Các thiết bị di động đang dần trở thành một bộ phận thiết yếu của cuộc sống, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tuy nhiên bên cạnh những kho ứng dụng vô hạn, các thiết bị thông minh vẫn còn một điểm hạn chế – dung lượng pin.

Thành phố Luân Đôn và hãng Ford ý thức rõ ràng được điểm yếu này. Với tư duy “think outside the box” (tư duy ngoài chiếc hộp, suy nghĩ một cách sáng tạo), họ đã thêm một điểm cộng cho thủ đô xinh đẹp của mình nhờ vào hệ thống các băng ghế thông minh cho phép người dân và du khách nghỉ chân trong lúc chờ đợi chiếc điện thoại của mình được “ăn no”.

Toàn cảnh băng ghế thông minh

Hãng Ford đã hợp tác với Strawberry Energy để cho ra đời những chiếc ghế với thiết kế thân thiện và đẹp mắt. Tuy nhiên điểm độc đáo nhất của chiếc ghế chính là hệ thống “bộ sạc”, cho phép người dùng sạc điện thoại, máy tính bảng, máy đọc sách và tất cả những thiết bị thông mình khác của họ… ngay trên đường.

Bấm nút để sạc

Chiếc ghế còn cung cấp cho người dùng wifi, rất nhiều những thông tin về mức tiếng ồn, khí CO2, độ ẩm và nhiệt độ của môi trường xung quanh một cách miễn phí. Với những dịch vụ bổ sung này, nhà sản xuất mong muốn tạo nên cảm giác “được kết nối” và “an toàn” cho người dân. Đây mới chỉ là bước đầu trong dự án tạo lập một thành phố thông minh thuận tiện và thân thiện của hãng này.

Ở Ford, chúng tôi tin rằng thành phố của tương lai là nơi làm mọi người cảm thấy hạnh phúc, an toàn và được kết nối, vì thế chúng tôi đang nghiên cứu thiết kế các con phố trong tương lai để nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau: đi bộ, đạp xe, lái xe, kết nối với mọi người, và tất nhiên, các cơ sở kinh doanh và dịch vụ đang đóng góp vào nền kinh tế của của các quốc gia”, bà Sarah -Jayne Williams, Giám Đốc Ford Smart Mobility tại châu Âu chia sẻ.

Thiết kế hài hòa với không gian xung quanh, tạo sự thoải mái cho người sử dụng

Hiện nay, 20 băng ghế thông minh loại này đã được lắp đặt thử nghiệm tại nhiều điểm trong khắp thành phố Luân Đôn. Chiếc ghế được dự đoán sẽ mang lại nhiều những trải nghiệm dễ chịu cho người dân của thành phố. Người Anh nói chung và người dân Luân Đôn nói riêng rất yêu thích hoạt động đi bộ. Nó giúp họ tăng thời gian được kết nối với thiên nhiên. Những băng ghế này vì thế có thể khuyến khích người dân tham gia hoạt động này tích cực hơn, bởi nỗi lo về “điện thoại hết pin” của họ đang dần được xóa bỏ.

Bước đầu trong việc tạo dựng thành phố thông minh, thân thiện

Nhìn ở một khía cách khác, những băng ghế này có thể biến Luân Đôn thành một thành phố thân thiện với khách du lịch. Bởi với đối tượng khách hàng này, điện thoại hết pin ảnh hưởng lớn đến định hướng, kế hoạch cũng như cảm xúc của họ.

Anh có ghế băng thông minh, Pháp có chiếc hộp nhỏ mang tên Charli 

Tại Pháp, ngày càng đông người dân thành thị cũng mắc phải hội chứng tâm lý “sợ điện thoại hết pin” hay “sợ không có điện thoại” (no phone phobia). Các doanh nhân trẻ tuổi của nước này cũng có chung cách tư duy với hãng Ford và thành phố Luân Đôn. Dựa trên “nỗi sợ hết pin” đang ngày càng phổ biến, họ đã xây dựng Startup độc đáo và khả thi mang tên CharliCharger.

Ở Pháp không có ghế băng, nhưng có Charli

CharliCharger cung cấp một hộp sạc mini được đặt tên là Charli. Charli cho phép 5 thiết bị di động kết nối cùng một lúc để sạc pin. Khi pin của bộ sạc đầy, nó có khả năng cung cấp năng lượng cho 30 – 40 thiết bị. Giống như những băng ghế ở Anh, hộp Charlie cho phép sạc mọi thiết bị di động. Nó còn được trang bị một cổng USB để các thiết bị khác có thể kết nối nếu khách hàng mang theo dây sạc riêng.

Charli ở siêu thị

Với hình dáng nhỏ nhắn của mình, hộp Charli sẽ xuất hiện ở những không gian bán công cộng như các nhà hàng, các cửa hàng dịch vụ, các trung tâm giao dịch, trên tàu cao tốc (TGV), nhằm giúp khách hàng sạc điện thoại ngay khi sử dụng các dịch vụ khác như ăn uống hay di chuyển.

Charli trên tàu cao tốc

Startup độc đáo này hướng trực tiếp tới đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Theo những người sáng lập dự án, Charli sẽ giúp ích cho các cơ sở kinh doanh tạo lập sự thân thiện với khách hàng, khi trang bị cho cửa hàng của mình giải pháp để xóa bỏ mọi lo lắng của khách hàng liên quan đến những chiếc điện thoại đang “đòi ăn”.

Charli trong nhà hàng

Màu sắc đa dạng, hình dáng trang nhã và khả năng di chuyển của bộ sạc này khiến Charli trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc hơn so với một số sản phẩm cùng ý tưởng trên thị trường. Hơn thế nữa, khách hàng có thể dễ dàng tạo dấu ấn riêng trên sản phẩm để phù hợp với thiết kế nội thất và tinh thần của cửa hàng. Ngoài ra, Charli còn cho phép các doanh nghiệp có thể bổ sung các loại thông tin hữu ích với khách hàng của họ lên chính hộp sạc bằng việc dán các đề can được thiết kế riêng lên các mặt trống của chiếc hộp.

Những người mang Charli đến với nước Pháp

Thành lập từ năm 2014, Startup CharliCharger đã bắt đầu tìm được chỗ đứng của họ. Năm 2016, sau 2 năm hoạt động, họ đang vận hàng với 7 nhân viên với mức thu nhập năm 2016 là 380.000 euros. Trong vòng 1 năm đầu tiên, sự tăng trưởng của họ là 117%. Trong năm nay, Startup đang tiếp tục tuyển dụng thêm 3 vị trí để mở rộng và hoàn thiện dịch vụ của mình. Với những người sáng lập của CharliCharger, cuộc phiêu lưu vẫn còn ở phía trước.

Bên cạnh bài học – nền tảng của việc phát triển sản phẩm luôn phải đặt trên sự thấu hiểu những nhu cầu của khách hàng, hãng Ford và Startup CharliCharger còn là hai ví dụ minh họa sinh động cho tư duy thiết yếu để thành côngtư duy vượt giới hạn (think outside the box). Cụ thể hơn, cả hai đang chứng minh cho bạn thấy “vì sự thuận tiện của người khác” chính là nguồn ý tưởng vô tận cho mọi sự sáng tạo.

Nguồn ảnh: Vnmedia, Charlicharger

Hy Văn