. Ông quyết tâm tự tập luyện và hồi phục để giảm gánh nặng cho gia đình. May mắn thay, vài tháng sau, ông đã bắt đầu có thể di chuyển từng chút một, tay và chân bắt đầu có cảm giác. Trải qua nhiều năm kiên trì, Sasi cuối cùng đã có thể đứng dậy và đi lại được, ông cũng đã sử dụng được tay phải một cách hạn chế. Tuy nhiên, ông vẫn là một người khuyết tật và không thể tiếp tục làm công việc leo cây hái dừa để kiếm tiền như trước được nữa.

Sau gần 4 năm trời ròng rã, con đường cuối cùng cũng được hoàn thành

Lúc nào cũng ngồi một chỗ và không giúp được gì cho gia đình khiến Sasi luôn cảm thấy rất áy náy, ông nghĩ đến việc ngồi xe ba bánh để đến thành phố lân cận bán vé số. Tuy nhiên, vì gia đình quá nghèo, ông không đủ tiền mua xe nên ông đành đến chính quyền địa phương xin được hỗ trợ một phần.

Đáp lại sự cầu xin khẩn khoản của ông, các nhân viên hành chính ở đó ra sức cười cợt, chế nhạo. Họ thậm chí còn hỏi rằng có phải ông sẽ bay qua ngọn núi nhỏ trước cửa nhà hay không?

Trước sự chế giễu của mọi người, Sasi vẫn bền bỉ thực hiện mục tiêu mình đã đặt ra ngay từ đầu.

Gần 10 năm đến gõ cửa và nhờ hỗ trợ từ mọi đơn vị chính quyền địa phương nhưng không một ai sẵn sàng giúp đỡ Sasi cả. Tất cả những gì ông nhận được là sự cười nhạo và thờ ơ của những người xung quanh.

Quá chán nản khi liên tục bị từ chối, ông Sasi quyết định “xẻ núi” để thông hanh con đường trước nhà bằng chính hai bàn tay của mình. Mỗi ngày, ông bắt đầu làm việc từ lúc 5 giờ sáng, đến 8 giờ rưỡi ngừng lại khi thời tiết bắt đầu nóng. Sau đó khoảng 3 giờ rưỡi chiều ông lại bắt tay vào làm đến khi mặt trời lặn. Cứ đều đặn như vậy, suốt 4 năm trời ròng rã…

Ban đầu, Sasi gặp rất nhiều khó khăn. Do cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục nên ông không thể đứng thẳng khi sử dụng cuốc và thường xuyên bị ngã. Trong vài tháng liền, ông liên tục bị thương và trầy xước khắp người. Nhưng điều đó không ngăn được sự quyết tâm bền bỉ của người đàn ông nghị lực này. Cuối cùng, sau khoảng hơn 1 năm, Sasi đã học được cách làm chủ thân thể và tiếp tục công việc của mình thuận lợi hơn.

Những người hàng xóm đều cười nhạo Sasi và cho cho rằng đây là ý tưởng điên rồ. Tuy nhiên ông vẫn bỏ qua mọi lời đàm tiếu, gièm pha và kiên trì với mục tiêu của mình. Mãi đến tận khi con đường bắt đầu được định hình thì mọi người mới vỡ lẽ và bắt đầu ủng hộ. Thực ra, đối với Sasi, việc mọi người có ủng hộ ông hay không cũng không quan trọng, bởi ông hiểu việc mình đang làm có ý nghĩa và chắc chắn sẽ thành công.

Câu chuyện “Ngu Công dời núi” của Sasi đã được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội. Mọi người đã mua tặng một chiếc xe tay ga 3 bánh để ông có thể dùng mưu sinh mà không cần phụ thuộc vào sự viên trợ của chính quyền nữa. Cuối cùng, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ ra suốt gần 4 năm qua đã thu được thành quả xứng đáng. Hiện nay, không một ai còn xem ông là một người khuyết tật nữa; đối với họ, Sasi đã thực sự là một người hùng.

***

Câu chuyện của người đàn ông liệt nửa người, đi lại còn rất khó khăn nhưng kiên định đào núi ba năm để mở cho mình một con đường sống mới có giúp bạn hiểu hơn về chữ nhẫn, về đức tính mà con người từ hàng nghìn năm nay vẫn luôn dặn dò nhau phải học, phải ghi nhớ?

Sự kiên nhẫn là một trong những yếu tố không thể thiếu của bất kì thành công nào. Samuel Johnson, một thi hào của nước Anh thế kỉ 18 đã từng đúc kết “Những thành tựu vĩ đại không được gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì”. Ông Sasi đã cho chúng ta một ví dụ minh họa thật rõ nét. Ông không phải là người có sức mạnh vô song, thậm chí, sức lực của một người đàn ông bình thường ông cũng không có. Nhưng ông giữ trong tâm mình “con đường” mà ông muốn đào, và mỗi ngày ông nhìn vào hình ảnh ấy để cố gắng.

Ông Sasi kể lại rằng, ông đã mất rất nhiều thời gian để tập cho cơ thể mình được cân bằng, để có thể dùng cuốc. Cũng rất nhiều lần bị thương, nhưng ông vẫn tiếp tục sau khi chấn thương lành lại. Phải chăng ông Sasi đã nhận ra, một khi ông không từ bỏ công việc, đến một ngày nó sẽ hoàn thành. Có thể mọi việc sẽ chậm hơn khi ông gặp khó khăn, nhưng khi điều đó qua đi và chúng ta vẫn tiếp tục công việc của mình như chưa hề có điều gì xảy ra, chúng ta vẫn đang tiến đến mục tiêu cần đạt được.

Ông luôn giữ trong tâm mình “con đường” mà ông muốn đào, và mỗi ngày ông nhìn vào hình ảnh ấy để cố gắng.

Tiếp tục sau khi vấp ngã, duy trì thường hằng công việc mình đang làm chính là những biểu hiện cụ thể của “lòng kiên nhẫn”. Khi chúng ta có thể tiến lên mỗi ngày, dù chỉ là những bước nhỏ, chúng ta vẫn sẽ đi hết con đường của mình, và đến đích đúng thời hạn.

Một khía cạnh khác của câu chuyện này, đó chính là thái độ của ông Sasi với thời gian. Ông không quản thời gian hoàn thành mục tiêu của mình là nhiều hay ít, ông không coi thời gian là địch thủ để chạy đua, mà tôn trọng nó như nó vốn thế. Và bất ngờ thay, thời gian trở thành bạn đồng hành, hỗ trợ và biến Sasi thành một người đáng ngưỡng mộ.

Khi ta không đặt sự cố chấp của mình vào thời gian, tự hối thúc mình rằng thời gian sắp hết rồi, mọi thứ sẽ không kịp; vô hình trung, ta khiến mình nhìn thời gian như một thứ đáng sợ. Khi ấy, nỗi sợ đang chiếm hữu khoảng thời gian quý báu của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chỉ đặt tâm vào việc mình cần làm, vào những mục tiêu mình cần hoàn thành, nỗi sợ sẽ không thể cướp đi bất cứ phút giây nào của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ thanh thản hoàn thành ước mơ của mình, như ông Sasi đã đi hết được con đường của mình một cách thật tốt đẹp.

Người phương Tây có câu “Hãy hướng về phía ánh sáng, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn”. Thực ra, vận mệnh luôn được giấu kín trong chính tư tưởng của chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải “nhẫn”, cần phải kiên trì và quý trọng thời gian, có như vậy, chúng ta mới mới thấy được lối đi sau rất nhiều những chướng ngại.  

Linh An – Hy Văn 

Xem thêm: