Hầu hết mỗi người chúng ta đều đang cố gắng để trở thành một con người tuyệt vời, biết quan tâm, tốt bụng và lương thiện. Nhưng tính cách hình thành do môi trường sống, gia đình… nên nhiều khi bạn khó mà thấy được những tính xấu của mình, trừ khi có ai đó chân thành góp ý thẳng thắn.

Nếu bạn đang tìm cách để hoàn thiện bản thân, hãy xem bạn có đặc điểm nào trong 9 tính xấu được nêu ở dưới đây hay không nhé!

1. Sống chủ nghĩa cá nhân

Rất nhiều người không tiếp nhận cũng không nhận ra mình đang sở hữu tính cách này. Họ quan niệm sống tốt, không hại ai đã là người tốt rồi. Song nếu họ hướng nội nhìn vào bản thân mình thì sẽ thấy rõ mình là người không quan tâm đến người khác vì chẳng mảy may để tâm người khác nói gì, sống ra sao.

Họ cho rằng chỉ họ là người quan trọng. Nếu đây là đặc tính của bạn thì đến lúc cần thay đổi rồi đấy vì có thể đảm bảo với bạn rằng chẳng ai muốn kết bạn với một người chỉ quan tâm đến bản thân mình.

2. Chú trọng vẻ bề ngoài, phớt lờ vẻ bên trong

Vẻ bề ngoài hào nhoáng, sang trọng luôn bắt mắt và thu hút ánh nhìn từ mọi người xung quanh, nhưng bạn sẽ chẳng thể giữ lại hình ảnh đẹp lâu dài trong lòng đối phương nếu thiếu những yếu tố khác như chân thành, nhiệt tình, quan tâm…

Vẻ đẹp thực sự lại là nội tại, xuất phát từ con tim và tâm hồn sâu sắc, dễ để lại cho người ta ấn tượng khó quên. Họ sẽ là người chủ động liên lạc và giữ mối quan hệ với bạn.

Những người chỉ nghĩ đến vẻ bên ngoài, muốn lôi kéo nhiều người hơn nữa đến với mình, trước hết hãy thay đổi cách suy nghĩ, nhìn vào gương và bước vào thế giới nội tâm để tìm lại tâm hồn ẩn sâu. Mỗi ngày như thế bạn càng khám phá nhiều hơn về con người thật của mình, và rồi một ngày khi tiếp xúc và nói chuyện với ai đó bạn không còn vẻ khoa trương trong lời nói mà hoàn toàn phát ra từ nội tâm chân thành của mình.

(Ảnh: Youtube)
(Ảnh: Youtube)

3. Mang tâm tranh đấu và hiếu thắng:

Những người này luôn chú ý đến việc tranh hơn thua với người khác, mình phải giỏi hơn, thông minh hơn, và đặc biệt là hay chê bai người khác… Thay vì nói lời khen ngợi người khác vì những nỗ lực cố gắng của họ: “Wow! Điều đó thật tuyệt. Tôi thực sự tự hào về bạn.”, thì lời của kẻ hiếu thắng như đâm thẳng vào tim họ: “Việc này có gì đâu mà khó. Tôi có thể xử lý việc này hiệu quả hơn.”

Những người như thế sẽ nhanh chóng mất điểm trong mắt người khác. Người khác sẽ nhìn họ là người rất tầm thường vì xã hội này thiếu gì những người giống như họ. Nếu bạn giỏi thì cũng phải có người giỏi hơn. Vậy những người giỏi hơn bạn cũng có thể sẽ nghĩ bạn chẳng tài ba gì.

Mọi người sẽ ái mộ và khâm phục bạn hơn nếu bạn sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không bỉu môi, chê bai một lời. Hãy suy nghĩ kỹ “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói để không gây tổn thương cho người khác nhé!

(Ảnh: Twitter)
(Ảnh: Twitter)

4. Thù nghịch với những người thân hữu:

Những người này không chỉ thiếu khí phách mà còn kém cỏi, ngay cả những người đồng nghiệp và bạn bè cũng được đưa ra bêu rếu, châm chọc, thậm chí tệ hại hơn là quay lưng nói xấu. Những người được coi là kém thu hút thường mang “tâm đố kỵ” ngay cả với bạn bè, đồng nghiệp – những người đồng minh với họ. Đây quả là những người thiếu lòng biết ơn và thiếu tôn trọng người khác.

(Ảnh: Linkedin)
(Ảnh: Linkedin)

5. Cho mình là người quan trọng

Trong một nhóm bạn, họ đi đâu đó mà không rủ bạn, thì trong lòng bạn không yên ổn, bất bình đặt câu hỏi này nọ, chẳng hạn “Tại sao không rủ tôi đi cùng?”, “Mọi người sao không nghĩ đến tôi vậy?”. Trong công việc, bạn tự đặt định mình là trung tâm của vũ trụ nên hay nói kiểu “Không có tôi, mọi việc sẽ chẳng ra làm sao”. Bạn hãy ngừng ngay lối suy nghĩ đó, mỗi người đều có cuộc sống riêng, bạn không có họ hay họ không có bạn, mọi việc đều có thể giải quyết, cuộc sống của bạn và họ vẫn sẽ tiếp tục.

Mặc khác, bạn cũng đừng cố gắng kiểm soát người khác vì mỗi người đều có phong cách sống riêng, họ sẽ không hài lòng về bạn nếu bạn đang cố thể hiện mình là người thay họ quyết định.

6. Biểu hiện không trung thực:

Hành vi xấu của một người trước hết là không chân thật, nói dối về tất cả mọi thứ. Ai cũng nói bản chất con người khó thay đổi, nhưng làm người điều tiên quyết chính là sự trung thực. Những người không chân thành là những người xấu, những ai chơi với họ sẽ tản đi, và xa rời họ.

Nếu trong đầu bạn nhen nhóm việc nói dối chẳng hại ai thì đâu có sao, thì hãy dập tắt suy nghĩ ấy ngay lập tức. Vì bạn sẽ không nhận biết được tính cách này sẽ trở thành “thói quen” khó bỏ, và có khi còn đánh mất đi bản chất “chân thật” của một con người.

(Ảnh: Twitter)
(Ảnh: Twitter)

7. Cả hành vi và lời nói “không văn minh”:

Những người ngồi lê đôi mách, hay bình luận, nói lời tục tĩu hay thể hiện không lịch thiệp nơi công cộng được đánh giá là không tốt. Nếu bạn thấy mình đang có một trong những hành vi này thì hãy bỏ nó đi vì người khác sẽ luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn.

8. Người không đáng tin cậy:

Khi một người nào đó hoặc bạn bè hoặc đồng nghiệp kêu gọi giúp đỡ, có phải bạn là người tỏ ra bận rộn? Chắc chắn các mối quan hệ của bạn sẽ trở nên kém đi. Giả sử bạn cần sự giúp đỡ từ những người khác, họ cũng sẽ đối đãi như cách bạn đã đối đãi với họ.

Hãy luôn thể hiện là người đồng cảm, biết chia sẻ với mọi người, bạn sẽ cuốn hút nhiều người sẵn sàng hỗ trợ bạn và giúp đỡ bạn nhiệt tình trên mọi phương diện.

9. Suy nghĩ tiêu cực:

Nếu trong tâm tư suy nghĩ nhìn đời của bạn không mấy lạc quan, thì bạn chẳng thể làm nên việc gì thật sự tốt cả. Hãy cố gắng thay đổi cách nhìn của bạn, các thách thức trong cuộc sống giúp bạn thêm trưởng thành. Cuộc sống này của chúng ta cần lý trí hơn là mê muội để không rơi vào trạng thái bế tắc, cũng như đừng để người khác bị ảnh hưởng và tìm cách tránh xa bạn.

Hahna Nguyễn